Đứng nói chuyện với phóng viên CNN ở phần còn lại của khu vườn bị tàn phá sau một đêm tấn công dữ dội cách đây một tháng, cô Liuba chia sẻ tiếng pháo nổ dồn dập hơn vào ban đêm, nên cô và người chồng Serhei nắm chặt lấy tay nhau, bởi như vậy họ cảm thấy được an toàn.
Trong một trận pháo kích, ngôi nhà của người hàng xóm đã bị phá hủy, còn cô Liuba và chồng bị hất ngã xuống sàn nhà bếp. Anh Serhei bị cả chiếc tủ lạnh đè lên người. Dù may mắn không bị thương tích nặng, nhưng chấn động tâm lý lại đáng kể. Song họ vẫn quyết định không đi sơ tán dù đã có lệnh.
“Đây là nhà của chúng tôi. Trời cũng đang ấm dần lên, cùng với những xô nước mưa đã hứng từ trước, chúng tôi sẽ sống sót”, cô Liuba quả quyết nói.
Hai vợ chồng cô Liuba nằm trong số 2.500 cư dân cuối cùng cố thủ tại Kupiansk, một thành phố chiến lược ở rìa phía đông của tỉnh Kharkiv bên bờ sông Oskil của Ukraine.
AP từng nhận định, chiến thắng ở Kupiansk sẽ quyết định hướng tấn công của các lực lượng Nga và Ukraine trong tương lai. Do đó, khu vực này đang phải chứng kiến các đợt giao tranh vô cùng dữ dội.
Ông Konstiantyn Tarasov, cảnh sát trưởng thành phố Kupiansk, nói rằng kể từ giữa tháng Hai, tiếng đại bác bắn đang ngày càng gần hơn một cách đáng sợ.
Còn vào tuần trước, chính quyền Ukraine đã ra lệnh sơ tán bắt buộc đối với những cư dân dễ bị tổn thương nhất ở Kupiansk, giữa lúc các lực lượng Nga đang pháo kích “liên tục”.
Ông Dmytro Kovalov, một trong những tình nguyện viên tham gia sơ tán, cho biết “Chúng tôi đã treo biển báo về việc sơ tán miễn phí ở khắp mọi nơi cùng với số điện thoại để gọi. Khi pháo kích gia tăng, càng có nhiều người đăng ký. Nhưng sau đó internet bị cắt trong 2 ngày, nên họ không thể liên lạc được”, ông Kovalov cho biết.
“Đó là lý do tại sao chúng tôi bắt đầu tới từng nhà để gõ cửa. Song một số người vẫn không chịu đi. Họ không muốn bỏ lại nhà cửa, và họ hy vọng các lực lượng Nga sẽ bị đẩy lùi”, ông Kovalov nói thêm.
Giới chức Kupiansk cho biết hầu như mọi ngày, họ tổ chức từ 8 - 40 cuộc sơ tán cho những người tình nguyện rời khỏi thành phố.
Theo phát ngôn viên của cảnh sát Kupiansk, tính đến tuần trước, vẫn còn 350 trẻ em và 363 người khuyết tật ở trong thành phố. Ngoài các cuộc pháo kích lặp đi lặp lại thường xuyên, thành phố cũng đang rất khó tiếp cận vì những thiệt hại cơ sở vật chất sau hơn một năm xung đột ảnh hưởng tới nhiều con đường và cây cầu dẫn ra và vào Kupiansk.
Ngay cả khu chợ chính của Kupiansk cũng đã bị biến thành đống đổ nát, buộc những người cố bám trụ phải đặt hàng hóa trong những chiếc hộp các tông xếp dọc theo một con đường đất để có thể dễ dàng thu dọn nếu nghe thấy tiếng pháo kích đến gần hơn.
Cô Lida, một trong những người bán hàng, nói rằng cô đã trở thành chuyên gia âm thanh khi đoán được độ gần xa của tiếng pháo. Sống sót sau 6 tháng giao tranh dữ dội giữa các lực lượng Nga và Ukraine vào năm ngoái, nên cô Lida khẳng định sẽ không rời Kupiansk vào thời điểm này.
“Chúng tôi không phải chuột. Hơn nữa, nếu chúng tôi đi, ai sẽ tiếp quản thành phố?”, cô Lida nhấn mạnh.
Cách chỗ cô Lida đứng bán hàng khoảng 90m, cảnh sát trưởng Tarasov đã chỉ cho phóng viên CNN xem vị trí một tên lửa Grad của Nga rơi xuống nơi từng là trạm cấp phát thuốc tạm thời cách đó vài ngày. Ngoài những mảnh vỡ và tàn dư của tên lửa, hiện trường không còn gì nhiều. Ông Tarasov giải thích, đây là minh chứng các lực lượng Nga đang tiến gần hơn tới trung tâm thành phố.
Song cô Lida vẫn không thay đổi quyết định. "Có gì khác biệt? Họ cũng đang nã pháo vào Kharkiv. Có gì chắc chắn tôi sẽ sống sót khi tới Kharkiv? Không. Vì vậy, chúng tôi sẽ vẫn ở đây, và trốn ở bất cứ đâu có thể như đằng sau những ngôi nhà, hoặc một nơi nào đó”, cô Lida nói.
Trên thực tế, hầu hết các tòa nhà trong thành phố Kupiansk đều có dấu tích từng bị thiệt hại do các cuộc tấn công không ngừng, và thậm chí nhiều tòa nhà đã bị phá hủy. Đối với vài nghìn dân thường còn trụ lại ở Kupiansk, họ không còn nhiều nơi để ẩn náu.