Mới đây, những thông tin thất thiệt, xôn xao dư luận liên quan đến Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM được xác định xuất phát từ một bài đăng tố cáo ẩn danh, được đăng tải trên trang "UEH Confessions".

Câu chuyện về tính kiểm duyệt và trách nhiệm của những trang confessions (tạm dịch là "sự thú nhận/sự thú tội") bỗng trở thành chủ đề cần nhìn nhận thấu đáo.

Thực tế hiện nay, gần như cộng đồng sinh viên trường đại học nào cũng có các trang confessions riêng để đăng tải những chia sẻ, ý kiến dưới dạng ẩn danh từ chuyện học hành, cho đến mối quan hệ với bạn bè, thầy cô... 

Các confessions đều gắn với tên của trường đại học, chẳng hạn như “UEH Confessions” (UEH - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), “NEU Confessions” (NEU - Trường ĐH Kinh tế quốc dân), “VNU Confessions” (VNU - ĐH Quốc gia Hà Nội),... 

Cơ chế hoạt động của các trang confessions là người viết gửi đến quản trị viên (admin) những chia sẻ, ý kiến, nhận định một cách ẩn danh về một vấn đề nào đó. Admin sau đó sẽ đăng lại những bài viết này dưới dạng ẩn danh trên trang confessions.

Tuy nhiên, những người lập hay có quyền quản trị các trang này thường không chịu trách nhiệm với trường đại học mà có thể lập tự do với Facebook. Các trang confessions thường có kèm tên các trường đại học, song trên thực tế hầu hết lại không thuộc sự kiểm soát của các trường.

Ở khía cạnh tích cực, confessions như mở ra cơ hội tự do ngôn luận của người dùng mạng xã hội, giúp các cá nhân có thể thoải mái chia sẻ những điều khó nói ở ngoài đời thực. Thế nhưng, sự kiểm duyệt trên các confessions hiện quá phụ thuộc vào sự chủ quan, nhận thức của các quản trị viên. 

Ảnh minh họa.

Lấy dẫn chứng NEU Confessions - được giới thiệu là fanpage của sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân, với số lượng người thích đạt hơn 3 triệu.

TS Vũ Trọng Nghĩa, Trưởng phòng truyền thông Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho hay, trang confessions này bản chất lại do các cựu sinh viên hoạt động và duy trì, chứ trường không quản lý cũng như kiểm duyệt được nội dung.

“Những trang confessions là một trào lưu đã diễn ra từ khá lâu. Như NEU confessions do các cựu sinh viên của trường lập nên, hiện là những cá nhân đã ra trường, nên nhà trường cũng chẳng thể kiểm soát được. Việc hoạt động các trang này sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp theo các quy định của pháp luật”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cho hay, hiện nay, nhà trường cũng xem confessions là một trang để sinh viên có thể thoải mái đưa ra ý kiến mà đôi khi các em ngại bày tỏ trực tiếp với thầy cô, nhà trường. Đó có thể là những góp ý về một môn học hay thái độ của ai đó,...

“Những ý kiến đó có thể các em sinh viên không dám viết lên ở những trang chính thống của nhà trường. Các chia sẻ hoàn toàn ẩn danh, nhưng chúng tôi luôn có người theo dõi những bài viết này và coi đó là những kênh thông tin để nắm bắt tư tưởng, tinh thần, suy nghĩ và đời sống của sinh viên. Để qua đó có thể tìm hướng giải đáp thắc mắc, đưa thông tin chính thống, thậm chí kịp thời điều chỉnh các chính sách, giải quyết mâu thuẫn nếu có”.

Theo ông Nghĩa, “bộ lọc” của những trang confessions có thể bị “biến tướng” dần theo thời gian.

Vì vậy, nhà trường cũng có đầu mối, thường liên hệ để trao đổi với các quản trị viên của trang này.

“Với những trường hợp đăng tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến trường hoặc các thông tin cần kiểm chứng, chúng tôi sẽ liên hệ đến các admin của confessions để ý kiến, giải quyết”, ông Nghĩa nói.

TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Phòng Chính trị và Công tác sinh viên của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN cho rằng, thực tế nhà trường nhận thấy đây là một điều đáng lo ngại, song để quản lý rất khó. 

“Các trang confessions thường có lượng theo dõi rất lớn. Bởi thường đưa nhiều câu chuyện hoặc dựng lên những câu chuyện không có thật, “drama” nhằm câu view, tăng tương tác.  

Chúng tôi vẫn thường xuyên theo dõi các trang confessions dù có thể đó là những trang bày tỏ ý kiến cá nhân ẩn danh và không thuộc sự quản lý, kiểm duyệt của nhà trường. Cũng không ít các thông tin không được kiểm chứng hoặc có thể xuất phát từ bức xúc cá nhân chứ không phải vấn đề hệ thống.

Nhiều thông tin không tốt, ảnh hưởng đến tâm lý sinh viên và xã hội. Các cơ quan chức năng có thể tìm ra các cá nhân ẩn danh đăng nội dung sai sự thật nhưng với các trường, đó là việc khá khó khăn”, ông Bình nói.

Ông Bình cho hay bản thân và các cán bộ trường vẫn thường xuyên theo dõi các confessions về trường để nắm bắt các thông tin. “Có như vậy, để khi thấy những thông tin sai lệch thì chúng tôi sẽ sử dụng tài khoản chính danh để đính chính, trao đổi để mọi người cũng nắm bản chất vấn đề”.

Theo ông Bình, biện pháp kiểm soát tốt nhất có lẽ là các trường cần giáo dục, định hướng, ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng để sinh viên nhận thức vấn đề nào cần đưa lên confessions, vấn đề nào không. “Bởi khi đưa thông tin không đúng, các sinh viên sẽ phải chịu trách nhiệm về việc lan truyền thông tin sai sự thật. Việc này ảnh hưởng đến chính các em, chưa kể trường lớp, mọi người xung quanh”.