Cách đây ít ngày, trước khi chính thức kết thúc 8 năm lãnh đạo nước Mỹ, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chia sẻ với chương trình “Pod Save America” về khoảnh khắc được xem là “đáng sợ nhất” trong hai nhiệm kỳ của ông.
“Tôi nghĩ đó là thời điểm khi John Boehner [cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ] có vẻ như sẽ không tạo đủ số phiếu để đảm bảo nước Mỹ không rơi vào cảnh vỡ nợ”, ông Obama nói. “Chúng tôi đã phải bắt tay vào soạn một bài phát biểu”.
Obama kể, đối mặt với khả năng Chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động và một vụ vỡ nợ gần như chắc chắn sẽ khiến định hạng tín nhiệm của Mỹ sẽ bị cắt giảm, chính quyền của ông phải cân nhắc một loạt lựa chọn để tránh việc Chính phủ đóng cửa và xử lý vấn đề nợ quốc gia.
Tổng thống mới mãn nhiệm của Mỹ Barack Obama - Ảnh: Getty/BI. |
Theo cựu Tổng thống, một trong những ý tưởng được đưa ra là Bộ Tài chính Mỹ phát hành một đồng xu mệnh giá 1 nghìn tỷ USD để trả một phần đáng kể nợ quốc gia.
“Chúng tôi đã bàn với Jack Lew [Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ khi đó] và những người khác về những lựa chọn mà chúng tôi có, vì đây là chuyện chưa từng xảy ra bao giờ”, Obama nói. “Có đủ mọi ý tưởng lạ lùng nhất về đồng xu có giá trị khổng lồ như vậy”.
Ý tưởng của ông Obama về đồng xu 1 nghìn tỷ USD có thể khác so với những gì mà những người khác thảo luận ở thời điểm đó.
Nhà báo Joe Weisenthal của hãng tin Bloomberg viết trên mạng xã hội Twitter rằng về mặt lý thuyết, Chính phủ Mỹ có thể đúc một đồng xu với bất kỳ kích thước nào và tuyên bố rằng đồng xu đó có mệnh giá 1 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, Obama nói, ông hình dung đồng xu đó phải có kích thước lớn hơn nhiều.
“Đồng xu đó phải có chất nguyên thủy, như từ thời đồ đá”, ông Obama nói về hình dung của ông về đồng xu 1 nghìn tỷ USD.
Cựu Tổng thống tiếp tục giải thích về cuộc thảo luận kỹ thuật liên quan đồng xu 1 nghìn tỷ USD.
“Về lý thuyết, tôi có thẩm quyền phát hành đồng xu 1 nghìn tỷ USD và bằng cách đó trả một lượng lớn nợ trái phiếu kho bạc Mỹ”, ông Obama nói. “Lúc đó, thực tế là rất có khả năng chúng tôi sẽ không có được đủ số phiếu từ Quốc hội, không thể đảo nợ, và rơi vào cảnh vỡ nợ kỹ thuật. Đó là một tình huống chưa từng xảy ra”.
Obama cho biết đó là một đêm căng thẳng, khi ông cùng các quan chức trong Chính phủ bàn về tính hợp pháp của những hành động mà ông có thể thực hiện để Washington tránh cảnh vỡ nợ và tránh nguy cơ bị các chủ nợ trái phiếu đâm đơn kiện.
“Ngoài việc trao đổi với Jack Lew và các trợ lý về một bài phát biểu, chúng tôi còn bàn về những động thái mà nếu thực hiện, tôi có thể rơi vào tình thế phạm pháp”, Obama kể. “Bởi vậy, chúng tôi phải bàn với luật sư về các thách thức pháp lý và khả năng bị các chủ nợ trái phiếu đâm đơn kiện. Đó không phải là một đêm thú vị đối với tôi”.
Theo đánh giá của trang CNN Money, nền kinh tế Mỹ dưới thời Obama đã có một số bước tiến tích cực như thất nghiệp giảm, tăng trưởng việc làm diễn ra mạnh mẽ, ngành sản xuất phát triển mạnh, thị trường chứng khoán và bất động sản khởi sắc…
Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ và ông Obama đã chi nhiều tiền để kích cầu nền kinh tế trong và sau suy thoái. Vì vậy, tổng nợ công của Mỹ hiện đã vượt 19 nghìn tỷ USD, cao gần gấp đôi con số khoảng 10 nghìn tỷ USD khi ông Obama mới nhậm chức.
Obama đã nỗ lực để giảm thâm hụt ngân sách hàng năm trong suốt nhiệm kỳ, nhưng Chính phủ Mỹ rốt cục vẫn chi nhiều hơn thu.
Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại về tỷ lệ nợ công so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ. Tỷ lệ này đã tăng mạnh dưới thời ông Obama, từ mức 50% vào lúc ông mới nhậm chức lên mức 77% hiện nay.
(Theo Vneconomy)