"Thấm đòn" cuộc chiến hạ giá

CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) vừa công bố báo cáo tài quý II và 6 tháng đầu năm 2023. Doanh thu nửa đầu năm của chuỗi FPT Shop (chuyên bán lẻ các sản phẩm kỹ thuật số di động như điện thoại di động, máy tính bảng, laptop, ...) đạt 8.118 tỷ, giảm 19% so với cùng kỳ.

FPT Retail có FPT là cổ đông lớn nắm hơn 46%.

Sự khó khăn của thị trường bán lẻ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cùng với cuộc chiến hạ giá các sản phẩm trong lĩnh vực này khiến FPT Retail lỗ 198 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Tính riêng trong quý II, FPT Retail lỗ 251 tỷ đồng (so với mức lãi 47 tỷ đồng cùng kỳ) do doanh thu giảm 18,1%. 

Theo FPT Retail, nguyên nhân là cầu hàng hóa tiếp tục giảm khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là với những mặt hàng giá trị cao, thu nhập giảm, thất nghiệp tăng…

Bên cạnh đó, mức cạnh tranh trong ngành bán lẻ điện tử tiếp tục diễn ra mạnh mẽ khi các nhà bán lẻ giảm giá bán để giành thị phần.

Sự sụt giảm của sức cầu tiêu dùng khiến cho trong kỳ, FPT Retail giảm hơn 5.000 nhân sự so với đầu năm, xuống còn 10.459 người.

Tuy nhiên, chuỗi nhà thuốc Long Châu tiếp tục ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh, lũy kế 6 tháng tăng 72% so với cùng kỳ lên gần 6.900 tỷ đồng nhờ mạng lưới mở rộng mạnh mẽ và nhu cầu tiêu thụ thuốc ít bị tác động bởi bất ổn kinh tế.

Ở mảng dược phẩm, FPT Long Châu mở mới 306 nhà thuốc trong 6 tháng, nâng số lượng nhà thuốc có doanh thu lên đến 1.243 nhà thuốc. Doanh thu trung bình đạt hơn 1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng.

Cuộc chiến về giá của các ông lớn bán lẻ. (Ảnh: DN)

Cũng khó khăn tương tự trong mảng bán các mặt hàng không thiết yếu, trong nửa đầu năm 2023, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) do ông Nguyễn Đức Tài làm Chủ tịch ghi nhận doanh thu thuần giảm 20% so với cùng kỳ, xuống còn 56.570 tỷ đồng, và mới hoàn thành 42% chỉ tiêu doanh thu trong năm nay.

Doanh thu của chuỗi Thế giới di động và Topzone (bán điện thoại, laptop) giảm mạnh khi ước đạt 13.351 tỷ đồng (tỷ lệ 23,6%), nhưng bù lại, Điện máy Xanh đạt 28.228 tỷ đồng (chiếm 49,9%) nhờ hoạt động kinh doanh máy lạnh trong mùa nóng gay gắt. Còn doanh thu chuỗi Bách hóa Xanh (bán rau, cá) tăng 7% so với cùng kỳ lên 13.600 tỷ đồng.

Như vậy, đây là tháng thứ 2 liên tiếp trong năm 2023 doanh thu từ bán thịt, cá, rau… nhiều hơn bán điện thoại, máy tính…

Với PNJ của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận của bà Cao Thị Ngọc Dung, doanh thu trang sức bán lẻ 6 tháng đầu năm 2023 giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2022, xuống 16.459 tỷ đồng do chịu tác động bất lợi từ thị trường.

Theo PNJ, doanh thu giảm là do sức mua mặt hàng trang sức nội địa và đơn đặt hàng từ khách hàng doanh nghiệp có phần sụt giảm. Doanh thu trang sức bán sỉ trong 6 tháng đầu năm giảm 30,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Kỳ vọng tích cực hơn cuối năm 2023

Mặc dù gặp khó khăn trong nửa đầu năm 2023, nhưng, theo Chứng khoán ACB (ACBS), Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường bán lẻ tiềm năng trên thế giới. Dù kênh thương mại truyền thống vẫn áp đảo nhưng kênh bán lẻ hiện đại ngày càng phát triển với nhiều chuỗi như: ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), dược phẩm, điện thoại di động, điện tử gia dụng… mở rộng nhanh chóng.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt gần 5,7 triệu tỷ đồng vào năm 2022. Sức mua của người tiêu dùng sụt giảm trong nửa đầu năm 2023 do tình hình kinh tế không thuận lợi, lãi suất tăng, khó khăn hơn trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính tiêu dùng, lo ngại về sự ổn định của thu nhập/việc làm…

Trong khoảng thời gian này, người tiêu dùng tập trung cho các sản phẩm thiết yếu, hơn là những mặt hàng ít thiết yếu như đồ gia dụng, may mặc…

Trong nửa cuối năm, ACBS cho rằng, ngành bán lẻ sẽ được cải thiện với dự phóng tình hình kinh tế tốt hơn. Chi tiêu được cải thiện nhờ lãi suất được điều chỉnh giảm, thuế VAT giảm...

Nhìn chung về dài hạn, nền kinh tế đang phát triển, chính trị ổn định, dân số lớn và ưu thích kết nối, quá trình đô thị hóa, thu nhập gia tăng và mức sống cao hơn chính là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng thị trường bán lẻ Việt Nam.

Cũng theo ACBS, sự phục hồi của khách du lịch quốc tế có thể sẽ đóng góp vào tăng trưởng của ngành bán lẻ. Mặc dù thời kỳ dân số già đang ngày càng đến gần hơn nhưng ở thời điểm hiện tại Việt Nam vẫn đang sở hữu mô hình dân số trẻ và lợi thế này có thể duy trì trong khoảng 10 năm nữa theo như dự báo của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA).

Tầng lớp trung lưu của Việt Nam được dự phóng sẽ tiếp tục mở rộng, nhờ kinh tế phát triển và đô thị hóa. Theo báo cáo của Knight Frank, số người có giá trị tài sản ròng cao (trên 1 triệu USD) của Việt Nam tăng 70,8% trong giai đoạn 2017-2022; và dự báo có thể tăng 60,4% trong giai đoạn 2022-2027.

Còn SSI Research thì kỳ vọng, mặt bằng lãi suất giảm giúp giảm bớt áp lực trả lãi vay đối với người tiêu dùng cũng như áp lực chi phí lãi vay của các doanh nghiệp bán lẻ. 

Riêng với MWG, SSI Research cho rằng, doanh thu của mảng điện thoại di động và điện máy (ICT & CE) vẫn có thể tiếp tục giảm trong quý II và quý III, sau đó sẽ tăng dần từ quý IV/2023 đến hết năm 2024 do cạnh tranh về giá bớt khốc liệt hơn và mức tồn kho thấp hơn. MWG được dự báo sẽ hưởng lợi đáng kể từ sự hồi phục trong hoạt động giải ngân của các công ty tài chính tiêu dùng.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng dự báo nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm ICT sẽ cải thiện 9% trong nửa cuối năm 2023. 

Trong khi đó, mảng thực phẩm Bách Hoá Xanh có thể khó có lãi trong năm 2023 như kế hoạch của MWG.