Xu hướng tiêu dùng tiết kiệm khiến người tiêu dùng Mỹ đổ xô tìm đến các gói cước di động giá rẻ và dịch vụ 5G, góp phần giúp nhà mạng T-Mobile vượt kỳ vọng phố Wall về số lượng thuê bao không dây mới hằng quý.

T-Mobile đang là công ty viễn thông chiếm đa số thuê bao trong ba quý gần nhất tại thị trường Mỹ, nhờ vào các gói giảm giá và lợi thế về 5G có được sau khi thâu tóm nhà mạng Sprint năm 2020 với giá 23 tỷ USD.

Chiến lược giá rẻ tiếp tục giúp nhà mạng T-Mobile thu hút lượng thuê bao không dây mới.

Số liệu mới nhất cho thấy nhà mạng này đã có thêm 760.000 thuê bao điện thoại trả sau, cao nhất trong 8 năm trở lại đây, vượt qua các đối thủ như AT&T và Verizon cũng như con số dự phóng 708.800 thuê bao của các chuyên gia.

Theo dữ liệu của Refinitiv, doanh thu quý II/2023 của T-Mobile giảm 2,6%, xuống còn 19,02 tỷ USD, thấp hơn ước tính 19,31 tỷ USD. Song, nhà mạng vẫn có sự tăng trưởng đối với cả thuê bao trả trước và trả sau trong “một thị trường bão hoà cao”.

Mặc dù vậy, nhà phân tích Jamie Lumley từ Third Bridge nhận định rằng đà sụt giảm qua từng năm có thể là dấu hiệu cho thấy “sức mạnh của chiến lược định giá” đang bắt đầu suy yếu khi thị trường đi vào ổn định.

T-Mobile đã nâng dự báo cả năm về tốc độ tăng trưởng thuê bao không dây, kỳ vọng số lượng thuê bao này sẽ tăng thêm từ 5,6 triệu đến 5,9 triệu, so với trước đó là 5,3 triệu đến 5,7 triệu.

Nhà mạng này nhận thấy một lượng lớn khách hàng tìm đến các gói cước giá rẻ như “Go5G Plus” và “Phone Freedom”, thay vì các hợp đồng thuê bao kéo dài tới 3 năm của các đối thủ cung cấp.

Tỷ lệ khách hàng ngừng sử dụng dịch vụ của T-Mobile cũng tốt hơn so với các đối thủ, ở mức 0,77%, trong khi của Verizon là 0,83%/tháng còn AT&T là 0,79%.

Trong khi đó, nhà mạng số một tại thị trường Mỹ - Verizon cũng có một quý doanh thu cao hơn ước tính, chủ yếu nhờ vào cắt giảm chi phí và gia tăng số lượng thuê bao không dây đối với khách hàng doanh nghiệp, cũng như mạng 5G siêu nhanh.

Các công ty viễn thông Mỹ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng truyền thông, bắt đầu từ một số thông tin do WSJ đăng tải về việc các dây cáp chứa chì của nhà mạng bị bỏ hoang gây ô nhiễm môi trường, trong đó có các địa điểm do Verizon điều hành.

“Đây là vấn đề lịch sử để lại, trên hồ sơ của chúng tôi không lưu trữ đầy đủ về lượng chì trên các dây cáp”, Anthony Skiadas, giám đốc tài chính Verizon cho biết, đồng thời nói rằng “còn quá sớm” để dự đoán về những tác động tài chính tiềm tàng.

Chuyên gia phân tích Matt Britzman của Hargreaves Landsdown nhận định vấn đề này “sẽ là đám mây bao trùm toàn ngành công nghiệp cho đến khi tìm được bằng chứng tin cậy về tác động tài chính hoặc môi trường”. 

(Theo Reuters)