- Các khách mời bàn tròn cho rằng, cơ chế đặc thù là điều cần thiết để thu hút được những người tài ở nước ngoài trở về phục vụ cho đất nước.

XEM PHẦN 1

XEM PHẦN 2

XEM PHẦN 3

"Đánh giá người tài là chuyện ở cơ sở"

GS Ngô Bảo Châu: Từ lúc thành lập đến nay Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán nhận được rất nhiều sự quan tâm từ Chính phủ và Bộ GD - ĐT. Viện hoạt động theo một cơ đặc thù nên luôn có những khó khăn. Nhưng tôi cũng đã quen với khó khăn rồi.

Nhà báo Hạ Anh: Anh Châu có đề cập đến “cơ chế đặc thù”, vậy chúng ta quay lại với đề bài của Thủ tướng là xây dựng cơ chế thu hút người Việt Nam ở nước ngoài trở về nước làm việc. Liệu ở cấp độ quốc gia chúng ta có nên xây dựng cơ chế đặc thù không?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tôi nghĩ cũng phải có cơ chế đặc thù. Đây là một việc khó. Nếu chúng ta làm đại trà thì hiệu quả sẽ không cao.

Trước hết, tôi đề xuất với Chính phủ là thu hút nhân lực trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ để tăng cường năng lực nghiên cứu của các viện, trường trong nước. Sau đó, đến các lĩnh vực khác thì phải kêu gọi sự phối hợp của các bộ ngành khác.

Khi chúng ta làm tốt điều này, tôi tin sẽ là tiếng chim gọi đàn, người ta sẽ về rất đông. Còn ngay từ đầu mà làm không tốt thì kêu gọi mấy cũng thất bại.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Tôi nghĩ chúng ta nên có định hướng cụ thể. Theo tôi, những người có khả năng sáng tạo, khả năng dẫn dắt, có ý tưởng là những tinh hoa. Rồi những chuyên gia hàng đầu ở những chuyên ngành hẹp như anh Châu. Đó là những con người chúng ta cần thu hút.

Thứ hai là cần xác định những ngành nào chúng ta cần quan tâm đặc biệt. Đừng trọng tâm kiểu gai mít mà phải chọn một vài ngành cần thiết mà Việt Nam có thể bật lên được trong thời gian tới. Tôi nghĩ chúng ta nên có chính sách đặc thù với những con người đó.

{keywords}
Ông Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh: Lê Anh Dũng.

GS Ngô Bảo Châu: Tất nhiên là phải có chính sách đặc thù rồi nhưng mà đặc thù như thế nào. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là công việc.

Cá nhân tôi chia sẻ việc triển khai là vô cùng vất vả. Chẳng hạn, để giải ngân thì mỗi một đề tài phải viết khoảng 50 báo cáo. Chúng ta phải đánh giá theo kết quả cuối cùng chứ không thể theo các thủ tục hành chính thông thường.

Hay như muốn có một số giáo sư nước ngoài sang Việt Nam giảng dạy vài tháng. Thì thay vì bắt ông Sơn phải tự lo một khoản tài chính cho việc đó, tại sao nhà nước không thể có khoản kinh phí chung.

Mỗi năm chúng ta để ra 5 hay 10 tỷ để cho các trường có thể mời các giáo sư. Đồng thời sẽ có một hội đồng để giám sát các trường mời có đúng mục tiêu không, ông giáo sư ấy có giỏi không và Nhà nước sẽ quyết định.

Đây là một dạng thí điểm mà công sức có thể nhiều nhưng kinh phí không nhiều và có hiệu quả rất tốt.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Ý của anh Châu tôi cũng suy nghĩ nhiều. Suy cho cùng thì câu chuyện thu hút người tài về là câu chuyện của cơ sở chứ không phải là câu chuyện của vĩ mô. Ở cấp độ vĩ mô phải tạo môi trường, chính sách để ủng hộ và hỗ trợ thông qua dự án. Vì việc đánh giá người tài là chuyện của cơ sở.

Chẳng hạn, Chính phủ cần nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu để dự báo thì phải giao cho những người nào thắng thầu. Những người thắng thầu sẽ có cơ chế thu hút, trả tiền và thanh toán thoáng như ở nước ngoài.

