XEM CLIP:

Các "gông" là bộ đai, cọc bằng sắt để chống đỡ cây mới trồng. Khi cây lớn, các đai này lại trở thành "gông" thít chặt vào thân cây, gây khó khăn trong quá trình sinh trưởng, phát triển. 

Theo người dân, cách đây hơn 3 năm, phố Hạ Đình được mở rộng khang trang sạch đẹp hơn, phần vỉa hè được trồng thêm hàng cây bàng Đài Loan. Khi cây lớn, công nhân trồng cây không nới vòng sắt.

Bà Nguyễn Bích Loan (Hạ Đình, Thanh Xuân) cho biết: “Tôi thấy nhiều cây bị thít vòng sắt như bị siết cổ ấy, nhìn rất xót xa”.

Đồng quan điểm với bà Loan, người dân sinh sống tại số nhà 38, ngách 44/460 Khương Đình cho biết: “Chúng tôi không biết ai quản lý hàng cây này. Từ khi trồng đến nay không thấy ai đến cắt tỉa hay chăm sóc".

Người này cũng cho biết, tập thể người dân sinh sống tại đây đã nhiều lần đề đạt lên tổ dân phố để có biện pháp tháo đai sắt cho cây nhưng chưa có phản hồi.

Người dân quanh khu vực thường xuyên tưới nước cho cây
Nhiều cây, phần vỏ đã bao trùm lên vòng sắt
Có cây đã bị mất các chân chống nhưng vòng sắt vẫn còn nguyên
Phần chân sắt chống đã bị cây nhấc lên khỏi mặt đất

"Chúng tôi tự hô hào nhau tháo vòng đai sắt nhưng phần vì không có dụng cụ, phần vì sợ tự ý tháo bỏ sẽ bị phạt nên chỉ dám tháo ốc vít ra cho cây phát triển", một phụ nữ cho biết.

Trước đó, báo VietNamNet đã phản ánh tình trạng cây xanh bị "gông" sắt bóp nghẹt ở tuyến đường quốc lộ 5 đoạn qua quận Long Biên, huyện Gia Lâm và trên đường Phạm Văn Đồng. Sau đó, Sở Xây dựng đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị được giao quản lý cây bóng mát kiểm tra, rà soát, gia cố cọc chống, nới đai hoặc thay đai sắt của cây bóng mát.