Ngày 13/8, phiên xét xử 254 bị cáo liên quan tới sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm tiếp tục phần tranh luận của đại diện VKS với nhóm bị cáo tại Trung tâm đăng kiểm khối V (trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam).

Trước đó, trong phần bào chữa các luật sư đều thống nhất với tội danh truy tố của VKS nhưng một số luật sư vẫn cho rằng, hành vi của các bị cáo chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, số tiền mà các bị cáo nhận không phải để bỏ qua lỗi phương tiện, không thực hiện hành vi theo yêu cầu của chủ phương tiện...

Tranh luận lại quan điểm của luật sư, đại diện VKS nhấn mạnh, khi đã thừa nhận cáo trạng đúng, luận tội đúng, có nghĩa là các luật sư phải xác định hành vi của các bị cáo đã cấu thành tội phạm.

Do vậy, không thể có chuyện vừa nhận tội, yêu cầu HĐXX và VKS áp dụng tình tiết thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với các cơ quan tố tụng trong giải quyết vụ án, vừa cho rằng việc VKS xác định hành vi của các bị cáo là chưa đúng, các bị cáo không có lỗi. 

W-bicaodangkiem.jpg
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: ĐN

“Việc trình bày luận cứ hai hàng như vậy chúng tôi nhận thấy khó mà xác định rằng các bị cáo đang thành khẩn nhận tội”, đại diện VKS nêu quan điểm.

Trong phần bào chữa, luật sư của cáo Tô Anh Vũ (đăng kiểm viên Trung tâm 50-05V) cho rằng, việc nhận hối lộ tại trung tâm thực hiện theo chủ trương có từ trước. Đây là lỗi hệ thống, tiêu cực kéo dài và việc bỏ tiền vào xe đi đăng kiểm là điều hết sức bình thường. 

Tranh luận lại quan điểm này, đại diện VKS bày tỏ: “Việc các chủ phương tiện khi đi đăng kiểm, muốn được kiểm định đạt phải chung chi tiền, luật sư cho rằng đây là vấn đề bình thường làm chúng tôi cũng hết sức băn khoăn, liệu luật sư đã thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mình đối với xã hội hay chưa?”

Theo đại diện VKS, hành vi nhận hối lộ của các đăng kiểm viên là xuất phát từ việc bất bình thường trong một xã hội thượng tôn pháp luật. Bởi, nếu không có việc bị các đăng kiểm viên làm khó, lãnh đạo các trung tâm không có chủ trương nhận tiền thì các chủ phương tiện khi đi đăng kiểm có phải bỏ tiền trên xe hay không?

W-toancanh.jpg
Đại diện VKS tranh luận tại tòa. Ảnh chụp màn hình

“Quá trình điều tra thể hiện rất rõ, khi kiểm tra xe, nếu không có tiền trên xe, đăng kiểm viên báo cho nhau để bắt lỗi không đạt, chủ xe buộc phải quay lại kiểm định và tất nhiên là phải bỏ tiền hối lộ. 

Mỗi trung tâm có một cách kiểm tra, báo hiệu cho nhau biết trên xe có tiền hay không, ví như tại Trung tâm 50-05V, khi kiểm tra xe, nếu không có tiền, đăng kiểm viên sẽ bật đèn khẩn cấp của xe lên; Trung tâm 50-06V, trên xe có tiền sẽ bật đèn chiếu sáng trước và bật đèn cảnh báo khẩn cấp…Đây thực sự là vấn nạn của xã hội, là cố tình kiếm tiền bất chấp, chứ không đơn giản là chủ xe tự nguyện như một số luật sư, đăng kiểm viên và lãnh đạo Trung tâm 50-05V đã trình bày”, đại diện VKS lập luận.