- Sách tốt vẫn bị bé chê vì lời văn không hay. Sách chỉ có mẫu chẳng khác nào con dao hai lưỡi. Tìm và chọn cho con được cuốn sách tham khảo tốt không khác gì bài toán khó đối với rất nhiều phụ huynh.


Sách tham khảo làm bài môn văn bán nhiều ở thị trường
Chặn đường sáng tạo

Chính những cuốn sách văn mẫu này cũng không hề sáng tạo trong cách biên soạn.

Từ rất nhiều năm nay, một số cuốn sách như Sổ tay ngữ văn, Để học tốt…  vẫn “chăm chỉ” trả lời từ A đến Z những câu hỏi trong sách giáo khoa, từ những câu hỏi đơn giản nhất.

Hầu như những cuốn sách văn mẫu thuần túy như 100 bài văn hay, Tuyển tập 150 bài văn hay, 155 bài làm văn- Tiếng Việt, 207 đề và bài văn… đều chung thủy với một cấu trúc sách rất đơn giản: Vài lời nói đầu ngắn ngủi, tiếp đến phần quan trọng nhất, chiếm phần lớn là đề bài và bài làm mẫu, rất ít dàn ý đi kèm hay hướng dẫn cụ thể đối với từng dạng bài và đề văn.

Công cụ dàn ý và hướng dẫn nhận dạng các loại đề văn nếu có cũng không được các tác giả đầu tư đúng mức và phần lớn mang tính áp đặt. Thay vì gợi ý miêu tả các bộ phận của cây, dàn ý là món ăn dọn sẵn trong sách “Tuyển tập những bài văn hay lớp 4”.

Chị Minh Tâm, có con trai đang học lớp 4 kể: Con chị học văn rất dở. Chỉ cần nhìn thấy “kẻ giải cứu” là văn mẫu viết thế nào là cu cậu cứ thế viết theo.

Chẳng hạn: dàn ý viết: “Tả bao quát cây me tây: Nhìn từ xa, cây me tây đứng sừng sững bên vệ đường như một cây cổ thụ xòa tán lá xum xuê che mát cả một khu đất rộng…

Tả từng bộ phận: Gốc cây ước chừng hai vòng tay người lớn ôm không xuể”, bài văn của con chị đến 80% sẽ cop-py lại.

Đối với nhiều đầu sách khác, một dàn ý sơ sài cũng khó tìm. Đặc biệt, đầu sách “Bồi dưỡng văn năng khiếu” không khác gì một cuốn văn mẫu với 100% trong sách là đề và bài văn.

Lời nói đầu trong hầu hết những sách thuần văn mẫu đều rất kiệm lời, chủ yếu là những lời quảng cáo hấp dẫn chứ không thực hiện chức năng là những thông tin về cách bố cục cuốn sách hay hướng dẫn người dùng sử dụng một cách hiệu quả nhất.

Không một cuốn sách nào dành vài dòng để nhận xét những cái hay, dở của chính những bài văn trong sách. Tất cả đều được coi như những bài văn mẫu mực, miễn bình luận!

Chị Tâm chia sẻ: Bố mẹ cũng cần văn mẫu nhưng cuốn sách như thế này thực sự gây khó cho nhiều bậc phụ huynh vì chỉ những HS có ý thức và có học lực từ trung bình khá trở lên, các em mới biết chọn lọc kiến thức cho mình. Còn lại, đối với rất nhiều HS, nếu bố mẹ không chỉ dẫn tốt, văn mẫu dễ trở thành phao cứu sinh và gia tăng tính ỷ lại, thui chột khả năng tự học, sáng tạo của các em.

HS chê sách tốt

Bé Mai, học sinh lớp 4 trường tiểu học Tân Định cho biết, bé và hầu hết các bạn đều thích đọc văn mẫu, nhất là những cuốn như Những bài làm văn mẫu, Tuyển tập 150 bài văn mẫu…

Những cuốn sách chất lượng cao như Luyện Tập làm văn, Rèn kỹ năng Tập làm văn cho học sinh của NXB Giáo dục cũng rất được các em yêu thích nhưng sức hấp dẫn không bằng những cuốn văn mẫu.

Bé Mai giải thích: Vì những cuốn sách văn mẫu có nhiều bài văn rất hay, đọc rất đã! Còn những cuốn khác ít văn quá, mà văn không hay bằng, vì không có nhiều từ ngữ miêu tả sinh động, đọc không thích lắm!

Hai cuốn sách nêu trên của NXB Giáo dục quả thực rất hữu ích đối với cả phụ huynh  và HS. Bé Ngọc Ly, HS lớp 4 trường Tiểu học Hai Bà Trưng rất “kết” những cuốn này.

Cũng có một số cuốn được biên soạn kỹ càng. Đối với từng đối tượng, mỗi tác giả đều nêu ra những cách sử dụng sao cho phù hợp và hiệu quả.

Với mỗi dạng bài học, đều có phân tích rất rõ đặc điểm và hướng dẫn cách tư duy, lập dàn ý.


Đưa bé tới trường. Ảnh: Lê Anh Dũng
Các phương pháp miêu tả được chỉ rõ qua từng ví dụ là những bài học bổ ích để HS chủ động tư duy chứ không đơn thuần là bắt chước.

Tuy nhiên, đối với những HS có học yếu và trung bình, những sách tham khảo kiểu này dễ trở nên quá nặng.

Bên cạnh đó, những bài văn được chọn làm mẫu ít hấp dẫn hơn bởi ngôn từ chưa thực sự sinh động, hấp dẫn đối với các bé yêu thích đọc văn để tham khảo.

Bé Mai và bé Ngọc Ly đều là những học sinh có học lực khá. Bé Mai đọc văn mẫu để học những cái chưa biết về đối tượng miêu tả và nhất là đọc những dòng văn bay bổng, trong sáng, “nhặt” lấy những từ ngữ hay để đưa vào bài văn của mình.

Các bé thường vẫn viết bằng những gì mình quan sát được và tả mẹ, tả cô không giống như những “nàng tiên” trong văn mẫu.

Bé Ngọc Ly nói: “Mẹ ngày nào cũng ở bên cạnh mình rồi nên không cần dùng văn mẫu nữa.”

Tuy nhiên, các bé vẫn chê sách hay, biên soạn công phu ở chỗ sách còn mỏng vì không có nhiều bài văn hay. Các bé cũng kể rằng, trong lớp có nhiều bạn vẫn bê nguyên văn mẫu vào bài vì các bạn không biết viết như thế nào.

  • Nguyễn Hường