Lời toà soạn

Bộ TT&TT vừa công bố kết quả đánh giá, xếp hạng về chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh – DTI năm 2022. Đây là năm thứ ba Bộ TT&TT tổ chức đánh giá và công bố xếp hạng về chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương. VietNamNet thực hiện tuyến bài: "Bứt phá chuyển đổi số ở các ngành, địa phương", giới thiệu các bài học mà các đơn vị đã triển khai để có kết quả tích cực trong lĩnh vực này.

Bài 1: Đà Nẵng có gì khi 3 năm liên tiếp dẫn đầu các địa phương về chuyển đổi số?

Bài 2: Đồng bộ hạ tầng số giúp Quảng Ninh vượt lên trong xếp hạng chuyển đổi số

Bài 3: Quyết tâm của lãnh đạo tạo nên thành công của chuyển đổi số ở Cần Thơ

Bài 4: Bứt tốc ngoạn mục, chuyển đổi số Quảng Ngãi nhảy vọt 34 bậc

Sự vào cuộc trực tiếp của người đứng đầu

Nhiều năm qua, Bộ Tài chính luôn dẫn đầu ở khối bộ, ngành trong các kỳ đánh giá về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số. Với báo cáo xếp hạng chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, tỉnh – DTI được Bộ TT&TT thực hiện định kỳ từ năm 2021, hai kỳ đánh giá đầu tiên, Bộ Tài chính vẫn chiếm ngôi đầu ở khối bộ, ngành có cung cấp dịch vụ công.

Ở lần đánh giá thứ ba về mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương trong năm 2022 mới được Bộ TT&TT công bố trung tuần tháng 7, với việc đạt tổng điểm 0,8218, Bộ KH&ĐT đã vượt Bộ Tài chính để vươn lên xếp vị trí số 1 trong 17 bộ, ngành có dịch vụ công. Đặc biệt, chặng đường vừa qua, mức độ trưởng thành chuyển đổi số của Bộ KH&ĐT đã liên tục được cải thiện. Năm 2022, cơ quan này đã vươn lên dẫn đầu ở tất cả các chỉ số chính.

Biểu đồ xếp hạng chỉ số chuyển đổi số của khối bộ, ngành có cung cấp dịch vụ công năm 2022. 

Theo đánh giá của Bộ TT&TT, một yếu tố quan trọng để Bộ KH&ĐT triển khai quyết liệt, có hiệu quả công tác chuyển đổi số thời gian qua chính là sự quan tâm, vào cuộc trực tiếp của người đứng đầu.

Trong thông tin về kết quả đánh giá DTI năm 2022 của các bộ, ngành và địa phương, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhận xét: “Đồng chí Bộ trưởng Bộ KH&ĐT rất quan tâm chỉ đạo việc triển khai nền tảng số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động quản lý Nhà nước”.

Đại diện Bộ TT&TT cũng đã tổng kết rằng, mô hình thành công chung cho các bộ, ngành, địa phương là sự vào cuộc trực tiếp của người đứng đầu: “Chuyển đổi số thay đổi cách làm, mà để thay đổi cách làm thì người đứng đầu là quyết định. Chuyển đổi số lại chú trọng vào người sử dụng. Vì vậy, chuyển đổi số cần người đứng đầu quan tâm, vào cuộc trực tiếp, đặt ra bài toán, chỉ ra cần làm cái gì, cần thay đổi cái gì. Doanh nghiệp công nghệ đưa ra giải pháp. Người đứng đầu tiên phong sử dụng và quyết liệt chỉ đạo việc sử dụng trong toàn bộ cơ quan, tổ chức”.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông, thời gian qua, nhiều giải pháp đã được triển khai để thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng như phục vụ hoạt động chuyên ngành KH&ĐT.

Ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, nhất là trong lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân đã được ưu tiên, thông qua việc triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ KH&ĐT. Hệ thống này đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cổng dịch vụ công quốc gia.

Số liệu của Bộ TT&TT cho thấy, trong năm 2022 cũng như hiện nay, Bộ KH&ĐT luôn có tên trong nhóm bộ, ngành dẫn đầu về tỷ lệ dịch vụ công phát sinh hồ sơ trực tuyến và tỷ lệ xử lý hồ sơ trực tuyến – 2 chỉ tiêu quan trọng đánh giá hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đơn cử như, tại thời điểm giữa tháng 3/2022, 2 chỉ tiêu này của Bộ KH&ĐT lần lượt là 87,3% và gần 80%.

