Cú đảo chiều bất ngờ

Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vừa bất ngờ đưa ra tín hiệu hạ lãi suất, trái ngược với những lời lẽ cứng rắn trước thềm cuộc gặp lịch sử giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối tháng 6 vừa qua.

Trong bài phát biểu chuẩn bị cho cuộc điều trần trước Ủy ban dịch vụ tài chính của Hạ viện Mỹ (vào 10/7), Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhấn mạnh vào những rủi ro đang gia tăng đối với nền kinh tế Mỹ.

Theo đó, sự bất ổn bắt nguồn từ những “dòng nước ngược”, từ những căng thẳng thương mại và lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế thế giới và lạm phát ở mức rất thấp sẽ tác động đến triển vọng kinh tế Mỹ.  Theo ông Powell, các vấn đề này chưa được cải thiện.

Giới đầu tư nhìn nhận các đánh giá của ông Powell như là một dấu hiệu “bồ câu” về chính sách tiền tệ. Nó gợi ý rằng Fed sớm muộn gì cũng sẽ cắt giảm lãi suất và có thể ngay vào cuối tháng này. 

{keywords}
Fed nhận thấy những con nước ngược có thể ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế Mỹ.

Thị trường ngay lập tức phản ứng mạnh. Đồng USD tụt giảm về ngưỡng 97 điểm, trong khi vàng tăng vọt lên 1.425 USD/ounce (tương đương 39,5 triệu đồng/lượng). Chỉ số chứng khoán tầm rộng của Mỹ S&P 500 lần đầu tiên vượt ngưỡng 3.000 điểm.

Theo ông Powell, hoạt động đầu tư doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ đã chậm lại “một cách đáng chú ý” trong thời gian gần đây trong khi đó những bất ổn về triển vọng kinh tế vẫn còn đeo bám. Một điểm cũng được nhấn mạnh khác là lạm phát Mỹ dao động dưới mức mục tiêu cân xứng 2%.

Ông Powell cũng cho rằng, rủi ro lạm phát yếu ớt “sẽ kéo dài hơn dự báo của chúng tôi” và lặp lại quan điểm cho rằng Fed sẽ “hành động thích hợp” để duy trì chuỗi tăng trưởng kinh tế hiện tại.

Chủ Fed cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý 2 dường như đã suy yếu. Mỹ và Trung Quốc đang vướng vào cuộc chiến thương mại kéo dài hơn 1 năm qua. Cuối tháng trước, ông Trump và ông Tập Cận Bình đã đồng ý nối lại đàm phán nhằm chấm dứt xung đột thương mại. Tuy nhiên, “xu hướng xung đột xuất hiện trở lại”.

Giới đầu tư hiện đang đánh giá kỹ lưỡng hơn về những suy nghĩ của Fed trong dài hạn cũng như xác nhận việc cắt giảm lãi suất tháng 7 ở mức độ nào, có tới 50 điểm phần trăm hay không. Hiện tại, thị trường vẫn đang đặt tỷ lệ cược gần 100% vào việc cắt giảm lãi suất ít nhất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tiếp theo vào cuối tháng này. 

{keywords}
Ông Trump coi Fed là kẻ ngáng đường kinh tế Mỹ.

Donald Trump bất thường, tính con đường dài

Sự đảo chiều quan điểm của ông Powell là đáng chú ý và nó có thể là dấu hiệu về thay đổi các chính sách tiền tệ của nước Mỹ.

Hồi cuối tháng trước, ông Powell cho biết Fed sẽ sử dụng cách tiếp “đợi và xem” (wait-and-see) bởi kinh tế Mỹ thay đổi quá nhanh chóng trong thời gian qua. Ông Powell cũng thẳng thừng tuyên bố, quyết định của Fed không bị ảnh hưởng bởi "các lợi ích chính trị ngắn hạn" (short-term political interests), một ngầm ý mà được nhiều người hiểu là mong muốn giảm lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ của ông Donald Trump.

Lời lẽ của ông Jerome Powell được xem là mạnh hơn rất nhiều so với so với trước đó và có thể khác với con người mà chính ông Donald Trump đánh giá. Trước đó, ông Trump là người không đề cử bà Janet Yellen vào vị trí chủ tịch Fed nhiệm kỳ 2, mà thay vào đó là ông Jerome Powell, người theo chiều hướng mềm mỏng hơn.