Hướng sắp tới của Bộ là tăng cường kiến tạo vai trò chủ động của các đơn vị theo cơ chế đặt hàng.

Tôi nghĩ rằng cơ chế mà cứ chung chung thì rất khó áp dụng. Và nếu đặt cơ chế trả tiền theo quy định của Bộ Tài chính thì chắc không thực hiện được. 

{keywords}
Ông Hoàng Minh Sơn và GS Ngô Bảo Châu. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Cơ chế mới sẽ là cơ chế đặt hàng, nhà nước, doanh nghiệp đặt hàng và cơ sở trong nước thu hút về được trả định mức phù hợp với đối tượng. Các nhà khoa học chỉ cần đưa ra sản phẩm là xong.

Ngoài ra, những nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài có uy tín mà đã gắn bó thì cũng được quyền tham gia đấu thầu các dự án lớn. Không quá phân biệt người trong nước với người nước ngoài.

Hình thành thế hệ nhà khoa học nội địa mạnh

Ông Hoàng Minh Sơn: Các trường hiện nay được tinh thần tự chủ đều rất phấn khởi. Tất nhiên cũng rất lo lắng vì xu thế cạnh tranh rất mạnh giữa các trường trong nước với nhau và với các trường quốc tế không chỉ về đào tạo mà còn cả vấn đề thu hút nhân lực.

Với những nhà khoa học nổi tiếng, có vị trí thì chắc chắn là các nhà khoa học trong nước cũng có mối quan hệ nhất định. Việc hỗ trợ thông qua các đề tài, hay một nhóm nghiên cứu là cách thức nên làm dù không thể hết được.

Bởi vì khi đó các đề tài có sự tham gia của các nhà khoa học ở nước ngoài thì các đề tài ấy được đánh giá cao hơn, tính cạnh tranh tốt hơn. Có thể theo đặt hàng, cũng có thể theo đề xuất từ dưới lên.

Nhưng chúng tôi cũng muốn đề xuất tới nhóm thứ hai. Đó là những bạn mới tốt nghiệp tiến sĩ về. Lực lượng này rất đông và về sau sẽ tạo một nền tảng nên cần có sự hỗ trợ bước đầu.

Hiện nay trung bình đào tạo tiến sĩ ở nươc sngoài mất khoảng một trăm ngàn đô, vậy chúng ta hỗ trợ các em độ hai mươi ngàn để trong hai năm đầu các em có cơ sở ban đầu sẽ rất thuận lợi.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Ý kiến của anh Sơn tôi ủng hộ. Mình phải hình thành nên một thế hệ các nhà khoa học nội địa chứ không phải cứ đi vay mượn nước.

{keywords}
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (trái), ông Nguyễn Anh Tuấn (giữa) và Nhà báo Hạ Anh. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Tôi cũng đang nghiên cứu cùng các bộ ngành đề nghị với Thủ tướng Chính phủ lập một quỹ hay có một dạng nào đó để hỗ trợ thông qua các đề tài. Cái đấy là lợi ích kép, vừa được nghiên cứu, vừa giữ chân được.

Và tôi sẽ bàn thêm với Bộ trưởng bộ khoa học công nghệ và bộ trưởng bộ tài chính để làm sao cái quỹ này hướng tới đối tượng trẻ.

Chúng ta phải tạo ra được một thế hệ các nhà khoa học trong nước, chứ chúng ta cũng không nên quá nhấn mạnh vào nước ngoài.

Vì vậy, yếu tố thu hút về rất quan trọng nhưng nếu như kích hoạt được các nhân tố bên trong lên nữa thì tôi thấy lợi ích cao hơn nhiều.

XEM PHẦN 5

(còn tiếp)

Vào 14h chiều 8/8, VietNamNet tổ chức bàn tròn trực tuyến với chủ đề“Chính sách thu hút người Việt Nam ở nước ngoài trở về đóng góp xây dựng đất nước”. Khách mời tham gia chương trình:

  • Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
  • Ông Ngô Bảo Châu, GS Toán Trường ĐH Chicago (Mỹ); Giám đốc Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (Việt Nam).
  • Ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên tổng biên tập báo VietNamNet, hiện là Tổng biên tập Tạp chí và Mạng Giáo dục Công dân Toàn cầu Đại học California Los Angeles ( UCLA).
  • Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Ban Giáo dục