Lời Tòa soạn:

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 tiếp tục xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong 3 đột phá chiến lược. Vì thế, việc phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông được tập trung ưu tiên với mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000km và đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường cao tốc.

Trước mục tiêu này, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã xác định đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000km đường cao tốc. 

Lãnh đạo Chính phủ đã có hàng loạt cuộc làm việc với các địa phương, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc nhiều công trình, dự án hạ tầng trọng điểm với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "thi công 3 ca 4 kíp", "làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết", "chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Chính vì vậy, nếu giai đoạn 2001 - 2010, cả nước chỉ đưa vào khai thác được 89km đường cao tốc, giai đoạn 2011 - 2020 khai thác thêm 1.074km, thì từ năm 2021 đến giữa năm 2023 đã xây dựng thêm hơn 600km.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, trong 6 tháng đầu năm nay đã hoàn thành và đưa vào khai thác 4 dự án, trong đó có 2 dự án đường cao tốc được đầu tư theo hình thức BOT là Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Diễn Châu - Bãi Vọt. 

Như vậy, đến hết tháng 6, cả nước đã đưa vào khai thác toàn bộ 11 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc lên hơn 2.000km. 

Chậm GPMB khiến tiến độ cao tốc không theo kế hoạch

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 3.000km đường bộ cao tốc, đến 2030 có 5.000km.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), bảo đảm nguồn cung vật liệu, thúc đẩy tiến độ các dự án. 

Chia sẻ với VietNamNet, ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá cao chủ trương phát triển đường cao tốc của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ ngành, đặc biệt là Bộ GTVT và địa phương trong thời gian qua.

w cao toc 5 1 940.jpg
Thảm nhựa trên cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu. Ảnh: P.M

Ngoài ra, ông Hạ cũng nhấn mạnh đến vai trò đồng hành của Quốc hội thể hiện qua nhiều phiên họp, từ đó ban hành nghị quyết, cơ chế đặc thù tháo gỡ những điểm nghẽn trong xây dựng, đầu tư các tuyến cao tốc. 

“Quốc hội đã chủ động từ sớm, từ xa, chia sẻ, đồng hành với Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đã đề ra. Tôi cho rằng, chưa có nhiệm kỳ nào chúng ta quyết liệt, đồng bộ như vậy. 

Kết quả đến nay đã hoàn thành 11 đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, nâng tổng số chiều dài đường cao tốc lên hơn 2.000km. Với tốc độ, tiến độ như hiện nay, mục tiêu đến năm 2025 có 3.000km, năm 2030 có 5.000km đường cao tốc là hoàn toàn khả thi”, ông Hạ nói. 

Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát và tổng hợp báo cáo từ các địa phương, ông Hạ nhìn nhận công tác GPMB vẫn đang là “điểm nghẽn” đối với những dự án xây dựng đường cao tốc. Ngoài ra, tình trạng thiếu vật liệu (cát đắp nền đường cao tốc) cũng là khó khăn mà nhiều dự án gặp phải. 

“GPMB vẫn là điểm mấu chốt quyết định tiến độ thi công các dự án xây dựng nói chung và đường cao tốc nói riêng. Chúng ta cần tập trung giải quyết vấn đề này vì chậm GPMB là nguyên nhân chính khiến tiến độ dự án không theo kế hoạch”, ông Tạ Văn Hạ nói.

Ông Hạ cho rằng, để giải quyết vấn đề GPMB, các cơ quan cần quyết liệt hơn nữa, có giải pháp để gỡ "điểm nghẽn". 

“Cần có sự phối hợp của các địa phương, bộ ngành, chủ đầu tư, nhà thầu… Đặc biệt là phải tuyên truyền nâng cao nhận thức tới người dân nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao nhất vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự phát triển chung. Đồng thời, phải đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, trong đó lưu ý việc tổ chức tái định cư, nơi ở mới phải tốt hơn nơi cũ cả về điều kiện vật chất lẫn tinh thần”, ông Hạ lưu ý.

Nghiên cứu khơi thông nguồn lực xã hội 

Ở góc nhìn khác, PGS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ cho rằng, với chương trình hành động của Chính phủ, quyết tâm và phương pháp điều hành quyết liệt, tháo gỡ vướng mắc từng dự án, hy vọng sẽ đạt được những mục tiêu đã đặt ra.

“Bằng chứng cụ thể là trong 3 năm vừa qua, chúng ta đã đưa gần 800km đường cao tốc vào vận hành, nhanh hơn nhiều so với 10 năm trước đó (cả giai đoạn làm được khoảng 1.200km).

Vấn đề ở đây là cách làm, sự quyết tâm của Chính phủ đã được Quốc hội ủng hộ, tháo gỡ vướng mắc kịp thời. Những vướng mắc trong GPMB theo yêu cầu của các dự án giao thông đã được Quốc hội xem xét và cho phép tách thành dự án độc lập", PGS. Trần Chủng nhận định. 

cao toc.jpg
Nhà thầu thi công hầm Chí Thạnh trên tuyến cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Diễm Phúc

Theo ông Trần Chủng, về việc triển khai các dự án đầu tư đường cao tốc tại các vùng sâu, vùng xa, khi phương án tài chính không khả thi, Quốc hội đã ra nghị quyết cho phép áp dụng thí điểm việc nâng mức góp vốn của Nhà nước cao hơn tỷ lệ 50% như quy định của Luật PPP. Điều này đã tạo cơ hội cho các dự án đường cao tốc xây dựng theo phương thức PPP hồi sinh sau một thời gian dài “nguội lạnh”.   

Đề cập đến nhiệm vụ trong thời gian tới, PGS. Trần Chủng nhấn mạnh, cơ quan chức năng cần nghiên cứu để khơi thông nguồn lực xã hội qua phương thức đầu tư PPP, sớm có những kết quả về việc điều chỉnh định mức, đơn giá phù hợp hơn, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng để có thể có lãi, tái đầu tư vì mục tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp có sức vươn tầm quốc tế. 

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phát động phong trào thi đua 500 ngày để hoàn thành 3.000km cao tốc trước ngày 31/12/2025, đồng thời chỉ rõ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để xử lý, giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc.

Về giải phóng mặt bằng, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, nhất là những địa phương Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Tuyên Quang, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Hưng Yên, Kiên Giang.

Về vấn đề vật liệu xây dựng cho các dự án tại Đồng bằng sông Cửu Long và vành đai 3 TPHCM, các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu phải chủ động, tích cực hơn nữa tìm nguồn cung ứng cát, vận dụng những điều kiện cho phép để làm.

Về các vướng mắc liên quan việc thi công đêm, Thủ tướng yêu cầu Bí thư, Chủ tịch UBND các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu tăng cường đối thoại với người dân, động viên, vận động người dân ủng hộ việc thi công "3 ca, 4 kíp", bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, bảo đảm nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ; đồng thời nghiên cứu thời gian thi công phù hợp để tác động thấp nhất tới cuộc sống người dân.

Về thủ tục đầu tư các dự án hợp tác công tư (PPP), các tỉnh phải chủ động, tích cực xử lý vấn đề theo thẩm quyền được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kịp thời hướng dẫn, phối hợp với các địa phương triển khai thủ tục.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo hơn nữa trong giải quyết khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư, nhà thầu về mặt bằng, nguyên vật liệu…; các bộ, ngành chủ động xử lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ.