Theo danh sách 100 người giàu trên sàn chứng khoán, tính đến 4/10, ông Đỗ Anh Tuấn đang đứng ở vị trí thứ hai với tổng tài sản 34.523 tỷ đồng.

Đại gia Thanh Hoá này sinh năm 1975, đang giữ chức Chủ tịch HĐQT CTCP phát triển Sunshine Homes (SSH), Chủ tịch HĐQT CTCP tập đoàn KSFinance (KSF), Phó Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Kiên Long (KLB), Chủ tịch HĐQT CTCP Sao Ánh Dương. 

Ông Tuấn nắm giữ trên 243 triệu cổ phiếu SSH (tính đến 10/1/2022) 17,971 triệu cổ phiếu KLB (tính đến 31/12/2021), 162 triệu cổ phiếu KSF (1/10/2021) và 8,5 triệu cổ phiếu SCG (4/8/2021). Tổng giá trị cổ phiếu khoảng 34.318 tỷ đồng. 

Top 3 người giàu nhất trên sàn chứng khoán (Dữ liệu:Cafef)

Với giá trị tài sản này, ông Tuấn đứng sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng (156.519 tỷ đồng) và vượt các tỷ phú Hồ Hùng Anh, Trần Đình Long, Nguyễn Đăng Quang, Nguyễn Thị Phương Thảo. 

Ông chủ Techcombank Hồ Hùng Anh đang có tài sản 34.124 tỷ đồng. Sau đó, tỷ phú Trần Đình Long có tài sản 33.966 tỷ đồng. Nữ tỷ phú hàng không có tài sản 33.176 tỷ đồng.

Mặc dù đứng ở vị trí thứ hai những người giàu nhất Việt Nam thời điểm này nhưng ông Đỗ Anh Tuấn chưa được Tạp chí Forbes (Mỹ) công nhận.

Trong danh sách các tỷ phú giàu nhất Việt Nam của tạp chí Fobes, Việt Nam năm nay có 7 đại diện là Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn.

Trong nhóm các tỷ phú mới nổi gần đây, ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQ CTCP Vicostone (VCS) đang có giá trị tài sản 9.347 tỷ đồng. Ông Năng sở hữu trực tiếp 5,9 triệu cổ phiếu VCS và trên 121 triệu cổ phiếu thông qua gián tiếp sở hữu thông qua 90% cổ phần tại CTCP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A.

Ngoài Vicostone, đại gia Nam Định Hồ Xuân Năng còn đứng tên tại loạt doanh nghiệp khác là CTCP phát triển thiết bị thông minh Phenikaa, Viện Nghiên cứu & Công nghệ Phenikaa, Trường Đại học Phenikaa,…

Một tỷ phú khác, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) đang ở vị trí thứ 13. Khối tài sản của ông Huyền đến từ 68 triệu cổ phiếu DGC đang nắm giữ và 1,9 triệu cổ phiếu PAT. Tổng tài sản ước đạt 5.279,3 tỷ đồng. 

Ông Đào Hữu Huyền, sinh năm 1956 tại Hưng Yên. Ông tốt nghiệp Cử nhân Hoá, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tháng 4/2004, CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (khi đó có tên gọi là CTCP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang) thực hiện cổ phần hoá, ông Đào Hữu Huyền và vợ là bà Nguyễn Thị Hồng Lan đã mua lại cổ phần và trở thành nhóm cổ đông lớn nhất.

Ở vị trí 30 trên sàn chứng khoán, Nguyễn Văn Tuấn cũng là một đại gia gây chú ý trong mấy năm gần đây. Ông Nguyễn Văn Tuấn có tài sản 4.795 tỷ đồng. Ông Tuấn sinh năm 1984, cử nhân Tài chính - ngân hàng, luật kinh tế. Ông bắt đầu được giới kinh doanh chú ý đến khi thâu tóm thành công thương vụ nghìn tỷ tại GEX và Viglacera (VGC). 

Tỷ phú Hà Nam đang giữ chức chủ tịch HĐQT Tổng công ty Viglacera (VGC), thành viên HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (GEX), Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Gelex, chủ tịch HĐQT CTCP thiết bị điện Gelex, chủ tịch HĐQT CPCTP dây cáp điện Việt Nam. Ngoài ra, ông Tuấn còn giữ vị trí lãnh đạo tại một số công ty khác như Năng lượng Gelex, S.A.S - CTAMD, Hạ tầng Fecon.

Tính đến 26/8, ông Tuấn đang giữ hơn 87 triệu cổ phiếu VIX (chiếm tỷ lệ 15,02%) và 202 triệu cổ phiếu GEX (khoảng 23,76%) tính đến 24/5. Tổng giá trị tài sản khoảng 4.259,9 tỷ đồng.