- Từ đầu năm 2016, người dân sống tại các đô thị, khu dân cư, sẽ phải trả tiền để xử lý nước thải sinh hoạt với mức phí tăng dần, có thể gần ngang bằng giá nước sạch.

Cần 6,4-20 tỷ USD trong 10 năm tới

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, nước thải sinh hoạt chiếm khoảng 80% tổng số nước thải ở các thành phố, là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm nước. Vấn đề này có xu hướng ngày càng xấu đi.

Tính đến nay, cả nước có 35 triệu người sống tại các đô thị, chiếm 38% dân số cả nước, nhưng chỉ có khoảng 2,5 triệu người được kết nối với hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Tốc độ tăng nhanh dân cư đô thị tạo áp lực lớn cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó có lĩnh vực thoát nước và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, trên 60% dân số sống tại vùng nông thôn cơ sở hạ tầng còn lạc hậu. Phần lớn các chất thải của con người và gia súc không được xử lý nên thấm xuống đất hoặc bị rửa trôi làm cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước về mặt hữu cơ và vi sinh vật ngày càng cao.

{keywords}

Chi phí bình quân đầu người cho việc xử lý nước thải từ 200-600 USD

Đáng lưu ý, việc lạm dụng các chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp khiến cho các nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm và ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và sức khỏe.

Riêng với nước thải đô thị, Việt Nam đặt ra mục tiêu 70% dân số đô thị, tương đương khoảng 35 triệu người, được kết nối với hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung vào năm 2025.

Theo tính toán của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), chi phí bình quân đầu người cho việc xử lý nước thải từ 200-600 USD. Điều đó cho thấy, Việt Nam sẽ cần phải đầu tư thêm khoảng 6,4-20 tỷ USD trong 10 năm tới để đạt được mục tiêu đề ra.

Phí nước thải sẽ tăng dần

Nhằm mục đích tăng cường hiệu quả quản lý thoát nước và xử lý nước thải tại đô thị, khu dân cư tập trung nông thôn,... cũng như sử dụng nguồn tài nguyên nước bền vững, được sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), đầu tháng 8/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về quản lý thoát nước và xử lý nước thải, có hiệu lực từ 1/1/2015.

Theo ông Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hiện nay, tại các đô thị vẫn đang tính phí nước thải sinh hoạt ở mức 10% trên hóa đơn cấp nước sạch. Tuy nhiên, mức phí này được cho là không đủ để xử lý nước thải.

{keywords}

Thời gian tới, tất cả các địa phương sẽ hoàn tất việc xây dựng đơn giá và đồng loạt áp dụng.

Vì vậy, với quy định mới, người dân sẽ phải trả cao hơn dựa trên nguyên tắc: người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm. Nguồn thu từ dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải phải đáp ứng từng bước và tiến tới bù đắp chi phí dịch vụ thoát nước.

Hiện tại, đã có 14 địa phương xây dựng xong đơn giá xử lý nước thải. Chẳng hạn tại Nghệ An, đã xây dựng mức giá nước thải cho gia đình ở TP. Vinh, Thị xã Cửa Lò và Thái Hòa là 1.200 đồng m3; cơ quan hành chính, sự nghiệp 1.600 đồng/m3, cơ sở kinh doanh dịch vụ 3.500 đồng/m3, cơ sở sản xuất 2.400 đồng/m3,... bắt đầu thực hiện từ 1/1/2016. Thời gian tới, tất cả các địa phương sẽ hoàn tất việc xây dựng đơn giá và đồng loạt áp dụng.

Giá xử lý nước thải ở các địa phương sẽ không giống nhau, mà tùy thuộc vào chi phí của từng nơi. Nơi nào đầu tư công nghệ cao chi phí có thể tới 8.000 đồng/m3, nhưng nơi nào công nghệ thấp chi phí có thể chỉ ở mức 2.000 đồng/m3. Lộ trình thu cũng tăng dần, chứ không tăng mạnh ngay, tuy nhiên đảm bảo là toàn bộ chi phí xử lý nước thải phải được tính đúng, tính đủ và có mức lợi nhuận hợp lý.

Khối lượng nước thải sinh hoạt sẽ được tính bằng 100% đối với các hộ sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, hoặc 80% đối với các hộ không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung.

Với quy định mới này, dự tính chi phí về nước sinh hoạt của các gia đình từ năm 2016 sẽ tăng và cao dần trong các năm sau, nếu không thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước.

Tại Diễn đàn ngành nước Đức - Việt, diễn ra ngày 25/11 tại Hà Nội, ông Ứng Quốc Dũng, Phó chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, cho biết, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) là cơ quan hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực xử lý nước thải.

Từ năm 2011, các chuyên gia ngành nước Cộng hòa Liên bang Đức đã tổ chức đoàn khảo sát về lĩnh vực xử lý nước thải tại Việt Nam, qua đó hỗ trợ xây dựng các chính sách, đào tạo nghề, tư vấn về xử lý nước thải.

Cuối năm 2012, Hội hợp tác ngành nước Cộng hòa Liên bang Đức (GWP), Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) đã ký thỏa thuận hợp tác về việc thành lập Trung tâm Phát triển năng lực ngành nước Việt Nam. Suốt 3 năm qua, hai bên đã không ngừng nỗ lực tổ chức hàng chục cuộc điều tra khảo sát, hội thảo đánh giá về năng lực ngành nước Việt Nam, nhằm sớm cho ra đời một trung tâm phát triển chuyên sâu về ngành nước tại Việt Nam.

Trần Thủy