Ông Medvedev. Ảnh: RT

Hãng tin RT dẫn lời ông Medvedev nói ngày 2/3 rằng, quân đội Canada và Đức dạy người Ukraine cách sử dụng xe tăng Leopard là đã đủ điều kiện được coi là tham gia xung đột, nhưng việc gửi chiến đấu cơ tới Ba Lan sẽ có nghĩa là "tham gia trực tiếp". 

Ông Medvedev viện dẫn một tiền lệ từ đầu thế kỷ 20, cảnh báo Mỹ cùng các đồng minh rằng họ có thể bị coi là bên tham gia xung đột "nếu ngoài việc cung cấp vũ khí, họ còn đào tạo người sử dụng nó". 

Cựu Tổng thống Nga lưu ý, việc huấn luyện người Ukraine cách dùng xe tăng Leopard đã diễn ra trên lãnh thổ của Liên minh châu Âu, nhưng nếu điều đó mở rộng sang việc máy bay chiến đấu được đặt ở Ba Lan thì đó sẽ là sự tham gia trực tiếp của những người theo chủ nghĩa Đại Tây Dương vào cuộc chiến chống Nga.

"Tất cả những người quyết định cung cấp vũ khí hay sửa chữa chúng, cùng với lính đánh thuê nước ngoài và các huấn luyện viên quân sự, phải được coi là mục tiêu quân sự hợp pháp". 

Cảnh báo về rủi ro xung đột giữa các cường quốc hạt nhân

Phát biểu tại hội nghị về giải trừ quân bị của Liên Hợp Quốc hôm qua (2/3), Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo, việc phương Tây gia tăng hỗ trợ cho Ukraine có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột công khai giữa các cường quốc hạt nhân, dẫn tới hậu quả thảm khốc. 

Theo hãng tin AP và RT, ông Ryabkov đã tố cáo Mỹ và các đồng minh của nước này công khai tuyên bố mục tiêu đánh bại Nga trong một cuộc chiến lai tạp. Ông cho rằng điều đó vi phạm nghĩa vụ của họ theo các thỏa thuận quốc tế và có thể khiến cuộc xung đột ở Ukraine vượt khỏi tầm kiểm soát. 

Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh, quyết định ngừng tham gia hiệp ước New START của Tổng thống Putin chính là nhằm đáp trả các hành động của Mỹ và NATO đối với Ukraine. Ông Ryabkov cho biết, Moscow đã cảnh báo các nước phương Tây về những rủi ro trên, song các cảnh báo thường bị bóp méo vì mục đích tuyên truyền và cố tình diễn giải sai. 

Ông Ryabkov cũng đổ lỗi cho Mỹ về việc không phê chuẩn lệnh cấm vũ khí hạt nhân toàn cầu, đồng thời tái khẳng định cảnh báo của Tổng thống Putin rằng Moscow sẽ nối lại các vụ thử hạt nhân nếu Mỹ làm như vậy. "Chúng tôi không thể ngồi yên, nếu Mỹ tiến hành thử nghiệm hạt nhân".