Doanh nghiệp vốn một thời của ông Võ Trường Thành tiếp tục thu hút được những đại gia mới sau thương vụ ngàn tỷ mua bán vội vàng. Nhiều đại gia xuất hiện để tìm kiếm cơ hội tại Gỗ Trường Thành sau khi ông Thành rút lui và mất cơ nghiệp gây dựng trong nhiều năm.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), CTCP SamHoldings (SAM) quyết định đầu tư mua 14 triệu cổ phần của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) với mức giá mua tối đa là 8.000 đồng/cp trong khoảng thời gian từ 25/12/2017-23/01/2018 thông qua phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Sau giao dịch, dự kiến SAM sẽ sở hữu 20,8 triệu cổ phiếu tương đương tỷ lệ 14,39% vốn điều lệ của Gỗ Trường Thành.
Trước đó, TTF đã có một đợt phát hành thần tốc tổng cộng 100 triệu cổ phần giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/cp cho 12 cá nhân (mỗi người 8,5 triệu cổ phiếu). Thương vụ mang về cho TTF khoảng 1.000 tỷ đồng, đủ để bù đắp thua lỗ để tránh tình trạng lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ và bị bị huỷ niêm yết bắt buộc.
Cổ phiếu TTF sau đó đã tăng từ mức 6.500 đồng lên 8 ngàn đồng/cp. Tuy nhiên đã giảm giá mạnh và đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/12/2017 tại giá 7.480 đồng.
Trước đó, Gỗ Trường Thành (TTF) - doanh nghiệp xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam của ông Võ Trường Thành đã rơi vào tình trạng bi đát không lối thoát khi liên tục thua lỗ và nợ nần chồng chất. Ông Võ Trường Thành đã mất nghiệp và chấp nhận từ bỏ đứa con tinh thần của mình.
Cũng đã có thời điểm, giới đầu tư rất kỳ vọng vào ông trùm ngành gỗ TTF sau khi Công ty Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát đổ khoảng 1.800 tỷ đồng để mua 72 triệu cổ phiếu TTF, tương ứng sở hữu 49,9% vốn của Gỗ Trường Thành.
Tuy nhiên, tình hình đã không còn tốt đẹp như kỳ vọng. Tân Liên Phát đã công bố việc tạm dừng chuyển đổi khoản vay 1,2 ngàn tỷ đồng để nâng sở hữu vì phát hiện một số sai lệch nghiêm trọng giữa một bên là số liệu mà đại gia này công bố cho nhà đầu tư và tình hình thực tế mà Tân Liên Phát nắm được.
Gần đây, Gỗ Trường Thành đã quyết định bán toàn bộ vốn góp gần 70% cổ phần Công nghiệp Gỗ Trường Thành (TTI). Đây có lẽ là bước cuối cùng chấm dứt sự tồn tại của một ông trùm ngành gỗ TTF Võ Trường Thành.
Sau một loạt các bê bối, một đại gia đã nhảy vào TTF.
Sau khi Công ty cổ phần Xây dựng U&I, một công ty thành viên của CTCP Đầu tư U&I mua vào 20% vốn điều lệ của TTF, ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty này đã thay thế bà Vũ Tuyết Hằng giữ chức danh Tổng giám đốc TTF vào tháng 04/2017.
Cuối tháng 5/2017, TTF cho biết sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ trong 6 tháng cuối năm 2017. để tái cấu trúc tài chính toàn diện và bổ sung một phần vào vốn lưu động để đẩy nhanh sự hồi phục công ty.
Mai Hữu Tín từng cho biết phương án hỗ trợ thanh khoản cho Gỗ Trường Thành là phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư. Với số lượng cổ phiếu 100 triệu đơn vị dự kiến phát hành, giá tối thiểu 10.000 đồng/cổ phiếu, Gỗ Trường Thành kỳ vọng thu về ít nhất 1.000 tỷ đồng.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ năm nay, Chủ tịch HĐQT Hồ Anh Dũng và Tổng giám đốc Mai Hữu Tín cũng khẳng định sẽ đứng ra mua cổ phiếu phát hành thêm nếu thương vụ phát hành nói trên không thành công.
Thị trường chứng khoán (TTCK) trong phiên giao dịch 20/12 rung lắc dữ dội khi đang ở vùng đỉnh cao 10 năm. Cổ phiếu Sabeco (SAB) của Bia Sài Gòn sau khi hoàn thành sứ mệnh 5 tỷ USD đã giảm sàn phiên thứ 2 liên tiếp xuống 267.500 đồng trong tình trạng “trắng bên mua”.
Tuy nhiên, rất nhiều cổ phiếu vẫn đang ở vùng đỉnh lịch sử và có xu hướng tiếp tục mạnh lên như VJC, MWG, VIC, PNJ, REE, HPG… Nhóm dầu khí tiếp tục gây ấn tượng với nhiều mã lớn tăng điểm như GAS, PVD, PVS…
Về tổng thể, quy mô trên TTCK tiếp tục cải thiện. Tuy nhiên, thị trường đang có bước dừng lại do khối ngoại đảo danh mục và giảm giao dịch trước kỳ nghỉ lễ tết.
Nền kinh tế Việt Nam về tổng thể đang tốt lên rất nhiều: vĩ mô ổn định, tăng trưởng cao, lạm phát thấp, môi trường kinh doanh được cải thiện, chuyển đổi mô hình kinh tế và hội nhập mạnh…
Thị trường tiền tệ 2017 khá ổn định với những chính sách hợp lý, giúp dòng tiền không chỉ đều đặn vào sản xuất mà còn giữ được một thị trường bất động sản phát triển mạnh nhưng không lan tràn và đầy tính đầu cơ như hồi 2011-2012.
Khối ngoại tiếp tục đổ nhiều tỷ đô la vào Việt Nam.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/12, VN-index tăng 2,09 điểm lên 953,51 điểm; HNX-Index tăng 0,59 điểm lên 113,95 điểm. Upcom-Index tăng 0,16 điểm lên 54,56 điểm. Thanh khoản đạt 290 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt gần 6,5 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.
H. Tú