LTS: Nhân sự khu vực công xin thôi việc, chuyển việc sang khu vực khác nhiều chưa từng có. Nhân sự ngành y tế và TP.HCM là tiêu biểu cho hiện tượng này. Sự dịch chuyển là điều bình thường trong bất cứ ngành nghề, khu vực, lĩnh vực nào nhưng mức độ ồ ạt như thời gian qua cũng như hiện nay lại là điều đáng quan tâm, suy nghĩ.
Nghỉ việc vì lương không đủ sống
Nhiều sở, ngành, quận, huyện ở TP.HCM dù đang thiếu người nhưng cũng đành ngậm ngùi nhìn cán bộ “nhảy việc” sang khu vực tư nhân.
Tại Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, nhiều nhân sự chọn phương án ra đi vì thu nhập không đủ sống và môi trường làm việc không thuận lợi.
Một cán bộ 48 tuổi (xin giấu tên) là thạc sĩ, từng giữ chức Phó giám đốc một trung tâm xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH đã xin nghỉ việc, chuyển sang công tác cho một doanh nghiệp nước ngoài.
Theo ông, để phấn đầu lên chức vụ phó giám đốc là quá trình cống hiến dài, nhưng đành ngậm ngùi ra đi vì lương thấp và môi trường làm việc khó thăng tiến.
Theo vị cán bộ này, ngoài nguyên nhân áp lực công việc quá tải (nhất là trong mùa dịch), trong khi thu nhập thấp. Với trình độ thạc sĩ như ông, lương hệ số 4,65, cộng dồn các khoản được 10 triệu đồng/tháng.
Trong khi, tại doanh nghiệp nước ngoài ông vừa chuyển đến làm việc có thu nhập gấp 3 lần, tức khoảng hơn 30 triệu/tháng, chưa kể tiền thưởng tháng, quý. Thêm nữa, ở đây cơ hội thăng tiến nhanh chóng, theo tài năng, chuyên môn mà không cần bất cứ điều kiện nào.
Một cán bộ khác (cũng đề nghị giấu tên) có học vị Tiến sĩ, từng giữ chức phó phòng của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã chọn bỏ việc để sang làm cho một tập đoàn bất động sản.
Theo vị Tiến sĩ này, sau khi du học nước ngoài về, ông xin vào Sở LĐ-TB&XH làm việc để tìm cơ hội thăng tiến. Một thời gian được cân nhắc lên vị trí phó phòng và quy hoạch lên trưởng phòng nhưng nhiều năm sau đó cơ hội thăng tiến gần như đóng cửa.
Công việc của ông liên quan đến nhân sự, tiền lương, tiền công tại sở nên rất áp lực, thời gian làm việc luôn quá tải. Cuối cùng, ông chuyển sang làm cho một tập đoàn bất động sản với mức lương khởi điểm cao gấp 5 lần ở cơ quan cũ.
Sở TT&TT TP.HCM cũng có 3 cán bộ xin nghỉ việc, trong đó có một cấp trưởng phòng xin nghỉ với lý do thu nhập thấp, không đủ sống nên ‘xin ra ngoài’ tìm cơ hội mới.
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân (Giám đốc Đại học quốc gia TP.HCM), khu vực công dù đã mở nhiều so với trước đây, nhưng cơ chế chính sách thu hút nhân tài chưa được như mong muốn, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, KHCN.
Ông nêu thực tế, trong 5 năm thí điểm, TP thu hút 19 nhà khoa học về làm việc, nhưng sau đó 14 người rời đi, 3 năm qua các đơn vị không tuyển được chuyên gia nào. Nguyên nhân được chỉ ra vẫn là lương thấp, môi trường thiếu cạnh tranh, khó giữ người tài….
