Xem lại bài 1: Thanh gươm nào để giữ ‘phòng tuyến sông Cầu’ cho tỷ giá

Tuần Việt Nam giới thiệu phần 2 cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế Trương Văn Phước.

Tăng trưởng cao, lạm phát thấp

Ông nhìn nhận như thế nào về nền tảng vĩ mô hiện nay của Việt Nam trong tương quan với thế giới?

Trước hết, tôi xin nhấn mạnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, tăng trưởng cao khoảng 8%, lạm phát thấp khoảng dưới 4%, các cán cân khá tốt…

Để ổn định lòng tin và tâm lý trong dân, cần truyền thông mạnh mẽ về yếu tố vững chắc, vững mạnh của kinh tế vĩ mô. Cần nói với các nhà đầu tư nước ngoài, nói với người dân và doanh nghiệp, là xem trên toàn thế giới có nước nào có tăng trưởng cao đến 8% mà lạm phát dưới 4% như Việt Nam không! Có nước nào mà tăng trưởng cao gấp đôi so với lạm phát như chúng ta hay không! Nói chừng đó thôi để thấy, kinh tế vĩ mô vẫn đứng vững trước những biến động của thế giới với các cơn bão giá, nguồn cung năng lượng đứt gãy và xung đột.

Thưa ông, rõ ràng tỷ giá và lãi suất đã biến động trong bối cảnh kinh tế vĩ mô khá ổn định. Điều này nên hiểu thế nào?

Tỷ giá và lãi suất gặp nhau ở cung cầu. Ai tạo nên cung cầu? Đó là những người tham gia vào thị trường, nhưng điều gì để cho họ tạo cung cầu? Đó là ý thức, là niềm tin của họ. Ý thức và niềm tin do đâu mà có? Xin thưa, từ thông tin mà có.

Ông Trương Văn Phước: Việt Nam là nền kinh tế có nền tảng ổn định vĩ mô cao, có tăng trưởng cao, lạm phát thấp

Nếu không nói về nền tảng vĩ mô ổn định trong giai đoạn hiện nay thì người ta có thể không đủ thông tin. Truyền thông phải đầy đủ, chính xác để lan toả đến mọi thành phần của thị trường.

Tôi băn khoăn, vì sao thị trường chứng khoán của ta lại như vậy? Có lẽ, niềm tin bị tác động bởi những vụ việc trên thị trường chứng khoán hay trái phiếu doanh nghiệp… Tuy nhiên, những vụ việc đó không mang tính quyết định cho thị trường tài chính và cả nền kinh tế nói chung.

Thủ tướng đã nói rồi, ai sai xử người đó, còn phải bảo vệ phần còn lại tuyệt đại đa số của thị trường. Các cụ ngày xưa có câu hay “Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi”, đừng vơ đũa cả nắm.

Vì thế mới cần có tiếng nói rõ ràng minh bạch rằng, những gì xảy ra là khiếm khuyết cần xử lý và không đại diện cho bức tranh tổng thể của nền tài chính Việt Nam.

Tương quan VND/USD

Ông nhìn nhận như thế nào về tương quan VND và USD trong tương quan vĩ mô của hai quốc gia, điều ông đã đề cập đến ở phần trước?

Tỷ giá là giá đối ngoại; lạm phát là giá đối nội. Khi đồng tiền mất giá, sức mua của đồng tiền đó mất đi thì phải bỏ ra nhiều tiền hơn để mua cùng một sản phẩm. Vậy sức mua đối nội và đối ngoại của đồng tiền phải có quan hệ với nhau.

Mặt khác, đồng tiền lại gắn liền với lãi suất. Nếu USD có lãi suất là 0% mà VND có lãi suất là 1% thì người ta phải chuộng VND hơn USD. Đó là lí do xác định các loại tỷ giá cần dựa vào chênh lệch lãi suất.

Từ cơ sở đó, có thể thấy một số điều như sau.

Thứ nhất, lạm phát của Mỹ 8-9%, lạm phát của Việt Nam là 3-4%. Mức chênh 5% đó làm giảm giá USD so với VND là 5%.

Thứ hai, lãi suất VND là 6-8% trong khi lãi suất USD là 3%, tức là chênh lệnh lên đến 3-5%, làm đồng USD suy yếu hơn VND hay làm cho USD ít nhất xuống giá 3-5% so với VND.

Vì sao lãi suất USD có 3% trong khi rất nhiều đồng tiền khác có lãi suất cao hơn mà tỷ giá của họ vẫn tăng ào ạt so với USD, mất giá rất mạnh. Mà tới đây, dự kiến FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất USD vào ngày 3/11 và 5/12 thì tình hình sẽ còn biến động thế nào?

