Trả lời kênh radio Hà Lan BNR, Peter Wennink, cựu CEO ASML vừa nghỉ hưu cho biết cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc về chip mang tính “ý thức hệ” mà không dựa vào thực tế, đồng thời dự báo cuộc chiến sẽ còn kéo dài.

Ông Wennink nghỉ hưu hồi tháng 4 sau một thập kỷ dẫn dắt ASML trở thành công ty công nghệ lớn nhất châu Âu.

47061 cleanroom euv wafer stage training.jpg
ASML là công ty sản xuất độc quyền các thiết bị đúc chip tiên tiến nhất hiện nay. Ảnh: ASML

Kể từ năm 2018, chính phủ Mỹ bắt đầu áp đặt bổ sung các hạn chế nhằm vào công cụ mà công ty bán dẫn Hà Lan này xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường lớn thứ hai của ASML (sau Đài Loan - Trung Quốc)) do lo ngại an ninh quốc gia.

Những tháng gần đây, Washington đang tìm cách yêu cầu công ty sản xuất thiết bị bán dẫn hàng đầu thế giới ngừng cung cấp dịch vụ bảo trì đối với số thiết bị đã bán sang đại lục từ trước đó.

“Những cuộc thảo luận hạn chế cấm vận tiến hành không dựa trên thực tế, số liệu hay dữ liệu cụ thể mà dựa trên ý thức hệ”, Wennink nói. “Các bên có thể nghĩ tới mọi kịch bản nhưng chúng tôi là một doanh nghiệp cần cân bằng cả lợi ích cổ đông. Và nếu ý thức hệ có sự va chạm với lợi ích này, thì đó là những vấn đề lớn”.

Cựu lãnh đạo ASML nói rằng doanh nghiệp này có khách hàng và nhân viên ở Trung Quốc suốt 30 năm qua, do đó họ có “cả những trách nhiệm đi kèm”.

Wennink cũng tiết lộ đã tiến hành vận động hành lang để ngăn chặn các hạn chế cấm vận trở nên quá chặt chẽ. Cùng lúc đó, ông cũng có những phàn nàn với quan chức cấp cao Bắc Kinh về việc tài sản trí tuệ của công ty không được tôn trọng.

“Một số người ở Washington đôi lúc có thể nghĩ rằng Wennink là một người bạn của Trung Quốc”, cựu CEO nói. “Nhưng thực tế tôi là bạn của khách hàng, nhà cung ứng, nhân viên và các cổ đông”.

Cuối cùng, Wennink dự báo khi những lợi ích địa chính trị bị đe doạ, cuộc chiến chip có thể tiếp diễn nhiều thập kỷ .

Trung Quốc là khách hàng lớn thứ hai của ASML về doanh số trong năm 2023, và chiếm 20% tổng doanh thu dịch vụ toàn cầu công ty.

(Theo Yahoo Finance)