Thể hiện sự hỗ trợ tích cực nhất đối với nhóm khách hàng ưu tiên và khách hàng là các SMEs, hàng loạt ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay. Đây là động thái tích cực nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và là một tín hiệu tốt cho nền kinh tế. 

Đồng loạt giảm lãi suất

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) vừa ban hành mức lãi suất cho vay ưu đãi dành cho những đối tượng ưu tiên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo đó, lãi suất nhiều khoản vay giảm chỉ còn 6%/năm, áp dụng cho những khoản giải ngân mới áp dụng từ nay cho đến hết 2018.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; công ty thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu; vay cho hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao và khởi nghiệp,... là đối tượng được áp dụng.

{keywords}
Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất, tín hiệu tốt ngay đầu năm

Trong một động thái tương tự, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cho biết, kể từ 15/1, BIDV sẽ điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống mức tối đa 6%/năm, áp dụng đối với khách hàng thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.

Bên cạnh đó, BIDV tiếp tục triển khai các gói tín dụng cạnh tranh quy mô lớn với lãi suất ưu đãi, với mức lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,0-1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.

Trong một động thái tương tự, VPBank cũng thông báo từ 1/1/2018 sẽ giảm từ 0,5%-1% lãi suất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hoạt động tốt trong các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên, như hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo và môi trường,... 

Trước đó, vào 7/2017, VPBank đã giảm từ 0,5%-1% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các doanh nghiệp SME.

Ngay tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2018, lãnh đạo Agribank và VietinBank cũng cam kết tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐTV Agribank, cho biết, từ 10/1/2018, Agribank thực hiện giảm 0,5% lãi suất cho vay cả ngắn hạn và trung hạn cho các đối tượng theo hướng dẫn của NHNN và các doanh nghiệp được xếp loại A.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank, nói thêm, trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Chính phủ, ngay sau hội nghị ngân hàng này sẽ có chương trình giảm lãi suất cụ thể.

Đây là động thái nhằm thực hiện nghị quyết số 01/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/1/2018 và định hướng điều hành của Thống đốc NHNN, với mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp.

Tín hiệu tốt cho nền kinh tế

Đại diện VPBank nhấn mạnh, việc các NH đưa ra các quyết định giảm lãi suất sẽ giúp hỗ trợ các doanh nghiệp SME dễ tiếp cân nguồn vốn vay từ ngân hàng hơn nữa trong năm 2018, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Với quyết định giảm lãi suất lần này, các ngân hàng tiếp tục thể hiện sự hỗ trợ tích cực nhất đối với nhóm khách hàng ưu tiên và khách hàng là các SME, không chỉ ở những sản phẩm tài chính đa dạng mà còn cả ở lãi suất nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào.

{keywords}
Lãi suất nhiều khoản vay giảm chỉ còn 6%/năm (ảnh minh họa - Quang Phúc)

Những năm gần đây, SMEs là một trong những phân khúc khách hàng chiến lược được nhiều ngân hàng hướng tới, nhất là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ. Ngoài những sản phẩm cho vay có tài sản bảo đảm thông thường, một số ngân hàng đã đẩy mạnh các sản phẩm cho vay tín chấp, tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp SME tiếp cận với nguồn vốn từ ngân hàng khi không có tài sản bảo đảm.

Theo Vietcombank, trong năm 2017, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên sau năm 2017 đã giảm từ 0,7-1%/năm. Hiện nay 5 lĩnh vực ưu tiên của Vietcombank có dư nợ rất lớn, chiếm tỷ trọng 42% trong tổng dư nợ.

Lãnh đạo NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đánh giá, một số ngân hàng lớn tích cực xử lý nợ xấu, thu hồi vốn hàng chục ngàn tỉ đồng làm tăng năng lực tài chính, giúp giảm lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, cũng theo vị lãnh đạo này, việc thu hồi vốn từ nợ xấu tại các ngân hàng còn lại chỉ mới giảm áp lực huy động vốn, bổ sung thanh khoản chứ chưa đủ lực làm cho lãi suất đầu vào đi xuống, kéo lãi suất cho vay giảm theo. Nhiều ngân hàng lại sẵn sàng huy động vốn với lãi suất cao, cho vay với lãi suất hợp lý nhằm bảo đảm hòa vốn. Từ đó, mặt bằng lãi suất cho vay rất khó đi xuống.

Một lãnh đạo NH TMCP Á Châu (ACB) nhận định, xu hướng lãi suất sẽ đi ngang bởi năm 2018, NHNN định hướng tín dụng tăng trưởng chỉ 17%, thấp hơn so với năm trước 1,17 điểm phần trăm, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng (chủ yếu là cho vay ngắn hạn).

Mặt khác, NHNN luôn kiểm soát chặt cho vay các lĩnh vực có độ rủi ro cao, hấp thụ số vốn lớn như chứng khoán, bất động sản,... Từ đó, các ngân hàng sẽ giảm được áp lực huy động vốn trung và dài hạn, giữ nguyên mặt bằng lãi suất đầu vào giữ lãi suất cho vay không tăng.

Đặc biệt, theo vị phó TGĐ này, dự trữ ngoại hối Việt Nam tăng trên 52 tỷ USD có thể giúp cho tỷ giá tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát sẽ tạo ra sự chuyển dịch từ USD sang VND làm tăng cung tiền, hỗ trợ lãi suất tiền đồng ổn định.

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia của BIDV, một trong những điều kiện để mặt bằng lãi suất đi xuống là việc giải quyết nợ xấu theo Nghị quyết 42 cần được thực hiện nhanh. Tuy vậy, giới phân tích cho rằng, thị trường đang chuẩn bị có thêm nhiều dòng tiền mới. Đơn cử, nhà nước vừa thu về 110.000 tỷ đồng từ việc bán cổ phần Sabeco, đồng thời hàng loạt doanh nghiệp lớn ngành cao su, dầu khí tiếp tục bán cổ phần trong quý I/2018, dự kiến thu về 150.000 tỷ đồng. Với tiềm lực tài chính này, nếu NHNN được phép quản lý và điều tiết hợp lý thì thị trường sẽ có nguồn cung VND rất lớn, tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất giảm.

Tới đây, NHNN sẽ có chỉ đạo và hỗ trợ cụ thể để các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất... Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc NHNN, cho hay, cơ quan này sẽ xem xét giảm cả lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO), hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

M. Hà