Tổng thống Mỹ Donald Trump không biết phải làm gì về Triều Tiên, và ông không ngại nói ra điều này.
“Tôi không biết”, ông nói về Triều Tiên tuần trước. “Chúng ta sẽ xem điều gì xảy ra”.
Ảnh: AP |
Theo tờ Ottawa Citizen, về việc này, Tổng thống Trump không phải người duy nhất. Rất nhiều chuyên gia về Triều Tiên cũng không dám chắc cách thức nào Mỹ nên theo đuổi để chấm dứt, hoặc phong tỏa chương trình vũ khí nguyên tử của Triều Tiên.
Ông Trump đã thừa nhận “điểm yếu” của mình theo cách mà chỉ ông mới có thể công khai được như vậy. Song thực tế, việc không biết đủ rõ để lên kế hoạch hành động sẽ không ngăn được nhà lãnh đạo Mỹ biết những gì cần làm để đạt được thành công.
“Rốt cuộc sẽ có thành công dù cách này hay cách khác”, ông tuyên bố tại ngày cuối cùng của hội nghị G20.
Điều gì nếu không thể đạt được thành công? – Đây là vấn đề cần quan tâm nhất của tất cả mọi người chứ không chỉ riêng Tổng thống Trump.
Mỹ và các đồng minh vẫn đang nỗ lực vừa đe dọa, vừa thị uy, vừa thuyết phục Triều Tiên. Nhưng đến nay chưa biện pháp nào mang lại hiệu quả. Rõ ràng so với người tiền nhiệm, ông Trump không có nhiều hơn về lựa chọn đối với Triều Tiên.
Mỹ từng cố gắng viện trợ. Sau khi nạn đói hoành hành ở Triều Tiên vào giữa những năm 1990, Washington trao cho quốc gia châu Á lượng lương thực viện trợ trị giá hàng trăm triệu đôla.
Việc Triều Tiên tập trung dành tiền để phát triển vũ khí đã khiến Mỹ đã quyết định cấm vận.
Với sự hậu thuẫn của Washington, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu áp đặt loạt đòn trừng phạt đầu tiên lên Triều Tiên vào năm 2006, sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của quốc gia này. Một thập niên sau đó, Hội đồng tiếp tục bổ sung cấm vận, ngày càng gay gắt hơn.
Nhưng làm vậy cũng không ngăn được Bình Nhưỡng thử vũ khí hết lần này đến lần khác. Mới đây nhất, ngày 4/7, chính quyền ông Kim Jong Un thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Rõ ràng, cấm vận kinh tế là không hiệu quả đối với một chế độ đã xác định rõ hạt nhân là trụ cột sinh tồn.
Vì vậy, Mỹ quay sang gây áp lực với Trung Quốc. Nhưng hành động của Trung Quốc không đủ mạnh, và ông Trump đã vạch rõ điều này.
Lựa chọn mà Mỹ chưa từng thử là một cuộc tấn công phủ đầu. Lý do dễ hiểu: Washington không chắc có thể phá hủy được tất cả các cơ sở tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên vì không biết rõ chúng nằm ở đâu.
Và ngay cả nếu Tổng thống Trump có thể đoán trúng các mục tiêu thì Bình Nhưỡng vẫn có đủ sức mạnh tấn công Hàn Quốc, gây bất ổn khu vực và căng thẳng cho các liên minh của Mỹ.
Như vậy, Mỹ đã cố thử hết các lựa chọn và đến nay đều không hiệu quả.
Cũng như nhiều lãnh đạo khác, Tổng thống Trump không biết phải làm gì với Triều Tiên hiện nay. Và ông không ngại ngần thừa nhận: Ai mà biết được? Chúng ta sẽ xem điều gì xảy ra.