Hà Nội sẽ tích hợp kế hoạch phát triển hạ tầng số vào quy hoạch thành phố

Lễ ký kết chương trình phối hợp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông và phát triển hạ tầng số giai đoạn 2020 – 2025 giữa Sở TT&TT Hà Nội với Cục Bưu điện Trung ương, Cục Viễn thông.

Trao đổi tại sự kiện, Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Thanh Liêm đã nêu những đề xuất, kiến nghị của Sở với 2 cơ quan của Bộ TT&TT về một số vấn đề nổi bật trong quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông, Internet cũng như việc phát triển hạ tầng tại địa phương.

Cụ thể, nhấn mạnh tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác là vấn nạn rất nhức nhối, ông Liêm kiến nghị Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục Viễn thông hướng dẫn để Hà Nội là điểm nhấn đầu tiên ra quân triển khai Nghị định 91/2020 của Chính phủ. “Chúng tôi cũng đề nghị các nhà mạng tới đây sẽ phối hợp với Sở TT&TT trong việc thực hiện công tác này”, ông Liêm nói.

Hà Nội hợp tác thúc đẩy phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi số
Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội mong muốn chương trình phối hợp với Cục Viễn thông, Cục Bưu điện Trung ương sẽ được triển khai thiết thực, hiệu quả trong thời gian tới.

Về phát triển các trạm thu phát sóng thông tin di động (trạm BTS), ông Liêm đề nghị Cục Viễn thông sớm tham mưu Lãnh đạo Bộ TT&TT báo cáo Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về việc xây dựng, lắp đặt các trạm viễn thông và cột ăng-ten của các doanh nghiệp xây dựng trên đất công, trụ sở công, công trình công, địa điểm công trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp Sở TT&TT đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông sử dụng chung cơ sở hạ tầng theo Biên bản ký kết giữa Cục Viễn thông với các doanh nghiệp và kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật về hạ tầng kỹ thuật để sử dụng chung.

Đặc biệt, đại diện Sở TT&TT Hà Nội cũng kiến nghị Cục Viễn thông hướng dẫn Sở trong việc xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn, định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giai đoạn 2021-2030 để tích hợp vào Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việc này nhằm đảm bảo các mục tiêu cụ thể gồm: Chương trình thúc đẩy sử dụng điện thoại thông minh, hỗ trợ người dân chuyển đổi sang sử dụng smartphone; cung cấp dịch vụ băng rộng cố định (cáp quang) đến 100% hộ gia đình, hạ ngầm cáp viễn thông tại các tuyến phố trên địa bàn thành phố; và triển khai mạng 5G, cung cấp dịch vụ Mobile Money, thanh toán dịch vụ công, dịch vụ công cộng.

Đối với Cục Bưu điện Trung ương, Sở TT&TT Hà Nội đề nghị Cục và các đơn vị liên quan phối hợp Sở đánh giá hiện trạng mạng diện rộng của thành phố (mạng WAN) và xây dựng mô hình mạng tổng thể phương án kết nối nhằm đảm bảo công tác giám sát an toàn, an ninh thông tin cũng như hiệu quả đầu tư.

Tăng cường phối hợp xử lý các vấn đề nóng của lĩnh vực

Tại sự kiện, lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội, Cục Viễn thông và Cục Bưu điện Trung ương đã thống nhất các nội dung và ký kết chương trình phối hợp cho giai đoạn 2020 – 2025.

Trong đó, chương trình phối hợp giữa Sở  TT&TT Hà Nội và Cục Bưu điện Trung ương nhằm tăng cường sự phối hợp để thúc đẩy phát triển lĩnh vực bưu chính và viễn thông phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn Hà Nội.

