Gia đình họa sĩ Bùi Trang Chước đã trao tặng bản vẽ chân dung Bác Hồ cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Bộ Nội vụ). Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhằm tôn vinh tài năng của họa sĩ Bùi Trang Chước, đóng góp của gia đình họa sĩ với sự nghiệp gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc.
Kỷ vật mà trung tâm lưu trữ đã tiếp nhận gồm: mẫu huy hiệu “INTERCOSMOS” và chân dung “HỒ CHỦ TỊCH”; mẫu huy hiệu, khung tranh vẽ bằng bột màu; mẫu tiền có vẽ chân dung Bác; mẫu vẽ thiết kế trang trí mặt tiền Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Bùi Trang Chước là họa sĩ tài năng hàng đầu của nền hội họa Việt Nam, nổi tiếng với các bức vẽ chân dung Bác trên tem thư, áp phích, huy hiệu, đồng tiền. Ông là người sáng tác mẫu Quốc huy, nay được công nhận bảo vật quốc gia.
Ngoài vẽ tem thư, vẽ tiền, và đứng lớp giảng dạy, ông là tác giả của những bức tranh sơn khắc độc đáo như thủy điện Thác Bà, thủy điện Hòa Bình, vịnh Hạ Long, cố đô Huế... Ông còn là tác giả của các mẫu huân chương, huy chương, giấy khen, bằng khen của Nhà nước, tác giả biểu tượng Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, tác giả biểu trưng Tổng Công đoàn (nay là Tổng Liên đoàn Lao động) Việt Nam...
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, con gái họa sĩ cho biết, cha bà dành cả cuộc đời cống hiến cho hội họa, các tác phẩm đều gắn liền những mốc lịch sử và cách mạng Việt Nam. Từng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông rất ngưỡng mộ, kính trọng và có tình cảm sâu đậm với vị lãnh tụ của dân tộc.
Bà Thủy chia sẻ về phong cách vẽ của người cha: "Vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh là 1 công việc khó, không hề đơn giản. Cái khó của vẽ chân dung Bác là lột tả được “cái thần” và thể hiện làm sao để người xem cảm nhận được nhân cách, con người của Bác qua bức họa....
Người họa sỹ phải có trình độ và tay nghề rất cao, phải đặt cả cái tâm của mình vào trong bức họa và đặc biệt là phải có sự kính trọng và tình yêu vô bờ bến với Bác để có được một tác phẩm mà qua đó người xem có thể cảm nhận được đó là một người anh hùng, một người cha già của dân tộc".
Ông đã thể hiện thành công chân dung Hồ Chủ tịch qua những con tem thư như: “Bác Hồ đọc Bản tuyên ngôn độc lập”, “Người tốt việc tốt” kỷ niệm 81 năm ngày sinh nhật Bác Hồ, tem “Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hồ Chủ tịch” và đặc biệt để tỏ lòng thành kính đối với Bác, ông đã vẽ thiết kế trang trí mặt tiền Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hoạ sĩ Bùi Trang Chước còn thể hiện rất thành công chân dung Hồ Chủ tịch trên các đồng tiền và đặc biệt là tác phẩm chân dung Người được đúc bằng vàng huy hiệu để Trung tướng Phạm Tuân mang theo lên chuyến bay vào vũ trụ Interkosmos năm 1980.
Là người mang huy hiệu có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vào vũ trụ, Trung tướng Phạm Tuân nói, lúc đó ông chưa biết nguồn gốc và tác giả của tác phẩm này.
Năm 1980, phái đoàn Việt Nam sang Liên Xô giao ông trọng trách mang một số đồ vật đại diện hình ảnh Việt Nam vào vũ trụ, trong đó có di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nắm đất tại Ba Đình, Tuyên ngôn độc lập Bác Hồ đọc ngày 2/9, cờ Tổ quốc và hai huy hiệu có chân dung lãnh tụ của dân tộc.
Những đồ vật này được giao cho ông Phạm Tuân để khẳng định "người Việt Nam đã bay vào vũ trụ". Sau khi kết thúc chuyến bay, các thành viên của phi hành đoàn ký vào lá cờ Việt Nam.
Vị tướng chia sẻ: "Giờ phút đó, tôi rất xúc động là người đại diện mang hình ảnh thiêng liêng của Tổ quốc vào vũ trụ. Lúc bây giớ mới chỉ có khoảng 10 nước có người bay vào vũ trụ. Cả thế giới đã biết đến Việt Nam và Bác Hồ".
"Các tác phẩm của cố hoạ sĩ vẽ về Bác Hồ đã để lại trong tâm trí của hầu hết người dân Việt Nam, ngay trong nhà mình từ tờ tiền giấy đến huân chương, huy chương... đều có dấu ấn của hoạ sĩ. Đến hôm nay tôi mới biết tác giả của những tác phẩm này là của hoạ sĩ Bùi Trang Chước", Trung tướng khẳng định.
Bông ngọc lan Bác Hồ gửi tặng nữ văn công mang về cho 'người thương'
Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy và hành trình trở thành biểu tượng Việt Nam
Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy thể hiện đầy đủ, súc tích và có tính biểu tượng cao về đất nước và con người Việt Nam, về ý chí bất khuất kiên cường và tinh thần độc lập tự do trong thời đại Hồ Chí Minh.