Ngày 1/8, phiên xét xử vụ án sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục phần xét hỏi đối với các bị cáo.

Giữ vai trò quan trọng trong sai phạm của Phòng Tàu sông nhưng bị cáo Đỗ Trung Học (cựu Trưởng Phòng) đã bỏ trốn. Qua xác minh, bị cáo Học đã xuất cảnh ra nước ngoài trước thời điểm khởi tố bị can nên Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã ra quyết định truy nã. 

Trước khi xét hỏi, HĐXX thông báo, các bị cáo có đơn xin xét xử vắng mặt do bệnh hiểm nghèo đều đã thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Riêng bị cáo Đỗ Trung Học đã bỏ trốn, nhưng căn cứ lời khai của các bị cáo khác vẫn có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội.

Theo HĐXX, việc đưa bị cáo Học ra xét xử vắng mặt theo truy tố của VKS là hoàn toàn đúng quy định pháp luật.

Bị cáo Học bị VKS cáo buộc đã nhận hối lộ hơn 2,8 tỷ đồng để cấp thông báo năng lực cho 38 cơ sở đóng tàu tại Long An hoạt động trái luật.

W-bicao.jpg
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: ĐN

Theo truy tố, để được cấp thông báo năng lực, chủ hoặc đại diện của 38 cơ sở đóng tàu này đã liên hệ với bị cáo Phạm Hoài Hà (cựu Giám đốc Chi cục Đăng kiểm Long An) nhờ giúp đỡ và được Hà giới thiệu gặp Nguyễn Xuân Hào (đăng kiểm viên) để lập hồ sơ. 

Hào yêu cầu chủ các cơ sở đóng tàu phải chung chi từ 30-150 triệu đồng để bao trọn gói thủ tục đến khi được cấp thông báo năng lực. Sau khi lập hồ sơ, Hào gửi ra Cục Đăng kiểm để đánh giá. 

Sau đó, lãnh đạo Cục cử bị cáo Lê Ngọc Tú (Phó trưởng Phòng Tàu sông) đánh giá các hồ sơ, còn Đỗ Trung Học là người xét duyệt.

Quá trình xét duyệt, bị cáo Học chủ động gửi số tài khoản của mình và Nguyễn Thành Lê (Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn và thiết kế công nghiệp tàu thủy Vietship) cho bị cáo Hào, yêu cầu chuyển tiền vào để được phê duyệt hồ sơ. Tổng cộng, Hào đã chuyển vào số tài khoản Học và Lê 4,1 tỷ đồng, trong đó có hơn 2,8 tỷ đồng để cấp thông báo năng lực, còn lại hơn 1,35 tỷ Hà nhờ Hào chuyển cho Học để làm hồ sơ thiết kế. 

Các hồ sơ đều không đủ điều kiện để cấp thông báo năng lực theo quy định. Tuy nhiên, Tú và Học vẫn đề xuất bị cáo Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng) ký cấp, để các cơ sở đóng tàu trên hoạt động trái pháp luật.

Khai tại tòa về việc môi giới cho chủ 38 cơ sở đóng tàu hối lộ cho bị cáo Nguyễn Xuân Hào, bị cáo Phạm Hoài Hà cho rằng, các xưởng có khoảng 2.000 công nhân làm việc, nếu không được cấp thông báo kịp thời, họ sẽ bị mất việc làm.

“Lúc đó bị cáo nghĩ việc giới thiệu bị cáo Hào để hướng dẫn các xưởng làm hồ sơ, không nghĩ mình đã phạm tội”, bị cáo Hà trần tình.

“Ăn tiền” của doanh nghiệp để thông thầu

Hiện, trên cả nước có 280 trung tâm đăng kiểm sử dụng 340 dây chuyền kiểm định do 4 công ty cung cấp. Trong đó, Công ty TNHH Việt Nét (Công ty Việt Nét) cung cấp 125 dây chuyền kiểm định nhãn hiệu Beissbarth.

Theo kết quả điều tra, để được trúng thầu, từ 2015-2020, bị cáo Trần Thị Miên Thủy (Giám đốc Công ty Việt Nét) đã chung chi tiền cho các lãnh đạo tại 40 trung tâm đăng kiểm thuộc 26 tỉnh, thành phố để cung cấp dây chuyền kiểm định, trang thiết bị nâng cấp dây chuyền kiểm định.

W-toancanh.jpg
Toàn cảnh phiên tòa. Ảnh: ĐN

Ngoài ra, bị cáo Thủy còn khai đã đưa hơn 9,8 tỷ đồng cho lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm. Tuy nhiên, ngoài lời khai này, CQĐT không thu được bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào khác; các lãnh đạo trung tâm cũng không thừa nhận việc nhận tiền. Do đó, CQĐT xét thấy chưa đủ cơ sở để xem xét. 

Đối với sai phạm trong đấu thầu, mua sắm thiết bị kiểm định tại Cục Đăng kiểm liên quan đến Công ty Việt Nét, đến nay chưa có kết quả định giá các dây chuyền, thiết bị kiểm định để xác định thiệt hại. Do đó, CQĐT đã tách hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng để tiếp tục xác minh làm rõ.

Phiên tòa tạm nghỉ, đến ngày 6/8 VKS bắt đầu luận tội các bị cáo.