Biệt thự giảm giá hơn 30%

Theo DKRA Group, hai tháng đầu năm 2023, nguồn cung căn hộ mới tại TP.HCM và vùng phụ cận chỉ 700 căn, giảm 56% so với cùng kỳ. Nguồn cung hạn chế nhưng lượng tiêu thụ cũng không khả quan, chỉ bằng 50% cùng kỳ. 

Lượng tiêu thụ căn hộ chủ yếu tập trung ở một dự án khu vực phía Bắc TP.HCM, trong khi với các dự án còn lại chỉ đạt từ 30 – 60% giỏ hàng mở bán. 

Thống kê của DKRA Group cho thấy, mặt bằng giá bán căn hộ trên thị trường sơ cấp vẫn neo ở mức cao trong khi giá bán thị trường thứ cấp sụt giảm, từ 1 – 6% so với cuối năm 2022. Tại một số dự án hết thời gian ân hạn gốc hoặc lãi vay, mức giảm ghi nhận lên đến 15 - 20% so với giá hợp đồng.

Giá căn hộ trên thị trường thứ cấp giảm nhẹ. (Ảnh: Hoàng Hà)

Với phân khúc nhà phố - biệt thự, nguồn cung mới chỉ có 162 căn, bằng 43% cùng kỳ, chủ yếu tập trung ở Bình Dương. Sức cầu thị trường giảm mạnh, tỷ lệ tiêu thụ của phân khúc này chỉ đạt 5%, đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Không chỉ sụt giảm thanh khoản, mặt bằng giá bán thứ cấp của loại hình nhà phố - biệt thự ghi nhận giảm từ 3 – 7% so với cuối năm ngoái. Đáng chú ý, tại Đồng Nai có dự án ghi nhận mức giảm lên đến 32%. 

Đánh thuế gấp đôi khi chuyển nhượng nhà thứ hai trở lên 

Về dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa gửi lấy ý kiến lần 2 cho các bộ, ngành liên quan trước khi báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội dự kiến trong tháng 5/2023. 

Dự thảo nghị quyết đề xuất cho HĐND TP.HCM quyết định: Tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở nhưng không quá 5 lần mức thu hiện hành; tăng thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng nhà, đất thứ hai trở lên nhưng không quá 2 lần mức thu hiện hành. 

Nhiều chủ đầu tư ‘bán chui’ nhà ở xã hội

Tại Hội nghị “Sơ kết công tác phát triển nhà ở giai đoạn 2016 – 2020 và công bố chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030” diễn ra vào ngày 10/3, ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM đã nêu ra những khó khăn của chương trình phát triển nhà ở xã hội (NƠXH). 

Trong đó, nhiều chủ đầu tư dự án NƠXH làm trái quy định khi chưa trình thẩm định giá nhưng đã bán, cho thuê, cho thuê mua NƠXH. Hiện vẫn chưa có chế tài để xử lý các chủ đầu tư vi phạm này. (Xem chi tiết)

4 năm, chỉ 310 trường hợp được vay mua nhà ở xã hội 

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP.HCM cho biết, từ năm 2018 đến ngày 30/9/2022, đơn vị này đã cho 310 trường hợp vay tổng cộng hơn 150 tỷ đồng để mua, thuê mua NƠXH và xây mới, cải tạo nhà ở. 

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP.HCM, cho rằng, không phải NHCSXH thiếu vốn mà nguyên nhân là thiếu nguồn cung NƠXH giá rẻ đáp ứng điều kiện chương trình. (Xem chi tiết)

Doanh nghiệp sản xuất thiếu quỹ đất 

Doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ sở sản xuất trong các khu dân cư hiện hữu ở TP.HCM đang gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu quỹ đất. Khi không thể nâng cấp nhà xưởng, doanh nghiệp thuê đất ở khu công nghiệp cũng không được cấp phép xây dựng. (Xem chi tiết)

Sống thấp thỏm trong chung cư 50 tuổi

Sau gần chục năm lựa chọn được nhà đầu tư, dự án xây mới Cụm 8 lô số Cư xá Thanh Đa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM vẫn chưa thể triển khai. Sống tại các lô chung cư đã 50 tuổi này, nhiều hộ dân thấp thỏm vì không biết nhà mình sẽ sập lúc nào. (Xem chi tiết)