Cột mốc đáng chú ý

Kurzweil đã xây dựng nhiều chatbot, trong đó có một AI tên là Danielle dựa trên cuốn tiểu thuyết mà ông đang viết vào thời điểm đó.

Ray Kurzweil, nhà khoa học máy tính đưa ra khái niệm "điểm kỳ dị công nghệ", thời điểm trong tương lai máy móc vượt qua trí thông minh của con người.

Google cũng mua lại công ty trí tuệ nhân tạo DeepMind của Anh, công ty có sứ mệnh tương tự là tạo ra trí thông minh nhân tạo nói chung hoặc phần mềm có thể phản ánh khả năng tinh thần của con người.

Trước tầm vóc ngày càng lớn của Google trong lĩnh vực AI, một nhóm doanh nhân và nhà đầu tư công nghệ bao gồm cả Elon Musk đã thành lập OpenAI vào năm 2015. Ban đầu công ty này được cấu trúc như một tổ chức phi lợi nhuận, với sứ mệnh đảm bảo rằng AI được sử dụng vì lợi ích của nhân loại, không trở thành con mồi cho những lợi ích thương mại.

Năm 2018, Google cam kết không phát triển công nghệ AI dùng cho mục đích quân sự, sau phản ứng dữ dội của nhân viên đối với “Dự án Maven”, thoả thuận mà gã khổng lồ tìm kiếm ký kết với Bộ Quốc phòng Mỹ liên quan đến việc sử dụng AI tự động xác định và theo dõi các mục tiêu của máy bay không người lái tiềm năng.

CEO Pichai cũng công bố bộ 7 nguyên tắc liên quan AI, làm kim chỉ nam cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ này. Những hướng dẫn được thiết kế nhằm hạn chế sự phổ biến của các công nghệ có thành kiến không công bằng, chẳng hạn như các công cụ AI phải chịu trách nhiệm trước mọi người và “được xây dựng và thử nghiệm để đảm bảo an toàn”.

De Freitas, một kỹ sư gốc Brazil làm việc trên nền tảng video YouTube của Google, đã bắt đầu một dự án phụ về AI. Một chatbot có thể bắt chước cuộc trò chuyện của con người giống nhất từ trước đến nay đã ra đời.

Trong nhiều năm, dự án ban đầu có tên là Meena, vẫn nằm trong vòng bí mật trong khi De Freitas và các nhà nghiên cứu khác của Google điều chỉnh các phản hồi của nó. Trong nội bộ, một số nhân viên lo lắng về rủi ro của những chương trình như vậy sau khi Microsoft buộc phải chấm dứt phát hành công khai một chatbot có tên Tay vào năm 2016 sau khi người dùng “dạy” cho nó những kiến thức sai trái, chẳng hạn như ủng hộ Adolf Hitler.

Thông tin về Meena xuất hiện lần đầu tiên ra bên ngoài vào năm 2020, một bài báo nghiên cứu của Google cho biết chatbot này đã được cung cấp 40 tỷ từ qua các cuộc trò chuyện công khai trên mạng xã hội. Tuy nhiên, gã khổng lồ tìm kiếm từ chối đề xuất phát hành Meena, kể cả ở định dạng hạn chế với lý do chatbot không đáp ứng các nguyên tắc AI của công ty về sự an toàn và công bằng.

Noam Shazeer và Daniel De Freitas, 2 kỹ sư đặt nền móng cho phát triển LaMDA tại Google

Các dự án chatbot vẫn được tiếp tục. Shazeer, một kỹ sư phần mềm lâu năm tại đơn vị nghiên cứu AI Google Brain, đã tham gia dự án mà họ đổi tên thành LaMDA - Mô hình Ngôn ngữ cho Ứng dụng Đối thoại. Họ đã đưa vào đó nhiều dữ liệu và sức mạnh tính toán hơn. Shazeer đã giúp phát triển Transformer, một loại mô hình AI mới được quảng cáo rộng rãi giúp dễ dàng xây dựng các thuật toán ngày càng mạnh mẽ tương tự như chương trình đằng sau ChatGPT.

Những tranh cãi

Timnit Gebru, một nhà nghiên cứu đạo đức AI nổi tiếng tại Google, cho biết vào cuối năm 2020, cô đã bị sa thải vì từ chối rút lại bài báo nghiên cứu về những rủi ro vốn có trong các chương trình như LaMDA và sau đó phàn nàn về điều đó trong email gửi cho đồng nghiệp. 

Tháng 5/2021, gã khổng lồ tìm kiếm khẳng định sẽ tăng gấp đôi quy mô của nhóm đạo đức AI. Công ty nhấn mạnh những nỗ lực của mình để làm cho chatbot chính xác hơn và giảm thiểu khả năng nó có thể bị lạm dụng.

“Ưu tiên cao nhất của chúng tôi, khi tạo ra các công nghệ như LaMDA, là làm việc để đảm bảo chúng tôi giảm thiểu những rủi ro như vậy”, hai phó chủ tịch của Google cho biết trong một bài đăng trên blog vào thời điểm đó.

Blake Lemoine, kỹ sư từng bị Google cho thôi việc vì tuyên bố AI công ty đang nghiên cứu đã "có tri giác". Kết luận của Lemoine gây ra tranh cãi trong nội bộ và đến mức gã khổng lồ tìm kiếm đã tạm thời dừng phát hành 1 phiên bản LaMDA tại hội nghị hàng đầu thường niên vào tháng 5/2022. Google cho biết những lo ngại của Lemoine là không có cơ sở và tiết lộ công khai của ông đã vi phạm các chính sách về việc làm và bảo mật dữ liệu.

Từ năm 2020, De Freitas và Shazeer cũng tìm cách tích hợp LaMDA vào Google Assistant (Trợ lý ảo), một ứng dụng phần mềm mà công ty đã ra mắt bốn năm trước trên điện thoại thông minh Pixel và hệ thống loa gia đình. Hơn 500 triệu người đang sử dụng Trợ lý mỗi tháng để thực hiện các tác vụ cơ bản như kiểm tra thời tiết và lên lịch các cuộc hẹn.

Nhóm giám sát Trợ lý đã bắt đầu tiến hành các thử nghiệm bằng cách sử dụng LaMDA để trả lời các câu hỏi của người dùng. Tuy nhiên, các giám đốc điều hành của Google đã ngừng cung cấp chatbot dưới dạng bản demo công khai, nguồn tin của WSJ cho hay.

Những người này cho biết việc Google miễn cưỡng phát hành LaMDA ra công chúng đã khiến De Freitas và Shazeer thất vọng, họ đã từng bước rời công ty và bắt đầu làm việc với một công ty khởi nghiệp sử dụng công nghệ tương tự.

Đích thân CEO Pichai đã can thiệp, yêu cầu cặp đôi ở lại và tiếp tục làm việc trên LaMDA nhưng không đưa ra lời hứa sẽ phát hành chatbot ra công chúng, những người này cho biết. De Freitas và Shazeer rời Google vào cuối năm 2021 và thành lập công ty khởi nghiệp mới của họ, Character Technologies Inc., vào tháng 11 năm đó.

Việc Microsoft đạt được thỏa thuận mới với OpenAI, buộc Google phải đưa ra một số động thái khẳng định vị thế nhà phát triển AI hàng đầu của mình.

Gã khổng lồ tìm kiếm công bố Bard vào tháng 2 vừa qua, trước thềm sự kiện của Microsoft giới thiệu tích hợp công nghệ OpenAI lên trình tìm kiếm Bing. 

Theo WSJ