Thảo luận dự Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại hội nghị ĐBQH chuyên trách chiều 8/9, nhiều đại biểu đề cập đến hàng loạt bất cập trong câu chuyện tự chủ tài chính tại các bệnh viện công.

Cần cơ chế tài chính công bằng giữa công và tư

ĐB Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) cho rằng, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, người bệnh không có quyền thỏa thuận trả giá. Vì vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá. 

Nhà nước ban hành dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập. Nhà nước cũng quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế, thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa.

ĐB Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) 

Việc để cơ sở y tế tư nhân tự quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh dẫn tới tình trạng giá cao, mỗi nơi một giá, dẫn đến việc loạn giá xét nghiệm Covid và khám hậu Covid trong thời gian dịch bệnh vừa qua.

Đại biểu dẫn chứng, ở Hàn Quốc giá khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện tư nhân vẫn phải trong khung giá của Bộ Y tế và phúc lợi Hàn Quốc. Bệnh viện tư nhân chỉ có thể tự quyết định giá những dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh rất đặc thù như phẫu thuật thẩm mỹ và phải công khai niêm yết giá dịch vụ này. 

Nhấn mạnh trong điều kiện thu nhập bình quân chung của người dân còn thấp, cùng tình trạng quá tải của bệnh viện công, bà Cầm kiến nghị nhà nước cần cơ chế kiểm soát bằng cách quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế tư nhân để đảm bảo quyền lợi của người bệnh, để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng giữa khu vực công và khu vực tư. 

“Khu vực y tế công hiện tại thực hiện tự chủ tài chính nhưng cơ cấu giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ, dẫn đến giảm nguồn thu và điều này dẫn đến một số hệ lụy như không đủ tiền trả lương cho nhân viên, không tái đầu tư, không đủ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực khiến một bộ phận nhân viên y tế bỏ việc sang khu vực tư”, đại biểu tỉnh Tiền Giang phân tích.

Bà tiếp tục so sánh, trong khi bệnh viện công phải đảm đương việc khám, chữa bệnh cho đa phần người dân, người dân nghèo trong bối cảnh nguồn nhân lực ngày càng thiếu. Còn tại khu vực y tế tư nhân, do đã tính đúng, tính đủ cơ cấu giá các dịch vụ y tế với giá khám bệnh, chữa bệnh cao nên nhiều bệnh viện tư có nguồn kinh phí dồi dào để thu hút lực lượng bác sĩ giỏi từ các bệnh viện công chuyển sang. 

Do vậy, nhà nước cần thống nhất quản lý giá khám bệnh, chữa bệnh của cả bệnh viện công và bệnh viện tư nhân sao cho lợi ích phải hài hòa giữa công và tư, đảm bảo quyền lợi của người bệnh và ổn định xã hội.

Đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hoà) cũng quan tâm đến vấn đề tài chính y tế. Đây là vấn đề hiện nay các cơ sở khám, chữa bệnh cả công lập và tư nhân còn rất nhiều vướng mắc, cần có hành lang pháp lý cho việc tự chủ tài chính trong lĩnh vực y tế. 

“Theo tôi, cần loại bỏ cơ chế tự hạch toán và khám, chữa bệnh theo yêu cầu trong hệ thống y tế công. Nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo trong quản lý và phát triển hoạt động khám, chữa bệnh. Nhà nước ưu tiên bố trí nguồn ngân sách đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, phương tiện cho các hoạt động khám, chữa bệnh công lập, kể cả khám, chữa bệnh ban đầu và khám, chữa bệnh tuyến sau, nhằm bảo đảm duy trì hệ thống y tế công lập vận hành theo yêu cầu cạnh tranh công bằng với các loại hình y tế ngoài công lập”, đại biểu gợi mở.

Bên cạnh đó, dự luật cần quy định rõ các hình thức, cơ chế trong việc thu hút đầu tư tư nhân trong hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập nhằm tránh lợi dụng hình thức xã hội hóa y tế, lợi dụng sự thiếu thốn trang thiết bị, vật tư y tế trong các cơ sở y tế công lập để liên doanh trục lợi. 

Đề xuất bỏ từ "xã hội hóa y tế"

ĐB Trần Thị Nhị Hà (Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) cho rằng rất cần làm rõ, minh bạch về cơ chế tài chính để giúp cho các bệnh viện công lập đi theo đúng định hướng rõ ràng, tránh những vi phạm, sai sót trong quá trình quản lý tài chính của người đứng đầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập. 

