Đây là kết quả triển khai chính sách ưu đãi tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến, đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng từ đầu tháng 4/2022.

 
Quyết định 09 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 4/4 (Ảnh minh họa)

Trong năm học 2021 - 2022 vừa qua, trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, gần 20 triệu học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp.

Với mục tiêu hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến và thúc đẩy phát triển xã hội số, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, từ giữa tháng 9/2021, Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT đã phối hợp triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Thời gian qua, chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã hỗ trợ thiết bị học trực tuyến, dịch vụ viễn thông cho nhiều cơ sở giáo dục, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Theo số liệu thống kê của Bộ TT&TT, từ tháng 9/2021 đến tháng 6/2022, số điểm “lõm sóng” di động trên toàn quốc gia đã giảm từ hơn 2.200 điểm xuống còn khoảng hơn 350 điểm. Cùng với đó, trong nửa đầu năm 2022, đã có 457.249 máy tính theo chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã được bàn giao cho học sinh, sinh viên.

Cũng trong giai đoạn việc học tập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành Giáo dục đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam (kênh VTV1, VTV2, VTV7) tổ chức sản xuất bài giảng và phát sóng trên truyền hình, trong đó ưu tiên cho lớp 1, lớp 2 là những đối tượng khó thực hiện việc học trực tuyến. Các đài truyền hình tỉnh, thành phố thực hiện tiếp sóng hoặc phát lại các chương trình này trong các khung giờ phù hợp trên sóng truyền hình địa phương.

Bên cạnh đó, thời gian ảnh hưởng dịch Covid, Bộ GD&ĐT đã kịp thời có hướng dẫn việc tinh giản chương trình, chuẩn bị các điều kiện dạy học trực tuyến nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng; đồng thời cung cấp nguồn học liệu điện tử hỗ trợ dạy học trực tuyến nhằm kịp thời giúp giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh được tiếp cận nguồn học liệu chính thống phục vụ hiệu quả quá trình dạy và học trực tuyến.

Kho bài giảng điện tử phục vụ dạy học trực tuyến và chuyển đổi số trong giáo dục đã được xây dựng. Đến nay, kho học liệu số đặt tại địa chỉ igiaoduc.vn đã tiếp nhận 41.670 bài giảng, trong đó có 26.374 bài giảng e-learning và 15.296 video bài giảng.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 được tổ chức ngày 12/8 vừa qua, 1 trong 10 đầu việc cụ thể Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ GD&ĐT tập trung thực hiện thời gian tới là đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, quản trị nhà trường, thúc đẩy học liệu điện tử, học trực tuyến như hoạt động bổ trợ lâu dài; đẩy mạnh giáo dục STEM; ứng dụng mạnh mẽ CNTT để đổi mới căn bản từ yêu cầu, hướng dẫn đến sản xuất, phân phối thiết bị, đồ dùng dạy học.

Chuyển đổi số trong toàn ngành cũng đã được Bộ GD&ĐT xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2022 - 2023.Theo đó, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục xây dựng hạ tầng học tập quốc gia, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành gồm bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học; đồng thời triển khai nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến…

Vân Anh