Sissie Hsiao, Phó Chủ tịch kiêm người đứng đầu bộ phận kinh doanh Google Assistant đã thông báo các nội dung thay đổi đối với “đội ngũ Assistant và Bard” theo định hướng ưu tiên nhiều hơn cho công nghệ AI của hãng.

Jianchang “JC” Mao, lãnh đạo cấp cao đơn vị Google Assistant, người giúp “định hình tính năng trợ lý” của gã khổng lồ tìm kiếm, sẽ nghỉ việc vì lý do cá nhân. Người thay thế là Peeyush Ranjan, chuyên gia kỳ cựu đã làm việc tại Google trong 16 năm, từng giữ vị trí Phó Chủ tịch Thương mại Google phụ trách giám sát các khoản thanh toán của công ty.

Bộ phận Google Assistant được giao ưu tiên tập trung phát triển ứng dụng công nghệ Bard AI

“Công ty muốn đảm bảo hỗ trợ tối đa nhóm Bard tiếp tục công việc của mình”, Hsiao cho biết. “Năm nay là thời điểm hơn bao giờ hết công ty tập trung tạo ra ảnh hưởng tới khách hàng của mình”.

Ngoài ra, Amar Subramanya, Phó Chủ tịch kỹ thuật bộ phận Google Assistant được giao lãnh đạo kỹ thuật nhóm Bard, còn người tiền nhiệm Trevor Strohman sẽ tiếp tục với vị trí “Trưởng nhóm công nghệ khu vực”.

Google Assistant là ứng dụng phần mềm trợ lý ảo được hỗ trợ bởi AI và phần mềm xử lý ngôn ngữ tương tự như Apple Siri hay Amazon Alexa. Thường được biết đến nhiều ở dạng giọng nói, Assistant được dùng chủ yếu trên thiết bị di động và thiết bị gia đình, chẳng hạn như smartphone hoặc loa thông minh. Ứng dụng này cũng có thể được sử dụng trong smartwatch, màn hình thông minh, TV và các phương tiện giao thông thông qua nền tảng Android Auto.

Google đã chính thức phát hành “thử nghiệm” rộng rãi Bard để cạnh tranh với ChatGPT. Trước đó, công ty đã thực hiện điều chuyển nhiều nhân sự từ các bộ phận khác sang để ưu tiên phát triển công nghệ này. Dù vậy, đến nay vẫn còn dấu hỏi lớn về cách sử dụng công nghệ này để tạo ra doanh thu.

“Lợi thế không công bằng”

Trong khi đó, bộ phận Google Cloud vừa lên tiếng chỉ trích các thoả thuận sắp tới của Microsoft tại châu Âu. Hiện công ty đang phải bám đuổi 2 tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực điện toán đám mây là Amazon và gã khổng lồ sản xuất Windows.

Google cho rằng các thoả thuận Microsoft sắp thực hiện với những nhà cung cấp dịch vụ đám mây nhỏ hơn tại châu Âu có dấu hiệu vi phạm chống độc quyền

Lĩnh vực đám mây gần đây đang thu hút sự chú ý của cơ quan quản lý tại Mỹ và Anh do sự thống trị của một số công ty trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đã và đang chuyển dịch “lên mây”.

Microsoft đã tiến hành đàm phán với một số đối thủ nhỏ hơn tại châu Âu để ngăn chặn các cuộc điều tra độc quyền tiềm tàng tại EU.

“Microsoft đang cho thấy tinh thần đi ngược cạnh tranh công bằng trong lĩnh vực đám mây. Họ đang tận dụng lợi thế ở các mảng kinh doanh chủ chốt khác như Office 365 và Windows để ràng buộc người dùng sử dụng Azure”, Amit Zavery, Phó Chủ tịch Google phụ trách nền tảng và đám mây, bình luận.

Zavery nói rằng các thoả thuận mà Microsoft sắp tiến hành với các nhà cung cấp dịch vụ nhỏ hơn ở châu Âu chỉ mang lại lợi ích cho gã khổng lồ phần mềm.

“Họ đang mua chuộc có chọn lọc những người phản đối thay vì áp dụng các điều khoản tương tự với tất cả các bên”, lãnh đạo Google cho biết.

Theo đó, Google thúc giục cơ quan quản lý xem xét vấn đề “toàn diện” thay vì để Microsoft “dàn xếp” với các nhà cung cấp đám mây nhỏ hơn.

Hiện Uỷ ban châu Âu đã từ chối bình luận về vấn đề này.

Trong khi đó, Microsoft vẫn còn phải đối mặt với các khiếu nại chống độc quyền khác tại EU từ CISPE (các nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng đám mây tại châu Âu) mà Amazon cũng là một thành viên. Hiệp hội thương mại này đã từ chối đề xuất gần nhất của Microsoft.

Theo CNBC, Reuters