Ngày 24/6 được ví như “ngày thứ Sáu đen tối” khi người dân Anh chọn rời Liên minh châu Âu (EU). Thị trường chứng khoán toàn cầu rúng động, ước tính hơn 2.000 tỷ USD đã “bốc hơi”, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng một phen chao đảo. Trong lĩnh vực thương mại, Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam trong EU. Xuất khẩu của Việt Nam sẽ ra sao trước quyết định lịch sử của người dân Anh?

Thấy ngay thiệt hại

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên cho rằng: Việc người dân Anh chọn rời EU đã tác động rõ rệt đến DN Việt. Ngay sau khi người dân Anh chọn rời EU, đồng Euro, đồng bảng Anh đều mất giá so với đồng USD.

“Có nghĩa trước đây khi xuất khẩu vào Anh hay châu Âu, DN bán được 1 Euro thì thu được 27 nghìn, nay chỉ còn được 22 nghìn. Như vậy hàng hóa Việt Nam sẽ mất khả năng cạnh tranh ở các thị trường này”, ông Dương nói.

“Hàng loạt đồng tiền của các quốc gia trên thế giới như đồng won của Hàn Quốc, đồng rupiah Indonesia, đồng ringgit của Malaysia, đồng rupee của Ấn Độ… đã giảm giá. Nhưng chúng ta vẫn lặng như tờ. Điều đó sẽ khiến chúng ta mất lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu hàng hóa sang nhiều thị trường, không riêng gì sang Anh”, ông Dương nói.

{keywords}
Đồng Euro giảm mạnh sau khi Anh quyết định rời khỏi EU

Ông Nguyễn Xuân Thành, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đánh giá ảnh hưởng của việc Anh rời EU đến thị trường tài chính Việt Nam là không đáng kể. Du lịch, đầu tư của Anh sang Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Thương mại sẽ là kênh chịu tác động chính.

Trong vòng 5 năm qua, Anh đã trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam trong EU, với tốc độ tăng trưởng kim ngạch bình quân là 22,5%/năm. Với 4,65 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu của sang Anh chiếm 2,4% GDP Việt Nam, trong khi tỷ lệ này tính bình quân các nền kinh tế Đông Á chỉ là 0,7%. Đó là lý do nhiều báo chí kinh tế quốc tế đã cho rằng Việt Nam sẽ bị tác động lớn nhất trong Đông Á từ Brexit.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, xuất khẩu sang Anh chắc chắn sẽ chịu tác động tiêu cực ít nhất trong ngắn hạn khi đồng bảng Anh giảm giá. Tác động sẽ lớn hơn nếu Brexit làm cho nền kinh tế Anh rơi vào suy thoái và bất ổn trong vòng 2 năm nữa, trước khi Anh đạt thỏa thuận chính thức rời khỏi EU.

“Ở cấp độ vĩ mô, tác động tới tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ là nhỏ. Trong cơ cấu xuất khẩu, điện thoại di động Samsung chiếm tới hơn 36%. Vậy, ở mức vi mô, chỉ các DN Việt Nam xuất khẩu hàng may mặc, giày dép, nội thất và nông sản phụ thuộc nhiều vào thị trường Anh mới chịu tác động lớn”, chuyên gia Fulbright đánh giá.

{keywords}

Việc người dân Anh chọn rời EU đã tác động rõ rệt đến DN Việt

Phải ký lại nhiều hiệp định với Anh

TS Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng: Hiện EU có nhiều mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với Việt Nam. Ví dụ Hiệp định đối tác và hợp tác Việt Nam EU (PCA), Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), gần đây chúng ta kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam – EU (EVFTA).

Ông Phương phân tích: Như vậy, EU với Việt Nam có nhiều mối quan hệ về thương mại và đầu tư. Khi Anh rút khỏi EU, về cơ bản Anh sẽ rút khỏi các hiệp định này để đàm phán song phương. Quá trình này sẽ mất vài năm.

“Trong ít nhất 2 năm tới, Anh vẫn sẽ phải thực hiện các cam kết trong EU. Cho nên tác động ngay lập tức với thương mại của Việt Nam là chưa có. Nhưng trong dài hạn, sau 2 năm tới, sẽ ảnh hưởng thương mại của ta”, ông Lê Quốc Phương dự báo.

Khi ấy, có 2 kịch bản xảy ra. Một là Anh vẫn chấp nhận mức thuế quan áp dụng cho Việt Nam giống như trước đây EU đã làm. Hai là Anh sẽ đề nghị đàm phán lại song phương.

“Như vậy xuất khẩu của Việt Nam sang Anh sẽ bị giảm. Hiện nay xuất khẩu của Việt Nam sang Anh khoảng 4-5 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu 160 tỷ USD của Việt Nam năm 2015. Nếu họ đàm phán lại mức thuế, hàng của chúng ta sang Anh sẽ khó khăn hơn”, ông Lê Quốc Phương chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Thành nhận định kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất là thỏa thuận sẽ được ký kết giữa Việt Nam và EU, nhưng sẽ không có Anh. Như vậy, lợi ích tiếp cận thị trường Anh (chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU) mà Hiệp định được kỳ vọng mang lại cho Việt Nam sẽ không còn.

“Tuy vậy, EU và Việt Nam vẫn có thể cho phép Anh là nền kinh tế bên ngoài được tham gia vào Hiệp định (Hiệp định ba bên). Đây là kịch bản tốt nhất cho Việt Nam”, ông Nguyễn Xuân Thành nhận định.

Không chỉ băn khoăn về “số phận” cá hiệp định với EU, nhiều chuyên gia còn lo ngại “hiệu ứng domoin” sau khi người Anh chọn rời EU. Bởi một loạt động thái cho thấy nhiều nước EU khác cũng muốn theo con đường của nước Anh.

Ông Lê Quốc Phương cho rằng, vừa rồi đã có một số nước ngỏ ý sẽ đi theo cách của Anh là tổ chức trưng cầu dân ý. Nhân dân một số nước trong EU cảm thấy EU không mang lại lợi ích gì lớn cho họ nên muốn rút.

“Tóm lại việc Anh rút khỏi EU không chỉ tác động đến Anh hay thế giới, mà có khả năng bắt đầu quá trình tan rã của EU”, ông Phương dự đoán.

Nếu hiệu ứng domino đó xảy ra, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm nay chắc chắn sẽ không đạt được kỳ vọng.

Hà Duy