Theo Mark Newman, nhà phân tích trưởng của Hiệp hội viễn thông TM Forum, nhà mạng châu Á đang dẫn đầu trong tạo ra các ngành kinh doanh B2B phi truyền thống như quản lý dịch vụ đám mây, giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Ông cho rằng, nhà mạng các khu vực còn lại có thể nhìn vào đồng nghiệp châu Á để nhận thức được “giá trị của thử nghiệm, đổi mới – thử, thất bại và tiến lên phía trước”.

Các ngành kinh doanh B2B giúp nhà mạng châu Á có thêm nguồn thu, bù đắp mảng kinh doanh truyền thống sụt giảm. (Ảnh: Shutterstock)

China Mobile

Với China Mobile, dịch vụ chuyển đổi số chính là “đường cong chữ S” thúc đẩy tăng trưởng. Trong năm 2022, doanh thu hoạt động của nhà mạng tăng 10,5% so với một năm trước đó, doanh thu dịch vụ viễn thông tăng trưởng 8,1%. Đáng chú ý, các dịch vụ chuyển đổi số đóng góp 25,6% doanh thu dịch vụ và 79,5% thu nhập tăng thêm. 

China Mobile cung cấp nhiều dịch vụ chuyển đổi số cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp như lưu trữ đám mây Mobile Cloud Drive, nhà thông minh, IoT, công nghệ thông tin (CNTT), đám mây công nghiệp.

Globe Telecom 

Nhà mạng Philippines cho biết tăng trưởng trong dịch vụ dữ liệu và kinh doanh phi viễn thông đã giúp doanh thu dịch vụ quý đầu năm 2023 tăng 2%. Các đơn vị kinh doanh mới của Globe Telecom có hiệu suất mạnh mẽ, đóng góp 3,6% tổng doanh thu dịch vụ và 4,2% thu nhập trước thuế.

Các dịch vụ kinh doanh phi viễn thông bao gồm thanh toán di động ECPay, giải pháp tiếp thị di động và kỹ thuật số AdSpark, dịch vụ dùng chung cho nhân viên Asticom, giải pháp CNTT Yondu. Doanh thu từ các mảng này tăng tới 80% trong quý I so với cùng kỳ năm trước.

Mở rộng sang lĩnh vực mới và chuyển đổi từ nhà mạng (telco) sang công ty công nghệ (techco) có ý nghĩa chiến lược đối với Globe Telecom. Chủ tịch kiêm CEO Ernest Cu nhận xét nhà mạng đã có bước tiến đáng kể như một nền tảng giải pháp kỹ thuật số và mô tả tập đoàn là “gia đình của các doanh nghiệp công nghệ ở nhiều giai đoạn khác nhau”.

Ông cũng nêu một số lĩnh vực mà nhà mạng có dấu ấn như fintech, công nghệ sức khỏe, công nghệ quảng cáo, công nghệ giáo dục, công nghệ khí hậu, thương mại điện tử, dịch vụ nhân lực, CNTT, truyền thông, giải trí…

NTT Docomo 

Trong năm tài khóa 2022 (kết thúc ngày 31/3), NTT Docomo hồi phục tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận lần đầu tiên kể từ năm 2018 nhờ dịch vụ doanh nghiệp và Smart Life. Doanh thu hoạt động tăng 3,2% và lợi nhuận hoạt động tăng 2% so với một năm trước.

Bộ phận Smart Life là “ngôi sao” với mức tăng trưởng doanh thu 16%, đạt 1,1 nghìn tỷ yen (7,8 tỷ USD). Doanh thu từ mảng doanh nghiệp tăng 5% lên 1,8 nghìn tỷ yen. Đến năm 2025, Docomo muốn hai bộ phận đóng góp hơn một nửa doanh thu nhà mạng.

Danh mục ứng dụng và nội dung Smart Life do Docomo và đối tác trong lĩnh vực giải trí, tài chính, thanh toán, bảo hiểm và y tế cùng phát triển. Nhà mạng tiếp tục mở rộng các dịch vụ. Trong mảng giải trí, Docomo giới thiệu dịch vụ stream video Lemino, đặt mục tiêu đạt 20 triệu người dùng tích cực hàng tháng “sớm nhất có thể” và thành lập một bộ phận sản xuất nội dung có tên NTT Docomo Studio & Live.

Công ty mẹ của Docomo, NTT, cũng cấu trúc lại mảng kinh doanh nội địa, quốc tế để phục vụ doanh nghiệp. Hãng dự định tận dụng 5G và hợp tác hơn nữa với nhà cung cấp dịch vụ tích hợp hệ thống, phần mềm doanh nghiệp để đáp ứng nhiều nhu cầu hơn.

Axiata

Hai bộ phận kinh doanh kỹ thuật số của nhà mạng Malaysia cho kết quả trái chiều năm 2022. Mảng fintech Boost – cung cấp dịch vụ tài chính tại 7 nước Đông Nam Á – ghi nhận doanh thu tăng 87,5% so với năm 2021 nhờ các khoản thanh toán ngoại tuyến và giải ngân khoản vay cao hơn. Số người dùng ví điện tử Boost Life tăng 7,4% lên 10,4 triệu.

Dù vậy, doanh thu bộ phận phân tích, dữ liệu, quảng cáo (ada) – cung cấp giải pháp tiếp thị, phân tích, kỹ thuật số tích hợp tại 10 thị trường – lại giảm 1,7% trong cùng kỳ do người dùng giảm chi tiêu cho giải pháp tiếp thị kỹ thuật số.

(Theo TM Forum)