Quảng Ninh là một trong những địa phương được đánh giá cao trong chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, bộ ngành năm 2022 khi xếp thứ 3 cả nước.
Lời toà soạn
Bộ TT&TT vừa công bố kết quả đánh giá, xếp hạng về chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh – DTI năm 2022. Đây là năm thứ ba Bộ TT&TT tổ chức đánh giá và công bố xếp hạng về chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương. VietNamNet thực hiện tuyến bài: "Bứt phá chuyển đổi số ở các ngành, địa phương", giới thiệu các bài học mà các đơn vị đã triển khai để có kết quả tích cực trong lĩnh vực này.
Đồng bộ hạ tầng số giúp "chốt" dự án nghìn tỷ trong 12 giờ
Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại đã góp phần quyết định chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xử lý thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, cho thấy hiệu quả hoạt động của nền hành chính của tỉnh. Quảng Ninh quyết tâm trong năm 2023, 100% thủ tục hành chính đều được rút ngắn từ 30% - 70% thời gian giải quyết so với quy định của cơ quan Trung ương, hơn 60% hồ sơ được giải quyết trước hạn.
Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu về chỉ số cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Cụ thể, tỉnh đã rất chú trọng đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng số để thúc đẩy nền sản xuất thông minh, phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong đó, tỷ lệ hộ gia đình có kết nối cáp quang đạt 89,13% (trung bình cả nước đạt 75,39%). 100% xã, phường, thị trấn được triển khai Internet băng rộng. Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế Tier-3, hiện được phát triển theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây. Chỉ số hạ tầng số, hiện tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của Quảng Ninh đạt khoảng 30%, cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước (20%).
Bên cạnh đó, Quảng Ninh là một trong số ít địa phương hoàn thành kết nối cổng dịch vụ công của tỉnh với cổng dịch vụ công quốc gia và 6 hệ thống giải quyết thủ tục hành chính khác của các bộ, ngành. Hoàn thành kết nối hệ thống chính quyền điện tử tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và kết nối chính thức với trên 10 hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng thuộc các lĩnh vực trọng điểm, như doanh nghiệp, tài nguyên môi trường, xây dựng, tư pháp, bảo hiểm, bưu chính viễn thông...
Những phát triển hạ tầng số đó đã giúp tỉnh có nhiều bước tiến mới trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Sở dĩ, khi một doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Quảng Ninh sẽ được hỗ trợ tối đa về thủ tục hành chính như được được rút gọn thời gian, hồ sơ điện tử thay vì hồ sơ bản cứng gây mất thời gian di chuyển đi nộp. Hơn nữa, cơ quan chính quyền của tỉnh luôn hỗ trợ doanh nghiệp 24/24, bất kể là ngày nghỉ hay không.
Đơn cử, ngày 29/6, tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với 2 dự án là: Nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh và Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh của Công ty Foxconn Singapore PTE LTD tại KCN Sông Khoai (thị xã Quảng Yên). Cả 2 dự án đều được cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ trong 12 giờ làm việc, kể từ thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh Quảng Ninh (rút ngắn thời gian giải quyết 14 ngày làm việc so với quy định).
Dự án nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh có diện tích 6,3ha, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 4.755 tỷ đồng (tương đương 200,24 triệu USD) với mục tiêu hình thành một dự án sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, sạc điện, bộ điều khiển sạc điện xe điện. Dự kiến tháng 1/2025, dự án sẽ hoàn thành, đi vào sản xuất chính thức và sẽ mang lại việc làm thường xuyên cho khoảng gần 1.200 lao động.
Dự án Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh có diện tích 4,1ha, tổng vốn đầu tư gần 1.100 tỷ đồng (tương đương 46 triệu USD Mỹ) với mục tiêu sản xuất, gia công linh kiện, khuôn mẫu linh kiện của sản phẩm công nghệ thông tin và sản phẩm truyền thông. Dự kiến tháng 10/2024, dự án sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động và sử dụng trên 700 lao động.
Phát triển với 3 trụ cột chính
Với sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, Quảng Ninh đã thực hiện công tác chuyển đổi số toàn diện với quyết tâm cao, lộ trình cụ thể, mục tiêu rõ ràng, đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Điều này được thể hiện rõ qua xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số (DTI) năm 2022 các tỉnh, thành phố. Theo đó, với điểm số DTI đạt 0,7024 (tăng 0,2052 điểm so với năm 2021), Quảng Ninh đã vươn lên đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng chuyển đổi số năm 2022 ở nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tăng 4 hạng so với năm 2021.
Đây là minh chứng rõ nét nhất cho việc triển khai thực hiện của Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về chuyển đổi số toàn diện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 từ Tỉnh đến cơ sở, trong tất cả các ngành, lĩnh vực.
Để có được kết quả này, ngày 5/2/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành nghị quyết xác định triển khai chuyển đổi số ở cả ba trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số với 27 mục tiêu và 51 nhiệm vụ cụ thể.
Nghị quyết xác định lấy người dân là trung tâm, là con đường ngắn nhất để tạo đột phá phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, giữ vững và phát huy vai trò của một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc.
Đây chính là động lực, nền tảng để tạo ra các giá trị tăng trưởng mới cho kinh tế xã hội, từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP và phù hợp với yêu cầu phát triển trong thời đại 4.0.
Việc triển khai chuyển đổi số toàn diện trên cả 3 trụ cột của tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Ở trụ cột chính quyền số, đến nay có gần 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Quảng Ninh được tích hợp, cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia. 99% hồ sơ thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương được đồng bộ đầy đủ trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Ngày 24/8/2022, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số phản ánh trung thực kết quả đánh giá của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước thông qua việc cung cấp các dịch vụ hành chính công (SIPAS) năm 2022. Trong đó xác định rõ nội dung xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, nâng cao chỉ số SIPAS...
Ở trụ cột kinh tế số, đến nay Quảng Ninh là một trong số ít địa phương có 100% doanh nghiệp sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử. Quảng Ninh cũng có gần 99% hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được phổ cập chữ ký số.
Hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển với trên 70% sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên đã lên các sàn thương mại điện tử. Cấp gần 600 bộ mã truy xuất sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn và gần 100 tài khoản vận hành cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Ở trụ cột xã hội số, Quảng Ninh đã triển khai rộng rãi việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại. Chấp nhận các hình thức thanh toán trực tuyến trong tất cả các loại hình dịch vụ công thiết yếu, như điện, nước, học phí, viện phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính…
Toàn tỉnh hiện có hơn 400 máy ATM, gần 2.400 máy POS với hơn 2.100 điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại hầu hết các cơ sở bán lẻ, chuỗi phân phối, khách sạn, đang tiếp tục mở rộng ra các cơ sở y tế, trung tâm phục vụ hành chính công, trường học...
Có 2,8 triệu tài khoản cá nhân, trong đó có trên 2 triệu tài khoản đang hoạt động, có chức năng thanh toán không dùng tiền mặt và có phát sinh giao dịch.
Bài 3: Quyết tâm của lãnh đạo tạo nên thành công của chuyển đổi số ở Cần Thơ