Bộ KH&ĐT cũng đã triển khai nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về chuyển đổi số; thúc đẩy hệ sinh thái phát triển chuyển đổi số doanh nghiệp, nâng cao năng lực mạng lưới chuyên gia tư vấn chuyển đổi số, kết nối các giải pháp chuyển đổi số. Đến tháng 6/2023, đã có khoảng 10.000 doanh nghiệp tại 40 địa phương được đào tạo trực tiếp về chuyển đổi số; hơn 1.500 doanh nghiệp được tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số; xây dựng đội ngũ gồm 100 chuyên gia để hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Chuyển đổi số trong lựa chọn nhà thầu, mua sắm công đã giúp nâng cao tính minh bạch và cạnh tranh, tiện lợi và linh hoạt, giảm thiểu sai sót và rủi ro, tăng cường tính chuyên nghiệp, tiết kiệm chi phí. 

Cùng với việc tập trung chuyển đổi số phục vụ hoạt động chuyên ngành KH&ĐT với 4 nền tảng chính hỗ trợ việc quản lý đầu tư công; đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, đăng ký hộ kinh doanh, hợp tác xã; lựa chọn nhà thầu, mua sắm công; lĩnh vực thống kê, Bộ KH&ĐT đã đặc biệt chú trọng đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Thống kê của Bộ TT&TT cho hay, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp do Bộ KH&ĐT vận hành, trong nửa đầu năm 2023 đã tiếp nhận 11,9 triệu lượt giao dịch truy vấn đến, chỉ xếp sau các dịch vụ liên quan đến hộ tịch, dân cư và bảo hiểm xã hội; và ở chiều ngược lại, các hệ thống thông tin của Bộ KH&ĐT đã thực hiện gần 197.000 lượt giao dịch truy vấn đi đến các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu khác.

Song song đó, chuyển đổi số trong nội bộ của Bộ KH&ĐT cũng được ưu tiên thông qua ứng dụng CNTT và chuyển đổi số: 100% văn bản trao đổi trong Bộ được gửi điện tử có ký số, việc chỉ đạo điều hành của các đơn vị đều thực hiện qua hệ thống điện tử, 100% hệ thống thông tin có các phương án ứng cứu xử lý sự cố tấn công mạng.

Trao thêm sứ mệnh cho bộ phận chuyên trách CNTT

Chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông nhấn mạnh, việc triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số cần bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số và cần có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên ngành của Bộ TT&TT, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ trong quá trình thực hiện.

Nhận định các nhiệm vụ chuyển đổi số là những việc lớn, đòi hỏi xử lý nhanh, kịp thời và làm nhiều việc cùng lúc, đại diện Bộ KH&ĐT chỉ rõ: Để hoạt động đi vào hiệu quả, thực chất, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu cơ quan, cần có sự chung tay vào cuộc của tất cả các đơn vị trong Bộ, nhất là người đứng đầu các đơn vị. Công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị cũng cần được chú trọng ngay khi bắt đầu triển khai nhiệm vụ.

Một kinh nghiệm nữa của Bộ KH&ĐT là cần chú trọng xây dựng kế hoạch và hoàn thiện các cơ chế, chính sách về chuyển đổi số, trong đó, xác định các mục tiêu, giải pháp và kết quả đầu ra rõ ràng, cụ thể để thuận lợi trong việc giám sát, kiểm tra, đánh giá. Đồng thời, chú trọng việc xây dựng, sử dụng các nền tảng số của bộ, ngành, ứng dụng công nghệ mới vào các lĩnh vực hoạt động của ngành, ví dụ như ứng dụng trợ lý ảo, AI vào các nền tảng số. Tăng cường đào tạo, tập huấn, phổ biến về chuyển đổi số, kỹ năng số cho công chức, viên chức tại Bộ.

Ở góc nhìn của cơ quan giữ vai trò dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT đánh giá, bước tiến của Bộ KH&ĐT trên bảng xếp hạng chuyển đổi số năm 2022 còn là kết quả của việc Bộ này đã kiện toàn, đổi tên Trung tâm Tin học thành Trung tâm CNTT và chuyển đổi số.  

Tổng kết mô hình thành công đặc trưng cho các bộ, ngành, đại diện Bộ TT&TT cho rằng: Đó là việc kiện toàn, đổi tên hoặc bổ sung nội hàm chức năng chuyển đổi số ngành, lĩnh vực cho đơn vị chuyên trách về CNTT.

“Khi được trao thêm sứ mệnh về việc tham mưu chuyển đổi số ngành, lĩnh vực, khi được giao chính danh nhiệm vụ, thì sẽ kích hoạt sự thay đổi của đơn vị chuyên trách về CNTT. Tự họ sẽ thúc đẩy tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tập huấn kỹ năng, tổ chức phát triển và thúc đẩy sử dụng các nền tảng, hình thành nên các cơ sở dữ liệu, kết nối, chia sẻ dữ liệu và bảo đảm an toàn, an ninh mạng”, đại diện Bộ TT&TT phân tích thêm.

Trần Thị Ngọc Minh, Mai Vân Anh, Nguyễn Thị Diệu Bình, Trần Thị Ngọc Minh, Lê Thị Thúy