Ông Dương Công Minh tiếp tục đặt cược vào một cuộc chơi lớn mà tất cả mới chỉ bắt đầu. Tiền là quan trọng nhưng danh dự mới là điều mà nhiều đại gia Việt muốn khẳng định.
Thông tin từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB) cho biết, chủ tịch Dương Công Minh vừa đăng ký mua thêm 1,2 triệu cổ phiếu STB để đầu tư theo nhu cầu cá nhân. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn từ 26/10 đến 24/11/2017.
Quyết tâm tăng sở hữu và củng cố vị thế tại Sacombank của ông Dương Công Minh là rất rõ ràng. Trước đó, ông Dương Công Minh đã mua thành công 18 triệu cổ phiếu STB.
Với thương vụ mới, nếu thành công, ông Dương Công Minh sẽ sở hữu khoảng 60 triệu cổ phiếu STB, tương ứng 3,36%.
Quyết định mua cổ phiếu Sacombank ở vào thời điểm hiện tại có thể rất thuận lợi bởi thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu điều chỉnh, đặc biệt là cổ phiếu STB gần đây giảm rất mạnh và ở đáy trong vòng khoảng 6 tháng qua.
Cổ phiếu STB giảm nhanh thời gian gần đây chủ yếu do ngân hàng này được đánh giá cần thời gian dài đề xử lý xong số nợ xấu khổng lồ, mà phần lớn là từ SouthernBank chuyển sang thời ông Trầm Bê.
Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng bán mạnh STB sau khi ông Dương Công Minh hồi đầu tháng 10 bất ngờ quyết định đổi mã chứng khoán STB (thành SCM) và chuyển niêm yết Sacombank về sàn Hà Nội.
Mặc dù vậy, giới đầu tư nhiều người cũng đặt niềm tin khá lớn vào Sacombank như ông chủ tịch của ngân hàng này.
Thời gian mới nhậm chức, ông Dương Công Minh đã rất tự tin rằng sẽ giúp ngân hàng đạt gấp đôi mức lợi nhuận mà HĐQT đề ra ngay trong năm 2017, tức tổng lợi nhuận có thể lên tới hơn 1 ngàn tỷ đồng.
Trong quý 3/2017, khoảng thời gian Sacombank hoạt động dưới sự dẫn dắt của ông Dương Công Minh, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế khá ấn tượng: 449 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ và đột biến hơn cả so với 2 quý đầu năm.
Lũy kế 3 quý đầu năm, Sacombank đã đạt hơn ngàn tỷ đồng lợi nhuận trước thuê và hơn 770 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao gấp 5 lần so với cùng kỳ.
Cũng giống như Sacombank, nhiều cổ phiếu trụ cột trên thị trường chứng khoán gần đây chịu áp lực giảm sau một thời gian tăng khá mạnh trong hơn 9 tháng đầu năm. Khối ngoại bán ra mạnh cũng góp phần khiến giá cổ phiếu giảm.
Tuy nhiên, nhiều ông chủ Việt vẫn đang đẩy mạnh mua vào.
CTCP Thành Thành Công của ông Đặng Văn Thành vừa đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu SBT của CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh sau khi vừa mua thành công 5 triệu cổ phiếu.
Nếu mua thành công, Thành Thành Công của ông Đặng Văn Thành sẽ nắm giữ gần 98 triệu cổ phiếu (17,5%). Cổ phiếu SBT gần đây giảm sâu sau thương vụ sáp nhập với Đường Biên Hòa (BHS).
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết cũng vừa đăng ký mua thêm 37 triệu cổ phiếu FLC.
Trong vài phiên gần đây, khối ngoại đã liên tục gia tăng bán hàng loạt các cổ phiếu chủ chốt trên sàn để chốt lời. Nhiều cổ phiếu tăng mạnh 5-70% cho tới vài lần đã mang lại lợi nhuận rất lớn cho các quỹ đầu tư ngoại.
Quỹ đầu tư Pyn Elite Fund (quỹ đầu tư có quy mô lớn thứ 3 tại Việt Nam) vừa chốt lời cổ phiếu KBC và HBC,...
Trong phiên giao dịch 23/10, hàng loạt các cổ phiếu trụ cột trên TTCK cũng bị chốt lời như: Vinamilk (VNM), Masan (MSN), Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), Hòa Phát (HPG),...
Tuy nhiên, dòng vốn ngoại chưa có dấu hiệu rút ra mà luân chuyển sang các cổ phiếu khác. Gần đây, cổ phiếu KDH của Khang Điền lập mức giá cao kỷ lục nhiều năm nhưng vẫn được Vietnam Ventures mua thêm 3,8 triệu cổ phiếu.
Trong phiên 23/10, khối ngoại mua ròng cổ phiếu Vingroup (VIC), Petrolimex (PLX), Vietcombank (VCB), BIDV (BID), VCI,...
Về tổng thể, thị trường chứng khoán được đánh giá có triển vọng dài hạn vẫn khá tích cực. Quy mô và chất lượng sẽ còn tăng mạnh và đây là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Thanh khoản chung trên thị trường vẫn đang được cải thiện. Dòng tiền không chỉ đổ vào các cổ phiếu chủ chốt mà còn nhiều cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 3 tốt.
Thị trường giảm do áp lực chốt lời ngắn hạn nhưng lực cầu bắt đáy tăng khá mạnh trở lại.
Theo BSC, áp lực tương đối và trên diện rộng đang kéo lùi điểm số thị trường về mức hỗ trợ 20 điểm và có thể sẽ kiểm tra mức hỗ trợ dưới 810 trong những phiên tới. Nhà đầu tư cẩn trọng trong các hoạt động giao dịch giá xuống khi xu hướng điều chỉnh vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm và đang ảnh hưởng đến hầu hết các nhóm ngành và nhóm cổ phiếu theo quy mô vốn hóa thị trường, rủi ro cũng tăng thêm đối với cả nhóm cổ phiếu có yếu tố thị trường.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/10, VN-index giảm 6,8 điểm xuống 820,04 điểm; HNX-Index giảm 1,9 điểm xuống 106,24 điểm. Upcom-Index giảm 0,6 điểm xuống 53,79 điểm. Thanh khoản đạt gần 273 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt gần 5,2 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.
H. Tú