Làm sao để hài hòa hóa quan hệ lao động vì mỗi người lao động, doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung trong bối cảnh Việt Nam đang cạnh tranh với quốc tế? Tuần Việt Nam xin mở diễn đàn về chủ đề này với hi vọng nhận được các ý kiến đa chiều nhân dịp Bộ Luật Lao động được sửa đổi. Xin gửi bài về tuanvietnam@vietnamnet.vn.

Về khung thời gian làm thêm giờ

Gần đây, trao đổi với các doanh nghiệp sản xuất, tôi được biết tình hình tuyển dụng hết sức khó khăn, các doanh nghiệp phải sử dụng dịch vụ tuyển dụng thông qua trung tâm giới thiệu việc làm và đi đến các tỉnh xa để tuyển dụng mà vẫn không tuyển đủ lao động. Bên cạnh đó, các đồng nghiệp tôi cho biết thêm họ gặp phải tình trạng nghỉ việc tràn lan. Chúng tôi buộc phải tổ chức làm thêm giờ mới có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Đối với các ngành nghề gián tiếp như công nghệ thông tin, nghiên cứu phát triển sản phẩm cũng đòi hỏi sự tư duy nghiên cứu thời gian dài để có thể thực hiện tốt công việc và cạnh tranh được với các công ty khác.

Tuy vậy, tổng số giờ được làm thêm tối đa trong một năm của Việt Nam đang bị hạn chế (200 giờ), thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia đang cạnh tranh lao động với Việt Nam.

{keywords}
Làm thêm giờ có những thời điểm được coi là yếu tố sống còn của doanh nghiệp bởi nó quyết định năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau.

Việc này làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn tới sức cạnh tranh về lao động của Việt Nam so với các quốc gia khác.

Ngoài ra, trên thực tế, giờ làm việc tiêu chuẩn của Việt Nam là 48 giờ/ tuần, tương đương với các quốc gia đang phát triển, cạnh tranh lao động với Việt Nam như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Philippines, Lào… Vì vậy, không thể nói thời gian làm việc của Việt Nam nhiều hơn các nước nên không tăng khung thời gian làm thêm giờ.

Chúng ta không thể không thừa nhận thực tế là năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, tỷ trọng các ngành thâm dụng lao động có giá trị gia tăng thấp vẫn còn lớn. Thực tế đó cho thấy, nhu cầu mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ là nhu cầu có thực để góp phần tăng thu nhập cho người lao động, tăng tính linh hoạt khi tổ chức làm thêm giờ và góp phần tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Làm thêm giờ có những thời điểm được coi là yếu tố sống còn của doanh nghiệp bởi nó quyết định năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau, với các đối thủ nước ngoài. Vì có thể cùng một đơn hàng, một doanh nghiệp ở quốc gia khác hoàn thành nhanh hơn một doanh nghiệp ở Việt Nam, đương nhiên nhà đầu tư sẽ chọn doanh nghiệp hoàn thành đúng tiến độ.

Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm tỷ lệ khoảng 97%) và phần lớn các doanh nghiệp này nhìn chung chưa có điều kiện tài chính để đầu tư thay đổi công nghệ máy móc thiết bị nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động.

Nhưng theo quy định về thời gian làm thêm giờ trong Dự thảo hiện nay, việc giới hạn về thời giờ làm thêm sẽ gây bất cập lớn cho hoạt động của các doanh nghiệp, của chính người lao động, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến GDP của quốc gia.

Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp đã phải bố trí làm thêm giờ hết thời gian được phép 200 giờ/năm hoặc 300 giờ/năm theo quy định của Bộ luật lao động hiện hành.

Trong bối cảnh cần cân đối và đảm bảo khả năng duy trì việc làm của người lao động, không gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và so sánh với việc quy định về thời gian làm thêm tại nhiều nước có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội tương đương Việt Nam, tôi cho rằng, cần xem xét nâng mức thời giờ làm thêm tối đa hằng năm từ 200 giờ lên 300 giờ đối với các ngành nghề bình thường.

Riêng đối với một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, người sử dụng lao động có thể tăng số giờ làm thêm từ 300 giờ lên 400 giờ với điều kiện là có nhu cầu kinh doanh chính đáng như các ngành nghề phục vụ xuất khẩu, phục vụ đơn hàng như hàng dệt, may, da, giày, linh kiện điện, điện tử, chế biến nông, lâm, thủy sản và được sự đồng ý của người lao động đối với công việc làm thêm giờ.

Về thời hạn giấy phép lao động

Đối với quy định: “Thời hạn của giấy phép lao động tối đa là 2 năm; trường hợp gia hạn thì chỉ được gia hạn một lần với thời hạn tối đa là 2 năm”, tôi đã thảo luận với các đồng nghiệp khác và đồng thuận xin kiến nghị giữ nguyên quy định như Luật hiện hành, không hạn chế số lần gia hạn Giấy phép lao động của người lao động nước ngoài như trong Dự thảo Bộ Luật. Đồng thời nâng thời hạn cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài từ 2 năm lên 3 năm.

Trên thực tế, việc người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là do người lao động Việt Nam không thể đảm nhận được vị trí công việc đó (so với việc sử dụng lao động trong nước, việc sử dụng lao động nước ngoài có nhiều bất lợi như điều kiện xin cấp phép chặt chẽ và chi phí tiền lương, chi phí khác cao).

Nếu theo quy định của dự thảo Luật, thời hạn tối đa mà người nước ngoài có thể làm việc tại Việt Nam là 4 năm. Nếu trong 4 năm đó, người lao động Việt Nam vẫn không thể đảm nhận được công việc thì người lao động nước ngoài sẽ phải quay về nước, sau đó xin cấp giấy phép lao động mới và quay lại Việt Nam.

Việc đó gây mất thời gian, công sức và chi phí cho người lao động và doanh nghiệp. Đồng thời, trong khoảng thời gian đó, doanh nghiệp không có người vận hành nên không thể hoạt động được, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và kinh doanh.

Các quy định Luật hiện nay về điều kiện xin giấy phép lao động cho người nước ngoài cũng đã rất chặt chẽ, không phải lao động nước ngoài nào cũng đủ điều kiện để xin giấy phép lao động, mà chỉ có các chuyên gia và các lao động kỹ thuật cao.

Quy định mới sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn, làm hạn chế về môi trường đầu tư của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ngoài ra, các cam kết trong WTO và CPTPP cũng đều quy định lao động người nước ngoài có thời hạn nhập cảnh 3 năm hoặc thời hạn của hợp đồng lao động tại Việt Nam.

Do vậy, đối với người lao động nước ngoài có hợp đồng lao động hoặc giấy xác nhận điều động nhân sự có thời hạn là 3 năm thì người lao động nước ngoài phải được cấp giấy phép lao động với thời hạn 3 năm để giảm thiểu các chi phí phát sinh không đáng có trong doanh nghiệp.

Cảm ơn Tuần Việt Nam đã mở diễn đàn. Chúng tôi hi vọng được trao đổi, thảo luận về những vấn đề cùng quan tâm.

Lan Anh (lược ghi)