Tuy nhiên, với những diễn biến đêm qua, rõ ràng Fed đã để ngỏ khả năng giảm lãi suất ngay trong tháng 7 này. Động thái cắt giảm lãi suất, theo lý thuyết, là nhằm kích thích kinh tế. Và đó là yếu tố khiến các thị trường chứng khoán có phản ứng tích cực.

Phản ứng của ông chủ Fed cũng diễn ra trong bối cảnh, ông Donald Trump tiếp tục gây áp lực trực tiếp tới ngân hàng trung ương Mỹ hay cá nhân người đứng đầu tổ chức này với những những tuyên bố như “Fed là vấn đề khó khăn nhất của  nước Mỹ”, “Fed không giúp đỡ chúng tôi gì cả”, Fed như một “đứa trẻ bướng bỉnh” (stubborn child) … và bên cạnh đó là một loạt các hành động bất ngờ. 

{keywords}
Cáo buộc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Hành động bất ngờ đầu tiên chính là một thỏa thuận hòa hoãn về cuộc chiến thương mại với Trung Quốc bên lề cuộc họp G20 tại Nhật Bản hồi cuối tháng 6. Và sau đó là tuyên bố cấp phép các doanh nghiệp Mỹ bán hàng cho Huawei.

Ngay sau thỏa thuận “đình chiến” với Bắc Kinh, rất nhiều nghị sỹ Mỹ, nhất là phía Dân Chủ đã phản đối quyết định nới lỏng hạn chế với Huawei của Tổng thống Trump do lo ngại về an ninh quốc gia.

Với các đối tác thương mại lớn khác, ông Trump tiếp tục thực thi chính sách “đập bỏ” các thỏa thuận cũ để tìm kiếm các thỏa thuận mới cân bằng hơn. Hồi đầu tháng 7, chính quyền ông Donald Trump đề xuất áp thêm thuế lên 4 tỷ USD hàng hóa EU, đích thân ông Trump chỉ trích Trung Quốc và châu Âu thao túng tiền tệ. Trước đó, Wahington từ chối đưa Ấn Độ vào danh sách được miễn trừ áp thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng…

Tình hình với Iran cũng rất căng thẳng. Ông Trump tiếp tục dọa giáng thêm đòn trừng phạt “đáng kể” lên quốc gia dầu mỏ này sau khi Tehran “phá rào” hạn mức làm giàu uranium theo thỏa thuận hạt nhân lên mức 4,5% - một ngưỡng có thể tạo ra vũ khí hạt nhân. 

{keywords}
Cuộc chiến lâu dài với Trung Quốc.

Hàng loạt những diễn biến mới gần đây có thể là yếu tố khiến Fed chuyển biến và đưa ra những đánh giá theo chiều hướng mà ông Trump mong muốn, về sự bất ổn cũng như những gánh nặng đối với triển vọng nền kinh tế Mỹ.


Nhiều khả năng, Fed sẽ có một đợt giảm lãi suất ngay trong tháng này với mức độ thận trọng 25 điểm phần trăm. Tuy nhiên, điều mà ông Trump mong muốn có lẽ chưa dừng lại ở đấy.

Trước đó, ông Trump từng cho biết, thị trường sẽ tốt hơn rất nhiều nếu “Fed hành động đúng”. Theo đó, chỉ số chứng khoán công nghiệp Dow Jones sẽ cao hơn hàng ngàn điểm, GDP sẽ tăng hơn 4%, thậm chí hơn 5%. Mỹ cần cắt giảm lãi suất, cần nới lỏng chính sách… để bù đắp lại những gì mà “các nước khác đang làm (cắt giảm lãi suất) chống lại chúng ta”.

Với Trung Quốc, đối thủ mà ông Trump coi là số 1. Đàm phán đã được nối lại qua điện thoại nhưng vẫn ngổn ngang bất đồng.

Trên thực tế, quan hệ thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa nhiều tiến triển. Theo CNBC, Mỹ và Trung Quốc sẽ “sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán này khi thích hợp”. Nhưng trước đó, cố vấn kinh tế hàng đầu của Hoa Kỳ, ông Larry Kudlow đã nói rằng “không có một mốc thời gian” cho các cuộc đàm phán và nhấn mạnh “chất lượng chứ không phải là tốc độ”.

Về vấn đề Huawei, Mỹ cho phép các công ty bán hàng cho doanh  nghiệp công nghệ lớn nhất của Trung Quốc nhưng vẫn với điều kiện “nếu không có mối đe dọa an ninh quốc gia” và vẫn “không loại công ty này khỏi danh sách đen về xuất khẩu”.

M. Hà