Theo báo cáo mới nhất của Sở Nội vụ TP.HCM, hầu hết các sở, ngành và địa phương đều có cán bộ xin nghỉ việc. Đứng đầu trong các sở, ngành là Sở Xây dựng với 23 người xin nghỉ; Sở KH-ĐT 22 người; Sở Du lịch 21 người; Sở Công thương 11 người…
Ở cấp quận, huyện đứng đầu về số lượng cán bộ xin nghỉ việc là TP Thủ Đức với 40 người; quận 6 là 35 người; Tân Phú 33 người; quận 11 là 31 người; Tân Bình 28 người…
Người ít, việc nhiều, lương không đổi
Trong buổi làm việc mới đây của Bộ trưởng Nội vụ với TP Thủ Đức, Chủ tịch phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) Nguyễn Ngọc Tuấn thông tin cán bộ phường liên tục nghỉ việc, bỏ việc vì áp lực quá tải, thu nhập không đủ sống.
Ông Tuấn cho biết, thời gian qua số cán bộ liên tục giảm. Trước 2019 có 62 người, hiện nay chỉ còn 34 người. Do áp lực cao, khối lượng công việc lớn nên liên tục có tình trạng cán bộ nộp đơn nghỉ việc. Mới nhất là một phó chủ tịch phường xin nghỉ việc ra làm ngoài. Cán bộ phường thường xuyên làm việc đến 8-9h tối và cả thứ Bảy, Chủ nhật. Nhiều người nghỉ việc vì không đảm bảo sức khoẻ, 7-8h tối vẫn chưa hết việc, thậm chí phải đưa con lên phường để có thời gian giải quyết việc công.
“Một số cán bộ công chức phường bị chồng (hoặc vợ) cự nự, thậm chí ly hôn vì thời gian dành cho gia đình rất ít. Thực tế có người 2-3 năm chưa nghỉ phép, chưa nghỉ thứ 7, chủ nhật”, vị Chủ tịch phường nêu thực tế.
Tình hình tại phường Hiệp Bình Chánh cũng là thực trạng ở hầu hết các phường trên địa bàn TP.HCM.
Chủ tịch phường này kiến nghị lên Bộ trưởng Nội vụ xem xét, điều chỉnh việc bố trí cán bộ, công chức cho quận, huyện và phường xã phù hợp với thực tế, không cào bằng.
6.177 cán bộ nghỉ việc trong hơn 2 năm
Theo Sở Nội vụ TP.HCM, trong hơn 2 năm gần đây (1/1/2020 đến 30/6/2022), số lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố nghỉ việc, chuyển việc lên tới 6.177 người, tác động lớn đến tình hình chung của thành phố.
Khi báo cáo với Chính phủ, UBND TP.HCM, một số nguyên nhân chính tác động đến việc cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, bao gồm chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến và áp lực công việc.
Cụ thể, dù thành phố có chế độ thu nhập tăng thêm, nhưng chính sách đãi ngộ tiền lương hiện tại vẫn chưa thực sự thỏa đáng, chưa đáp ứng được điều kiện sống cũng như chưa đủ sức tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức an tâm làm việc, cống hiến.
Trong khi đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực công đang đưa ra các chế độ đãi ngộ tiền lương hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực trình độ cao từ khu vực công.
Về cơ hội thăng tiến, vẫn còn tư tưởng coi trọng kinh nghiệm, thiếu tính cạnh tranh, chưa trọng dụng nhân tài đúng mức, chưa tạo được động lực để công chức trẻ rèn luyện, phấn đấu.
Áp lực và sự quá tải công việc cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng lớn nhân sự từ khu vực công thôi việc. Nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục qua đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua.
UBND TP.HCM đề xuất Thủ tướng tăng biên chế cho thành phố theo số lượng dân. Cụ thể, đối với phường có dân số dưới 30.000 người là 17 công chức; phường 30.000 dân trở lên, cứ 15.000 dân thêm 1 công chức.
Đồng thời, TP.HCM cho biết, đang xây dựng lại chính sách thu nhập tăng thêm thỏa đáng; chấn chỉnh việc bổ nhiệm cán bộ theo năng lực, có tính cạnh tranh…để giữ chân cán bộ.