- Có một thực tế phải thừa nhận là khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta còn yếu kém từ công nghệ, quản trị tới nguồn nguồn nhân lực. DN tư nhân vẫn cô đơn, chưa tham gia được vào các chuỗi giá trị toàn cầu - ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, phát biểu hội nghị VBF 2015.

Sáng 1/12, Diễn đàn DN VN (VBF) đã được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của DN để hội nhập quốc tế”, tập trung vào 10 nhóm vấn đề: thương mại, đầu tư, cơ sở hạ tầng, quản trị minh bạch, ngân hàng, thị trường vốn, nông nghiệp, giáo dục đào tạo, nguồn nhân lực, ô tô, xe máy và khoáng sản. Hàng loạt khó khăn vướng mắc đã được nêu ra.

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) đồng thời là chủ tịch VBF, cho hay, 2015 có thể coi là năm hội nhập của nước ta khi Việt Nam đã kết thúc đàm phán hiệp định thế kỷ TPP, cũng như tham gia đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) khác. 2016 sẽ là năm Việt Nam phải tăng tốc, chuẩn bị cho sân chơi hội nhập sắp tới.

Theo ông Lộc, kinh tế vĩ mô Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận là khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta còn yếu kém từ công nghệ, quản trị tới nguồn nguồn nhân lực. DN tư nhân vẫn cô đơn, chưa tham gia được vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

{keywords}
VBF 2015 tập trung vào vấn đề hội nhập của DN.

Đại diện liên minh DN các nước và các nhóm công tác thương mại và đầu tư, nhóm ngân hàng, nhóm công tác thị trường vốn cho rằng, Việt Nam còn chậm chạp trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn hai luật Đầu tư và DN. Môi trường cũng chưa được cải thiện, như: chưa áp dụng rộng rãi cơ chế một cửa, trùng lắp về giấy tờ nộp cơ quan nhà nước, chưa công bố điều điện đối với NĐT nước ngoài,...

Trả lời cộng đồng DN trong và ngoài nước, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ cam kết đồng hành, lắng nghe và tháo gỡ khó khăn, bảo đảm quyền lợi DN...

Bộ trường KH-ĐT Bùi Quang Vinh nói thêm, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp thông qua vào năm 2014 được soạn thảo theo hướng rất tiến bộ, dựa trên nguyên tắc chọn bỏ, thay vì chọn cho như trước đây. Tư tưởng chính là người dân và DN được làm tất cả những gì mà luật pháp không cấm - điều mà các DN rất mong đợi và kỳ vọng. Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản dưới luật có độ trễ vì vướng một số quy định các Hiệp định quốc tế song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia và ký kết.

Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Vinh, đến thời điểm này chúng ta đã ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn 2 luật trên, gồm 6 nghị định và 3 thông tư. Dự kiến nhiều danh mục cụ thể về các điều kiện đầu tư đối với DN nước ngoài sẽ được công bố vào cuối tháng này, tạo cú hích lớn cho các DN trong đầu tư năm 2016.

Vấn đề trùng lặp về thủ tục Bộ này cũng đã xem xét và loại bỏ. Đặc biệt, Nghị định 108 ra đời cũng yêu cầu các sở KH-ĐT thống nhất liên thông một cửa trong việc cấp phép đăng ký đầu tư và kinh doanh.

Bộ trưởng Vinh khẳng định Việt Nam đang ở giai đoạn cải cách thể chế để nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó tập trung nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng, cải cách hành chính, chống tham nhũng. Mặc dù vậy, khâu thực thi về cải thiện môi trường kinh doanh còn nhiều yếu kém.

Bà Virginia B.Foote, đồng Chủ tịch VBF, bày tỏ sự hài lòng với các cam kết trong Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, bà Virginia cho rằng, cần có các giải pháp mạnh mẽ phòng ngừa tham nhũng và giảm thiểu gánh nặng hành chính. Bên cạnh đó, vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn là cải thiện cơ sở hạ tầng cứng, sản xuất năng lượng, ngành than, các ngành công nghiệp...

M. Hà