Ba nội dung chính sẽ được hai cơ quan tập trung hợp tác trong thời gian tới gồm có: phối hợp trong công tác tham mưu, thúc đẩy dịch vụ bưu chính phục vụ cơ quan đảng, Nhà nước trên địa bàn Hà Nội; phối hợp trong công tác tham mưu xây dựng, quản lý mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước; và phối hợp trong đào tạo, tập huấn và chia sẻ cơ sở dữ liệu liên quan đến mạng bưu chính, viễn thông phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước.

Hà Nội hợp tác thúc đẩy phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi số
Cục trưởng Cục Viễn thông Hoàng Minh Cường, Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Thanh Liêm và Cục trưởng Cục Bưu điện Trung ương Trần Duy Ninh (từ trái qua phải) ký kết chương trình phối hợp.

Mục đích của chương trình phối hợp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về viễn thông và phát triển hạ tầng số giai đoạn 2020-2025 giữa Sở TT&TT Hà Nội và Cục Viễn thông là bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước lĩnh vực viễn thông, Internet, hạ tầng viễn thông – CNTT. Phát triển hạ tầng số tiên tiến, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế số của Hà Nội.

Chương trình cũng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực thi cơ chế chính sách, quy định pháp luật lĩnh vực được giao quản lý, tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ dữ liệu liên quan đến hoạt động viễn thông, hạ tầng viễn thông để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này trên địa bàn thành phố.

Theo nội dung Chương trình, bên cạnh việc phối hợp xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, Cục Viễn thông và Sở TT&TT Hà Nội cũng sẽ phối hợp trong triển khai chính sách, pháp luật trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, Cục Viễn thông sẽ hỗ trợ, hướng dẫn Sở TT&TT Hà Nội triển khai có trọng tâm, hiệu quả các chương trình quốc gia thuộc lĩnh vực quản lý trên địa bàn thành phố; đi đầu trong triển khai, ứng dụng các công nghệ hiện đại và các dịch vụ mới trên nền tảng hạ tầng số phục vụ cho hoạt động kinh tế số trên địa bàn thành phố; thực hiện các mục tiêu phát triển của thành phố như cung cấp dịch vụ băng rộng cố định (cáp quang) đến 100% hộ gia đình, hạ ngầm cáp viễn thông tại các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội…

Thời gian tới, Cục Viễn thông và Sở TT&TT Hà Nội cũng sẽ hợp tác, phối hợp trong công tác thực thi quản lý nhà nước; xử lý, giải quyết vấn đề nóng của lĩnh vực; chia sẻ thông tin và hợp tác nâng cao trình độ đội ngũ. 

Theo Sở TT&TT Hà Nội, từ năm 2010 đến nay, Sở đã đề nghị các nhà mạng tạm ngừng cung cấp dịch vụ 17.580 số điện thoại quảng cáo rao vặt sai quy định, 973 số điện thoại phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo; tịch thu 9.247 SIM đã kích hoạt và đăng ký thông tin không chính xác. Ngoài ra, các nhà mạng trên địa bàn đã thu hồi 1.763.373 SIM đã kích hoạt trước, ngăn chặn 630.023 thuê bao trả trước phát tán tin nhắn rác.

Tính đến cuối tháng 9/2020, địa bàn Hà Nội đã có 10.300 trạm BTS, trong đó có 8.900 trạm 3G và 4G; gần 3.200 trạm dùng chung cơ sở hạ tầng, khoảng 1.000 trạm lắp đặt tại khu vực đất công. Từ năm 2015 đến nay, đã chỉnh trang, bó gọn dây cáp đi nổi trên 980 tuyến phố, ngõ, phố chưa đủ điều kiện hạ ngầm. Cùng với đó, Hà Nội hiện đã xây dựng xong công trình ngầm trên 150/255 tuyến phố.

 M.T

Đánh giá và công bố xếp hạng chuyển đổi số các bộ, tỉnh từ năm 2021

Đánh giá và công bố xếp hạng chuyển đổi số các bộ, tỉnh từ năm 2021

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, bắt đầu từ năm 2021, thực hiện đánh giá, công bố xếp hạng chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương hàng năm.