Từ khi bắt đầu nghỉ hưu, phải làm không ít loại giấy tờ, thủ tục, tiếp xúc với các cơ quan công quyền của Hà Nội, tôi không khỏi ngạc nhiên…

Nhiều năm nay, tôi luôn “dị ứng” với việc đi làm các thủ tục hành chính, bởi lắm lúc bỏ ra cả một buổi mà chưa chắc đã tới lượt, để rồi thất vọng về không. Chưa kể hiện tượng cố ý “gây khó” trong khâu xin dấu phường, muốn được nhanh, người dân lại phải “bôi trơn”. Số tiền không bao nhiêu nhưng nó tạo nên một môi trường làm việc không lành mạnh mà người dân hay nói vui “hành là chính”.

Thế rồi từ năm 2016, bắt đầu nghỉ hưu, phải làm không ít loại giấy tờ, như sổ BHXH, thẻ BHYT, làm lại thẻ căn cước công dân... tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy cung cách làm việc đã khác xa.

Nếu ai có dịp ra Uỷ ban phường để xác nhận giấy tờ, sẽ thấy thủ tục tiếp nhận hồ sơ rất nhanh gọn và không còn chuyện “à ơi” khất lần gây khó chịu, kiểu như “Xin lỗi bận họp” hoặc “Bận tiếp khách”.

Trước đây, muốn làm CMND, người Hà Nội sẽ được hẹn cả tháng trời sau khi phải xin phường xác nhận, thậm chí còn chờ một thời gian báo mất không thể tìm lại, mới được làm thẻ mới. Còn giờ, chỉ với cuốn sổ hộ khẩu và CMND cũ là cứ đến thẳng CA quận, huyện hoặc thành phố để làm, với tờ giấy hẹn 10 ngày (tính cả ngày nghỉ). Mặc dù lượng người đến làm hiện khá đông do thẻ có nhiều công dụng hơn CMND, nhưng thời gian thụ lý hồ sơ vẫn rất nhanh chóng.

Hai ngày trước hẹn lấy thẻ, tôi nhận được tin nhắn của cơ quan Công an thông báo xin lùi thêm 2 ngày nữa thì mời đến nhận vì máy in thẻ đang bị trục trặc. Ngoài ra, họ còn dặn thêm, trước khi đến nhận, xin gọi trước cho số máy X để được trả lời cho chính xác...

{keywords}
Việc làm thẻ căn cước được tổ chức khoa học. Ảnh minh họa: Phạm Hải

Nghe thì thấy bình thường, nhưng nếu so sánh với trước đây, sẽ thấy lối làm việc đã được cải tiến rất nhiều, hạn chế tình trạng người dân tốn công sức, tiền bạc, thời gian đi lại mà vẫn không được việc, cũng như cách thức giao tiếp đã văn minh hơn hẳn.

Hồi giữa năm 2016, tôi hỏi một lãnh đạo thành phố thì được ông cho biết, nhờ ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT), số cán bộ của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh CA Hà Nội (PA.72) giảm đến vài chục người mà khả năng đáp ứng xin cấp hộ chiếu lại cao hơn trước nhiều lần. Theo tìm hiểu của tôi thì hiện mỗi ngày, CA Hà Nội đủ khả năng tiếp nhận và giải quyết hàng nghìn hồ sơ xin cấp mới hoặc đổi Hộ chiếu phổ thông (trước đây là khoảng 300).

Lĩnh vực tài nguyên môi trường (TNMT) lâu nay vẫn luôn là điểm nóng đối với công tác quản lý và điều hành của thành phố, liên quan đến những ách tắc trong việc cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sở hữu đất ở cho người dân. Đây cũng là một lĩnh vực được xem là mấu chốt của việc CCHC ở Hà Nội và rất được người dân quan tâm.

Có thể nói Sở TNMT đã có nhiều cố gắng trong thời gian qua. Chủ trương của lãnh đạo Sở là chỉ đạo quyết liệt phòng TNMT ở quận, huyện phối hợp chặt chẽ với các phòng, đơn vị của Sở tập trung cấp ngay GCN với những thửa đất đã đủ điều kiện và thực hiện kê khai để đưa vào quản lý… Sở cũng từng bước thực hiện đưa một số công đoạn điều chỉnh, bổ sung GCN lên mạng, tiến tới thực hiện cấp GCN qua mạng thông tin trên địa bàn toàn thành phố.

Hoặc ở một lĩnh vực khác là dịch vụ giao thông công cộng. Một người bạn của tôi đã thử đăng ký vé xe buýt online, sau ba ngày (tính cả ngày nghỉ lễ 2-9), nhân viên gọi điện nhã nhặn thông báo về vé tháng, và chị đến địa chỉ gần nhất đã đăng ký để lấy.

Tôi cũng được biết tại Hà Nội đã có UBND quận đặt bảng điện tử để người dân bấm nút chấm điểm cán bộ. Qua đó chính quyền có thể nắm được mức độ hài lòng/ chưa hài lòng của người dân để điều chỉnh cách làm, nhắc nhở nhân viên nào chưa làm tốt. Đây là hình thức rất nên đẩy mạnh để tạo sức ép khiến từng cán bộ phải không ngừng hoàn thiện thái độ phục vụ.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước đã và đang thực hiện việc rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính thành lập mới doanh nghiệp. Sở TT&TT Hà Nội cho biết, hiện nay Thành phố đã quyết liệt chỉ đạo để nâng cao tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử (từ tháng 9 đến nay đạt trung bình trên 50%)[1].

Và còn nhiều ví dụ trong các lĩnh vực khác có thể kể ra, tất cả cũng là nhờ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và cơ chế một cửa liên thông...

Năm 2016, Hà Nội đã có những đột phá, đi đầu về CCHC với trọng tâm là xây dựng Chính quyền điện tử, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao 3-4 cho các tổ chức, công dân và giảm biên chế các cơ quan hành chính, trong đó có chính quyền cơ sở. Bứt phá CCHC và một CQĐT đã hiện hữu tại Hà Nội, mặc dù để được như kỳ vọng Thành phố sẽ còn phải phấn đấu nhiều. 

Quốc Phong

----

[1] Hoàn thành kết nối mạng WAN đến 584 xã, phường, thị trấn, Chinhphu.vn, 17/05/2017.