Vietsovpetro sẽ tạo ra hệ sinh thái chuyển đổi số gắn kết các bộ phận của doanh nghiệp và đồng bộ với hệ thống PVN.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhận định công tác chuyển đổi số trong tập đoàn là nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Thực hiện nhiệm vụ Hội đồng Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro lần thứ 54 đã giao, trải qua quá trình đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn, ngày 24/03/2023, Vietsovpetro đã ký kết hợp đồng số với Liên doanh nhà thầu FPT - PetroSouth. 

Ông Trương Quốc Lâm, Chánh Văn phòng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đánh giá dự án này là một bước đi quan trọng trong “Lộ trình chuyển đổi số tại Vietsovpetro” theo nghị quyết đã được thông qua của hai phía. Đồng thời, ông nhận định mức độ “trưởng thành số” của Vietsovpetro như vậy là rất cao trong hệ sinh thái chuyển đổi số của PVN, tương lai, Vietsovpetro sẽ thành công trong việc tái tạo mô hình phát triển kinh doanh, hướng tới phát triển bền vững. 

Ngoài ra, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng lưu ý, cần xây dựng và phát triển nội dung văn hóa số và truyền thông số trong lộ trình của dự án chuyển đổi số tại Vietsovpetro.

Theo ông Vũ Mai Khanh, Tổng Giám đốc Vietsovpetro, ban lãnh đạo Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro cam kết hỗ trợ tối đa, để dự án được triển khai một cách hiệu quả với sự tham gia của đơn vị tư vấn. 

Theo định hướng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong những năm gần đây, nhằm bổ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra đồng bộ, khoa học, năng suất, Vietsovpetro đặc biệt chú trọng phát triển các công tác về chuyển đổi số, văn hóa doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực. Ông Khanh lưu ý, việc xây dựng chiến lược chuyển đổi số và phát triển hệ thống CNTT tiến hành song song với công việc sản xuất kinh doanh và phát triển các giải pháp IT đáp ứng nhu cầu sản xuất trong khuôn khổ các nội dung mà Hội đồng hai phía đã phê duyệt. Bên cạnh đó, Vietsovpetro cần lập quy trình khảo sát nội bộ để thống nhất về định hướng, quan điểm chỉ đạo và bố trí nguồn lực nội bộ phù hợp để phối hợp thực hiện tốt và đúng tiến độ các hạng mục của dự án.

Đại diện Liên danh Nhà thầu FPT - Petro South, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT chia sẻ: “Vietsovpetro và FPT chia sẻ nhiều điểm chung. Đầu tiên, cả hai doanh nghiệp cùng được gây dựng vào thời kỳ đất nước gian khó, sau đó trải qua giai đoạn hội nhập, chuyển dịch cùng sự thay đổi của thế giới và đang cùng bước vào giai đoạn kinh tế thế giới trải qua nhiều biến động. Thứ hai, hai doanh nghiệp đang cùng tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp những giá trị thiết thực cho nước nhà, góp phần phát triển kinh tế, kiến tạo cuộc sống hạnh phúc hơn cho người dân”.  

Với những tương đồng, cộng hưởng kinh nghiệm thực tiễn FPT đã tích lũy qua các dự án tư vấn chuyển đổi số cho nhiều lĩnh vực trọng yếu như dầu khí, năng lượng, điện lực và quá trình chuyển đổi số trong chính nội tại FPT, ông Nguyễn Văn Khoa tin chắc rằng dự án sẽ đạt thành công, trở thành điển hình của ngành dầu khí Việt Nam, đưa Vietsovpetro trở thành một trong những thành viên thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiến lên trở thành doanh nghiệp số. 

Được biết, tiến độ tổng thể của dự án được thực hiện trong khoảng 9 tháng với bốn mốc chính. Trong đó, giai đoạn một là khởi động dự án. Giai đoạn hai là Đánh giá hiện trạng và năng lực số/năng lực phát triển số của Vietsovpetro trong đó có đánh giá xu hướng/kết quả chuyển đổi số trong hoạt động của các công ty Dầu Khí thượng nguồn. Giai đoạn ba là Xây dựng tầm nhìn và chiếu lược/Chương trình chuyển đổi số cho Vietsovpetro. Giai đoạn bốn là xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống CNTT đáp ứng chương trình Chuyển đổi số của Vietsovpetro.

Đồng thời, các chuyên gia từ FPT cũng nêu cụ thể các quy trình chung của dự án như quy trình khảo sát, quy trình phê duyệt tài liệu, quy trình quản lý thay đổi, quy trình tiếp nhận và xử lý vướng mắc. 

Đặc biệt với khối doanh nghiệp nhà nước, Tập đoàn FPT đã thúc đẩy chuyển đổi số trong quản trị, kinh doanh, hướng đến trở thành doanh nghiệp số. Mới đây, Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) - đối tác của Tập đoàn FPT mới đây được chứng nhận trở thành Tổng công ty nhà nước được chứng nhận “hình thành doanh nghiệp số” sau khi Bộ TT&TT hoàn thiện đánh giá mức độ chuyển đổi số. Trong đó, hai trụ cột: Trải nghiệm số cho khách hàng và Chuyển đổi số văn hóa doanh nghiệp đạt mức cao. 
dữ liệu số.