Chốt phiên giao dịch ngày 18/11, VN-Index tăng nhẹ 0,07 điểm lên 969,33 điểm sau biến động tăng giảm liên tục. Áp lực bán ra tăng lên khi “hàng” về vào buổi chiều, trong khi cầu bắt đáy cũng khá mạnh.
Thanh khoản tăng nhanh lên ngưỡng trên tỷ cổ phiếu ở 3 sàn, trị giá tổng cộng 15.300 tỷ đồng, trong đó có 13.700 tỷ đồng trên HOSE. Cổ phiếu Vingroup (VHM) và Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thêm một lần quay đầu tăng, sau khi nhiều lần trong phiên bị bán mạnh và chuyển sang mức giá đỏ.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index điều chỉnh giảm khá mạnh, mất 24,7 điểm xuống 944,56 điểm. Thanh khoản ở mức khá thấp. Cổ phiếu Eximbank bứt phá sau chuỗi ngày giảm sàn.
Cổ phiếu Vingroup (VHM) và Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng quay đầu giảm sau khi tăng phần lớn trong buổi sáng.
Trước đó, cổ phiếu Vingroup (VIC) và Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bắt đầu phiên sáng bằng với xu hướng tăng giá tiếp và nâng đỡ thị trường chứng khoán. Trong khi đó, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long tiếp tục hồi phục ấn tượng nhờ lực cầu bắt đáy lớn, trong khi áp lực bán tháo gần như không còn.
Cổ phiếu Vingroup tăng phiên thứ 6 liên tiếp. Theo Bloomberg, hãng sản xuất xe điện VinFast của Tập đoàn Vingroup có thể sẽ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ sớm nhất vào tháng 1/2023 và huy động tối thiểu 1 tỷ USD
Trước đó, hồi tháng 4, VinFast Trading & Investment Pte.Ltd., công ty con đặt tại Singapore của Vingroup, đã nộp hồ sơ IPO lên Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC), sau khi VinFast công bố kế hoạch chi 4 tỷ USD xây dựng tổ hợp nhà máy đầu tiên tại quốc gia này.
VN-Index đi ngang trong phần lớn buổi sáng 18/11, ở quanh 969 điểm. Mức này cao hơn khá nhiều so với đáy 873 điểm ghi nhận lúc 10h sáng 16/11, nhưng còn thấp hơn rất nhiều so với đỉnh trên 1.520 điểm hồi đầu tháng 4/2022.
Cổ phiếu Ngân hàng Eximbank (EIB) bất ngờ tăng trần trở lại sau chuỗi 7 phiên sàn liên tiếp.
Theo giải trình của Eximbank, giá cổ phiếu EIB tăng giảm là do cung cầu của thị trường, nằm ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng. Hiện Eximbank vẫn hoạt động bình thường, hiệu quả kinh doanh 9 tháng đầu năm đạt kết quả khả quan, với nhiều chỉ tiêu hoạt động vượt kế hoạch năm 2022.
Cổ phiếu Eximbank giảm từ trên 42.000 đồng/cp vào cuối tháng 10 xuống còn 18.150 đồng hôm 17/11, tương đương mức giảm hơn 57%.
Sáng 18/11, cổ phiếu Eximbank tăng hết biên độ cho phép, lên 19.400 đồng/cp với dư mua hơn 1,2 triệu đơn vị.
Cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) tăng trần phiên thứ 3 liên tiếp sau khi ông Đức gửi tâm thư đến cổ đông, cho hay hoạt động kinh doanh của HAG đang diễn ra rất tốt, thậm chí tăng trưởng gấp nhiều lần cùng kỳ các năm trước.
Cổ phiếu HAG giảm mạnh từ mức 14.600 đồng hôm 23/9, xuống còn 5.930 đồng/cp hôm 15/11.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa. Các cổ phiếu bất động sản (trừ hai ông lớn là Vingroup và Vinhomes) có dấu hiệu điều chỉnh giảm sau hai phiên hồi phục vừa qua.
Riêng hai cổ phiếu Novaland (NLV) và Phát Đạt (DPR) vẫn nối dài chuỗi ngày giảm sàn.
Cổ phiếu Novaland (NVL) của cựu chủ tịch Bùi Thành Nhơn giảm hết biên độ phiên thứ 12 liên tiếp, với giao dịch tăng lên đôi chút. Giao dịch thành công tăng lên 960.000 đơn vị được mua bán (tính tới 10h05'), trong khi dư bán sàn còn hơn 57 triệu đơn vị.
Cổ phiếu Bất động sản Phát Đạt (PDR) của ông Nguyễn Văn Đạt giảm sàn phiên thứ 11 liên tiếp với dư bán lên tới gần 129 triệu đơn vị. Đây cũng là phiên giảm thứ 23 của cổ phiếu này.
Thị trường chứng kiến sự thận trọng hiện hữu trong bối cảnh yếu tố vĩ mô còn nhiều bất lợi và chưa thực sự rõ ràng.
Theo nhiều công ty chứng khoán, áp lực rung lắc có thể xuất hiện khi VN-Index lên vùng 980 điểm. Chứng khoán KBSV cho rằng xu hướng giảm điểm trong trung hạn vẫn đóng vai trò chủ đạo, áp lực rung lắc sẽ trở nên rõ nét hơn với vùng cản kế tiếp quanh 980.
Rồng Việt cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục tiến lên thăm dò quanh 975 điểm của VN-Index và áp lực chốt lời có thể sẽ dần xuất hiện trong phiên chiều.