Dữ liệu 26 tỷ hồ sơ người dùng bị rò rỉ

Các nhà nghiên cứu từ Security Discovery và CyberNews, dẫn đầu bởi nhà nghiên cứu an ninh mạng Bob Dyachenko, vừa xác định một vụ rò rỉ dữ liệu khổng lồ, được gọi là ‘Mẹ của mọi vụ vi phạm dữ liệu’ (MOAB), có liên quan đến 12 TB dữ liệu và hơn 26 tỷ hồ sơ người dùng trên toàn thế giới trong một phiên bản lưu trữ mở.

Đây là một khối lượng dữ liệu kỷ lục, tập hợp từ hàng nghìn vụ đánh cắp dữ liệu trước đây, được tội phạm mạng lập chỉ mục và thu thập một cách cẩn thận.

Các dữ liệu rò rỉ được phát hiện không chỉ chứa thông tin xác thực tiêu chuẩn, mà còn có cả các thông tin thuộc dạng cực kỳ nhạy cảm, khiến chúng đặc biệt có giá trị đối với những kẻ tấn công.

Trong số các dữ liệu có một số lượng lớn hồ sơ người dùng đã từng xuất hiện trong các vụ rò rỉ trước đây. Danh mục dữ liệu lớn nhất lên tới 1,4 tỷ hồ sơ, thuộc về người dùng ứng dụng nhắn tin Tencent QQ của Trung Quốc. 

Các danh mục khác chứa hàng trăm triệu hồ sơ người dùng thuộc về các ứng dụng phổ biến khác như Weibo, MySpace, X, Deezer, LinkedIn, AdultFriendFinder, Adobe, Canva, VK, Daily Motion, Dropbox, Telegram… 

Dữ liệu rò rỉ cũng có liên quan đến hồ sơ của nhiều tổ chức chính phủ các cấp ở Mỹ, Brazil, Đức, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ...

Vốn hóa Microsoft vượt 3.000 tỷ USD

Giá cổ phiếu đã tiếp tục tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 24/1 giúp giá trị vốn hóa Microsoft vượt qua mốc 3.000 tỷ USD.

Cụ thể, cổ phiếu của Microsoft tăng lên mức giá kỷ lục là 405,63 USD/cổ phiếu vào ngày 24/1 (tăng 1,7%), giúp công ty có mức vốn hóa thị trường vượt mốc 3.000 tỉ USD, theo Reuters. 

Tuy nhiên, chốt phiên, mã này chỉ còn 402,5 USD, khiến vốn hóa Microsoft lùi về mức 2.992 tỷ USD.

Các chuyên gia phân tích thị trường dự đoán Microsoft vẫn sẽ sớm quay trở lại cột mốc giá trị vốn hóa 3.000 tỷ USD và sẽ nắm giữ cột mốc này trong một thời gian dài.

Hồi đầu tháng, giá cổ phiếu tăng mạnh đã giúp Microsoft vượt qua Apple vào ngày 12/1 để trở thành công ty giá trị nhất thế giới.

Ở thời điểm hiện tại, Apple đã lấy lại "ngôi vương" trong số các công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, đẩy Microsoft xuống vị trí thứ 2.

Apple chiếm ngôi vương smartphone tại Trung Quốc

Theo thống kê của công ty dữ liệu IDC, thị phần của nhà sản xuất iPhone tại Trung Quốc đứng ở mức 17,3% vào năm 2023, chiếm vị trí số 1 tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Mặc dù tổng doanh số bán iPhone của Apple đã giảm 2,2% trong năm 2023 so với năm 2022, nhưng hãng đã kịp đưa ra chương trình khuyến mại lớn cho khách hàng mua iPhone nên đã vực lại được doanh số.

Trong khi đó, toàn thị trường smartphone Trung Quốc cũng giảm 5% so với năm 2022, với 271,3 triệu smartphone được bán ra. 

Trước đó, Apple cũng giành được ngôi vị hãng bán smartphone lớn nhất thế giới trong năm 2023, sau khi doanh số iPhone giảm ít hơn so với dòng Galaxy của Samsung.

Hàng chục triệu tài khoản bị rò rỉ mật khẩu

Theo TechRadar, kho dữ liệu khổng lồ chứa 71 triệu thông tin đăng nhập vừa bị phát hiện được rao bán trên các trang web đen trong suốt 4 tháng qua.

Dịch vụ kiểm tra rò rỉ dữ liệu "Have I Been Pwned?" (HIBP) đã chia sẻ thông tin trên. Mọi người có thể dễ dàng kiểm tra xem email của mình có nằm trong danh sách này hay không và bị rò rỉ từ dịch vụ nào, bằng cách truy cập trang web của HIBP tại www.haveibeenpwned.com và nhập email của mình.

Nếu email xuất hiện dưới tên "Naz.API", điều đó có nghĩa là rất có thể bạn đã bị đánh cắp mật khẩu.

Điều đáng nói là 25 triệu mật khẩu, trong số 71 triệu thông tin đăng nhập vừa bị phát hiện, chưa từng bị rò rỉ trước đây.

"Khác với các vụ rò rỉ trước đây, bộ dữ liệu này bao gồm 25 triệu mật khẩu hoàn toàn mới", ông Troy Hunt, người sáng lập dịch vụ HIBP cho hay.

Trung Quốc chi gần 40 tỷ USD mua máy móc sản xuất chip

Dựa theo dữ liệu hải quan chính thức, Bloomberg ước tính lượng máy móc sản xuất chip mà Trung Quốc nhập khẩu năm 2023 đã tăng 14% lên gần 40 tỷ USD, nhiều thứ hai kể từ năm 2015.

Xu hướng này diễn ra bất chấp tổng kim ngạch nhập khẩu giảm 5,5% năm ngoái, cho thấy tầm quan trọng của việc tự cung tự cấp bán dẫn mà chính phủ nước này đang theo đuổi.

Các công ty bán dẫn Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư vào các nhà máy chip mới để cố gắng nâng cao năng lực của quốc gia và vượt qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu do Mỹ và các đồng minh áp đặt.

Những hạn chế đó đang khiến họ khó tiếp cận với các máy móc cần thiết để sản xuất những con chip mạnh nhất và cản bước phát triển của lĩnh vực công nghệ cao Trung Quốc, vốn được coi là mối đe dọa đối với Mỹ.

Các quy định mới sẽ hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận máy móc tối tân của các công ty Trung Quốc như Semiconductor Manufacturing International (SMIC).