“Các bệnh viện tư nhân hoạt động thì hoàn toàn được quy định rõ và điều chỉnh theo Luật Doanh nghiệp nên rất thuận lợi trong quá trình hoạt động và minh bạch trong quá trình vận hành, trong khi đó các bệnh viện công lập thì cơ chế tài chính lại chưa thật sự rõ ràng”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội so sánh.

Bà nhắc lại lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về việc nên chăng cần có một điều về cơ chế tài chính nhưng dự thảo luật đến nay chưa thấy có điều riêng cho nội dung này.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội 

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) đề xuất bỏ từ "xã hội hóa y tế" vì trong lịch sử của ngành y ở Việt Nam hay trên thế giới không thấy định nghĩa thế nào là xã hội hóa y tế cả.

“Chúng ta không thể xã hội hóa bằng cách là tư nhân bỏ tiền ra chung với bệnh viện mua một máy đặt ở trong bệnh viện để sử dụng, rồi chia nhau lợi nhuận ở trong bệnh viện công. Xã hội hóa y tế không phải là như thế”, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu chỉ rõ.

Theo ông nên quy định có 3 hình thức hợp tác công - tư trong y tế. Đó là hình thức cho vay; thuê; hợp tác công - tư phi lợi nhuận. 

Trong đó hình thức hợp tác công tư phi lợi nhuận là hướng mà trên thế giới triển khai từ rất lâu và rất thành công. Chúng ta đã có những bệnh viện tư nhân phi lợi nhuận nhưng chưa có một bệnh viện nào hợp tác công - tư phi lợi nhuận. 

Nghĩa là các nhà hảo tâm, các quỹ xây dựng bệnh viện và cho các bệnh viện công vận hành, lợi nhuận nếu có không chia cho nhau mà tiếp tục giữ lại đầu tư để phát triển bệnh viện rộng hơn, nâng cao đời sống của cán bộ, nhân viên bệnh viện cũng như cho các trường hợp bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn. 

Theo bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, đây là mô hình nên khuyến khích và chắc chắn sẽ rất nhiều tổ chức, cá nhân sẵn sàng bỏ tiền ra xây dựng bệnh viện với thương hiệu nhà nước để phục vụ người bệnh, để lại một tiếng thơm cho họ. Tất cả các bệnh viện lớn nhất Hàn Quốc hiện nay đều là tư nhân xây dựng và vận hành phi lợi nhuận.

“Ngành y chúng tôi rất mong muốn chúng ta thông qua được luật này để gỡ rối rất nhiều vấn đề vướng mắc trong y tế hiện nay”, bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu nói. Ông bày tỏ rất mong muốn các đại biểu Quốc hội hãy dồn tâm sức vào để làm sao cho Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có thể được thông qua ở kỳ họp tới đây.

Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan 

Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhìn nhận, cơ chế tài chính là những điểm vướng, còn khó khăn, vướng mắc của ngành y tế trong thời gian vừa qua.

Chính vì vậy, quyền Bộ trưởng xin phép được tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội trên cơ sở rà soát lại những nội dung mà các pháp luật chuyên ngành đã có và những vấn đề mang tính chất đặc thù của ngành y để làm sao có những nội dung mang tính chất tổng quát nhất để làm cơ sở hướng dẫn triển khai thực hiện sau này.

Liên quan đến vấn đề về xã hội hóa, hợp tác công tư, bà Lan cho rằng phải nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa một cách tổng thể nhất để làm sao cụ thể hóa trong dự luật.

“Chúng tôi nghĩ đây là một nội dung rất quan trọng và nếu xử lý được vấn này thì những vấn đề để định hướng cho việc xây dựng một hệ thống y tế bền vững, kể cả về mặt tài chính cũng như về mặt chuyên môn trong thời gian tới mới được giải quyết một cách căn cơ và bài bản”, quyền Bộ trưởng Y tế kỳ vọng. 

Mỗi ngày TP.HCM có 8 cán bộ nghỉ việc

Mỗi ngày TP.HCM có 8 cán bộ nghỉ việc

Hai năm qua, tính bình quân, mỗi ngày TP.HCM có trên 8 công chức, viên chức nghỉ việc. Đây là chuyện chưa từng có ở thành phố có nhiều cơ chế đặc thù cho công chức, viên chức này.
Giám đốc sở ký 5 đơn nghỉ việc mỗi ngày

Giám đốc sở ký 5 đơn nghỉ việc mỗi ngày

Ngày nào Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng phải ký quyết định xin nghỉ việc của nhân viên. Riêng 6 tháng năm 2022, 891 người đã rời bỏ hệ thống y tế công lập của TP này. Bình quân mỗi ngày, Giám đốc Sở ký khoảng 5 đơn nghỉ việc.