Quan điểm về chiến tranh thông tin của TQ đứng từ góc nhìn của quốc gia yếu thế hơn, chứ không phải là quốc gia áp đảo hơn về công nghệ. Điều này dẫn tới sự nguy hiểm.
LTS: Tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình vừa loan báo đề cương cải cách quân đội. Theo đó, nước này sẽ cấp tập đột phá trong công cuộc xây dựng quân đội (PLA), hoàn thành trước năm 2020. Những phân tích dưới đây nhằm giúp độc giả thấy được phần nào chiến lược của ông Tập Cận Bình.
Chiến tranh thông tin “mang đặc sắc TQ”
Từ đầu những năm 2000, các sĩ quan và quan chức cấp cao TQ đã thúc đẩy khái niệm “cuộc cách mạng trong các vấn đề quân sự” (RMA) như là một định hướng xây dựng và hiện đại hoá quân đội TQ (PLA). Mặc dù chưa bao giờ được định nghĩa rõ ràng, các tính chất của “RMA mang đặc sắc TQ” được thể hiện thông qua Sách trắng quốc phòng các năm.
Sách trắng quốc phòng TQ năm 2013 có đề cập tới hai điểm quan trọng giúp định hướng quá trình hiện đại hoá PLA. Thứ nhất là sự trỗi dậy của các mối đe doạ an ninh hàng hải hướng biển; và thứ hai là sự nổi lên của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông (một trong những thành tố quan trọng nhất của RMA). Từ hai điểm này, TQ đưa ra khái niệm “chiến thắng một cuộc chiến tranh thông tin hoá ở mức độ khu vực”.
Ông Tập Cận Bình muốn cải tổ mạnh mẽ quân đội TQ. Ảnh: Reuters |
Các tranh luận nội bộ PLA về RMA và vai trò của công nghệ thông tin nổi lên mạnh mẽ từ sau chiến dịch “Bão táp sa mạc” tại Iraq, trong đó Mỹ đã tận dụng rất hiệu quả vai trò của tác chiến điện tử.
Chiến trường thông tin hoá như đã được đề cập đã làm lu mờ các khái niệm cũ. Ví dụ, trong chiến tranh thông tin, không có “hậu phương” hay “tiền tuyến”, mà là không gian chiến trường “đa chiều”, tổng hoà của điều kiện tác chiến trên không, trên bộ, trên biển, trong không gian, và tác chiến điện tử trở thành bộ phần không thể thiếu.
Sự thành bại trên chiến trường không chỉ phụ thuộc vào bên nào sở hữu hoả lực mạnh hơn, mà là bên nào phát hiện được đối phương trước, phản ứng nhanh hơn và tấn công chính xác hơn. Hai bên sẽ cạnh tranh nhau về khả năng tình báo cũng như khả năng chỉ huy và kiểm soát.
Cần lưu ý rằng, không giống như Mỹ, quan điểm về chiến tranh thông tin của TQ đứng từ góc nhìn của quốc gia yếu thế hơn, chứ không phải là quốc gia áp đảo hơn về công nghệ. Điều này dẫn tới sự nguy hiểm của chiến tranh thông tin cấp độ khu vực của TQ. Lúc này, nó được sử dụng như một đòn tấn công phủ đầu nhắm vào tất cả các căn cứ của đối thủ tại một khu vực tác chiến cụ thể.
Chiến tranh mạng trên Biển Đông
Theo các chiến lược gia quân sự của TQ, các thành tố của một cuộc chiến tranh thông tin: - Là sản phẩm của kỷ nguyên công nghệ thông tin, bao gồm “mạng lưới hoá” chiến trường, là mô hình tương tác mới giữa không gian và thời gian tác chiến.- - Là sự tổng hoà của các hình thái chiến tranh, với trọng tâm là thông tin hoá, tác chiến “di động” kết hợp với chiến tranh tổng lực. - “Thông tin hoá” hoàn toàn các yếu tố của chiến tranh, tốc độ, sự cơ động, chiều sâu tác chiến... giúp mở rộng phạm vi của chiến trường, gia tăng tốc độ tác chiến và độ chính xác. Điều này làm thay đổi quy mô không gian và thời gian tác chiến. |
PLA xây dựng học thuyết chiến tranh mạng dựa trên khái niệm có tên gọi là “mạng tác chiến điện tử hỗn hợp” (INEW). Đây là sự kết hợp giữa ba yếu tố bao gồm mạng lưới máy tính (CNOs); tác chiến điện tử (EW) và tấn công quy ước nhằm vô hiệu hoá hệ thống mạng lưới thông tin của đối phương, và tạo ra “điểm mù” trong khả năng chỉ huy kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính, tình báo, trinh sát và giám sát (gọi tắt là C4ISR) của đối thủ. Hoạt động này được tiến hành trên mọi mặt trận, mà quan trọng hơn cả là mặt trận trên môi trường mạng máy tính.
Một cuộc tấn công mạng nhắm vào lực lượng đối phương sẽ được tiến hành trong khoảng thời gian đầu của cuộc chiến. Đánh phủ đầu sẽ khiến cho các loại vũ khí công nghệ cao, cũng như mạng lưới C4ISR của đối thủ bị đứt quãng hay thậm chí là bị phá huỷ. Đạt được sự thống trị về mặt thông tin sẽ giúp cho PLA triển khai nhanh chóng và chiếm chế thượng phong về không quân và hải quân.
Các đơn vị chiến tranh mạng còn thực hiện các nhiệm vụ do thám và thu thập thông tin trong thời bình, với mục đích đa dạng.
Tại Biển Đông, các tranh luận về chiến tranh mạng dường như chưa được chú ý bằng sự phát triển của không quân và hải quân TQ. Trong trường hợp thực sự có xung đột xảy ra, việc TQ áp đảo trên môi trường không gian mạng là việc có thể lường trước được.
Cơ sở hạ tầng an ninh mạng của các nước ASEAN vẫn còn yếu và thiếu. Các quốc gia Đông Nam Á có liên quan tới tranh chấp Biển Đông, cũng như các công ty tư nhân đang hoạt động ở khu vực đều là nạn nhân của các cuộc tấn công mạng từ TQ. Các đơn vị tác chiến mạng của TQ đã xâm nhập thành công hệ thống mạng khu vực, chủ yếu nhắm vào các cơ quan nhà nước ở Việt Nam hay Philippines thông qua hình thức từ chối dịch vụ (DoS).
Thực tiễn kiểm nghiệm rằng, vũ khí càng hiện đại thì càng dễ bị phong toả. Vai trò của thông tin và tác chiến mạng là quan trọng trong bối cảnh Việt Nam và các nước khác đang tiến hành hiện đại hoá không - hải quân.
Nguyễn Thế Phương
Tác giả Nguyễn Thế Phương là nghiên cứu viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM.