Cho vay vốn rẻ, kết nối cơ hội làm ăn

Trong các ngày 1-2/4/2020, sau cam kết với NHNN, hàng loạt NH lập tức đã triển khai các gói giảm lãi suất để chia sẻ cùng cả nước chống dịch. Trong số đó có những gói hỗ trợ lên đến 25 ngàn tỷ đồng.

Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) quyết định triển khai thêm 1 gói hỗ trợ mới đến khách hàng DN, cá nhân bị ảnh hưởng của dịch Covid 19 với quy mô 25 ngàn tỷ đồng với nhiều ưu đãi về lãi suất cho vay, phí dịch vụ, đặc biệt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 2%/năm so với lãi suất thông thường. SHB tiếp tục mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch.

Bên cạnh đó, SHB sẽ miễn hoặc giảm lãi suất, phí cho các khoản vay cũ, lãi suất ưu đãi tối thiểu 2% cho các khách hàng hiện hữu của SHB gặp khó khăn bởi dịch. Ngoài ra, NH vẫn tiếp tục việc cơ cấu nợ, giãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng như miễn giảm lãi, phí đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh để hỗ trợ khách hàng tổng thể nhất.

VPBank cũng vừa công bố chương trình đồng hành thứ 2 với mức giảm lãi suất tới 2% cho các khách hàng DN vừa và nhỏ. Chương trình được áp dụng cho cả khách hàng hiện hữu lẫn khách hàng mới có nhu cầu vay vốn mới.

{keywords}
Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất mạnh chưa từng có kể từ 2009.

Cụ thể, đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm, mức giảm lãi suất tối đa 1,5%/năm đối với khoản vay VND, 1%/năm đối với khoản vay USD. Đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm, VPBank áp dụng mức giảm lãi suất tối đa 2%/năm đối với khoản vay VND và 1%/năm đối với các khoản vay USD.

TPBank ưu đãi lãi suất lên tới 2,5% cho khách hàng vay mới, giảm lãi suất từ 0,5-1% cho khách hàng hiện hữu. Với tổng dư nợ lên tới 12 ngàn tỷ đồng, NH này có các gói 5 ngàn tỷ đồng cho khách hàng DN vừa và nhỏ, gói 4 ngàn tỷ đồng dành cho khách hàng DN lớn, và 3 ngàn tỷ dành cho khách hàng cá nhân.

Bên cạnh việc cơ cấu lại nợ, giãn nợ gốc và lãi cho khách hàng theo quy định thì TPBank còn thực hiện giảm lãi suất từ 0,5%-1% với các khách hàng hiện hữu bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch.

KienLongBank giảm 3%/năm lãi suất cho vay trong hạn so với mức lãi suất đang áp dụng. Thời gian áp dụng giảm lãi vay từ ngày 01/4 đến hết ngày 30/6/2020, đối với những khách hàng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại do ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn.

NamABank cũng giảm lãi vay lên đến 2% hiện hành đối với các khách hàng DN vay vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Đồng thời, NH tung gói ưu đãi lãi vay 1.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 9,9%/năm dành cho khách hàng cá nhân vay vốn ổn định cuộc sống.

ACB cũng vừa triển khai thêm gói vay ưu đãi 10 ngàn tỷ đồng để đẩy mạnh hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19: thời gian cho vay từ 36-48 tháng, vốn gốc được ân hạn đến 12 tháng và trả dần cho đến khi hết hạn khoản vay. Lãi suất vay thấp hơn đến 2% so với mặt bằng lãi suất vay của 2019. 

Trước đó trong tháng 2, ACB triển khai giai đoạn 1 với chương trình vay 25 ngàn  tỷ hỗ trợ cho các DN, cá nhân có khó khăn trong hoạt động kinh doanh do tác động dịch Covid-19 với lãi suất ưu đãi giảm 0,5%-1,5% so với lãi suất thương mại của năm 2019.

Cắt giảm chi phí, chia sẻ khó khăn

Để nguồn vốn rẻ sớm đến với DN ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, các thủ tục để tiếp cận các gói vay mới cũng như các việc xem xét cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi... sẽ được đơn giản hoá tối đa, đảm bảo để khách hàng thuận tiện nhất trong quá trình giao dịch tín dụng tại NH.

Theo ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB, các gói ưu đãi là việc làm thiết thực đồng hành và chia sẻ khó khăn cùng khách hàng, đồng thời thực hiện chủ trương của Chính phủ của NHNN về việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng vởi dịch Covid-19. Không chỉ giảm lãi suất, SHB còn có các hoạt động hỗ trợ kết nối thị trường đầu vào, đầu ra trong cộng đồng doanh nghiệp tại SHB và các tổ chức trong và ngoài nước nhằm giúp DN giảm phụ thuộc vào các thị trường đang bị ảnh hưởng bởi dịch, nhanh chóng khôi phục hoạt động...

Được biết, để có nguồn hỗ trợ DN, SHB chấp nhận giảm lợi nhuận 2020 tối thiểu 1.000 tỷ đồng, tiết giảm chi phí hoạt động tối thiểu 10%, đồng thời các cấp lãnh đạo HĐQT, Ban Điều hành và cán bộ quản lý cấp cao đã tự nguyện giảm lương 50%, quản lý từ cấp Phó phòng trở lên giảm từ 10%- 30%... cho đến khi hết dịch.

 {keywords}
Sự phối hợp giữa NHNN và các NH đang khá hiệu quả.

Như vậy, chỉ trong vòng 2 ngày, đã có tới cả chục NH công bố các gói tín dụng ưu đãi lớn, giảm sâu lãi suất cho vay, có NH giảm tới 4,5%/năm, cũng có NH giảm lãi suất trên dư nợ hiện hữu.

Tính chung sau 2 đợt giảm liên tục, các NH đã đưa lãi suất xuống thấp hơn mỗi đợt từ 1-1,5%/ năm, tổng cộng mức giảm đã khoảng 2,5%/năm. Đây được xem là đợt giảm sâu chưa từng có kể từ 2009.

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ ngày 1/4, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trong ngày 31/3 NHNN đã họp với 20 TCTD - chiếm khoảng 75% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế thì tất cả các TCTD đều đồng thuận giảm tối thiểu 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước khi có dịch. Bên cạnh đó, để góp phần khắc phục khó khăn của nền kinh tế, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cũng như giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Đánh giá cao các giải pháp của NHNH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hệ thống NHN đã tích cực hỗ trợ người dân, DN khắc phục khó khăn, giải ngân kịp thời nhiều gói hỗ trợ, thực hiện giảm lãi suất cho vay, điều hành cacds chính sách tiền tệ, tỷ giá chủ động... góp phần quan trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định đời sống nhân dân.

M. Hà