Đó là vì bên cạnh yếu tố cung cầu tác động vào tỷ giá, như tôi đã nói, còn nhiều yếu tố khác như sự kiện Nga - Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nhiên liệu…

Ông nhận xét như vậy là có hàm ý như thế nào với trường hợp của Việt Nam?

Việc VND mất giá bao nhiêu so với USD phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không thể nhìn đồng Baht Thái mất giá bao nhiêu để ám chỉ cái đích của mình. Chúng ta thử nhìn sang Singapore. Tỷ giá đồng đô la Singapore (SGD) so với USD là năm 1.35-1.36, và bây giờ là 1.40, tức là mất giá có tí ti thôi. Tôi được biết, Singapore mong muốn kéo tỷ giá cuối năm xuống còn 1.37. Vậy bài học của Singapore làm Việt Nam phải suy nghĩ.

Tôi không hiểu có người cứ đeo đẳng mãi chuyện so sánh VND với đồng Baht Thái hay tiền đồng của vài quốc gia Asean khác để tạo ra một kì vọng mất giá như nó. Cơ sở của lập luận đó là gì, tôi không hiểu nổi, nhất là khi cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn có thặng dư.

Lãi suất VND cao quá

Vậy ông giải thích vì sao lạm phát của Việt Nam thấp như vậy mà lãi suất lại cao như vậy?

Tôi từng nói, tôi ủng hộ NHNN tăng lãi suất VND lên tại Diễn đàn kinh tế Quốc hội ngày 18/9. Để xem lãi suất VND cao hay thấp, hay lãi suất của một đồng tiền cụ thể cao hay thấp, cần dựa vào tương quan lạm phát, xem lãi suất là dương hay âm.

Ví dụ, năm nay lạm phát của Việt Nam dự tính khoảng 3,5-4% mà lãi suất bình quân 7-8%, vậy lãi suất gấp đôi, lạm phát là dương. Còn ở Mỹ, dù FED có tăng lên lãi suất 4-4,5% mà lạm phát 8%, nghĩa là lãi suất USD âm 4%.

Lãi suất thực dương đến 3-4% thì lãi suất VND cao quá, đó là chưa kể lãi suất tiền vay lên tới 10-12% và thậm chí cao hơn. Lãi suất VND đến nay rất cao vì lạm phát Việt Nam thấp.

Vì sao trong thời gian vừa rồi, huy động tiền gửi vào ngân hàng thương mại lại thấp so với mức độ cho vay? Huy động ít, vay nhiều không phải vì lãi suất ngân hàng thấp. Lý do là trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất cao quá so với lãi suất huy động của ngân hàng cho nên có một bộ phận người dân rút tiền tiết kiệm ra để mua trái phiếu. Hành động đó đúng, nơi nào có lãi suất cao thì dòng đầu tư sẽ chảy về đó.

Đảm bảo thanh khoản và lòng tin

Theo ông, đâu là vấn đề lớn hiện nay của nền kinh tế?

Làm sao tạo ra được thanh khoản của thị trường. Trước Đổi mới chúng ta từng ngăn sông cấm chợ, sau đó mới có chính sách phân phối lưu thông hợp lí và áp dụng cơ chế một giá vào thị trường để luân chuyển hàng hoá, đáp ứng cung cầu. Đó là bài học rất đáng giá. Các bộ, ngành cần quan tâm đến thanh khoản của thị trường. Giá vốn do cung cầu quyết định nhưng phải có thanh khoản.

Chính sách tiền tệ cần hướng dòng vốn đi vào khu vực sản xuất, kinh doanh trong nhóm ưu tiên. NHNN cần khuyến khích các tổ chức tín dụng thông qua các công cụ của chính sách tiền tệ như tái cấp vốn với chi phí thấp hơn. Ngược lại, ở những lĩnh vực nguy hiểm tạo bong bóng thì áp dụng các cơ chế không ưu tiên bằng cách tăng hệ số rủi ro lên. Song, dù thế nào cũng phải đảm bảo thanh khoản của thị trường.

Một lần nữa, tôi xin nhắc lại, Việt Nam là nền kinh tế có nền tảng ổn định vĩ mô cao, có tăng trưởng cao, lạm phát thấp, cán cân thanh toán thặng dư. Chúng ta lại đang kiên trì theo đuổi định hướng tăng trưởng cao bền vững với các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã xác định. Những yếu tố đó là nền tảng để tạo lập niềm tin.