Phát triển hạ tầng, tăng tốc thu hút đầu tư

Hậu Giang là tỉnh có lợi thế đặc trưng của vùng ĐBSCL - vùng nguyên liệu nông, thủy sản lớn nhất của cả nước, là trung tâm kết nối giao thông, vận tải thủy bộ, thương mại - dịch vụ, logistics của vùng Nam Sông Hậu.

{keywords}
 Giao thông thủy - bộ tạo lợi thế cho Hậu Giang thu hút đầu tư

Với chiến lược hình thành “thủ phủ công nghiệp miền Tây”, Hậu Giang tích cực triển khai xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, hệ thống tiện ích xã hội… Dự kiến khoảng 113.062 tỉ đồng được tỉnh đổ vào phát triển hạ tầng giao thông kì vọng sẽ mang đến cho địa phương cơ hội phát triển to lớn.

Theo Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp và logistics tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, trong năm 2021 Hậu Giang triển khai 4 dự án giao thông gồm: đường nối thị trấn Ngã Sáu đến đường Nam Sông Hậu; Đường tỉnh 931 (đoạn từ xã Vĩnh Viễn đến đường Vị Thanh - Cần Thơ và đoạn từ xã Vĩnh Viễn đến cầu Xẻo Vẹt); Đường tỉnh 926B kết nối với tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp đoạn đi qua tỉnh Sóc Trăng; mở rộng Quốc lộ 61C nối TP Vị Thanh - TP. Cần Thơ.

Hậu Giang đồng thời cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thủy quan trọng như: kênh Nàng Mau; kênh Lái Hiếu, Cái Côn, Xà No...

Những dự án này sẽ giúp kết nối và rút ngắn đáng kể thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp đến TP.HCM, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh và Sóc Trăng…

Bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang cũng triển khai đầu tư hệ thống hạ tầng cụm công nghiệp tập trung, các khu tái định cư như: CCN Phú Hữu A giai đoạn 3 (80ha), CCN Nhơn Nghĩa A (100 ha), dự án Khu tái định cư Đông Phú, dự án Khu tái định cư nhà ở xã hội Nhơn Nghĩa A giai đoạn 1... 

Trong dịch Covid-19 vẫn thu hút mạnh đầu tư

Theo Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Hậu Giang, 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 38 dự án được cấp chủ trương đầu tư với tổng số vốn gần 5.000 tỷ đồng (tăng 27 dự án và 3.199 tỷ đồng vốn đăng ký so cùng kỳ). Đây là năm mà số dự án thu hút đầu tư vào tỉnh tăng mạnh.

Lũy kế từ trước đến nay, toàn tỉnh có 405 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 135.400 tỷ đồng. Trong số này có 34 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký 688,7 triệu USD.

Hậu Giang hiện có 2 KCN tập trung và 4 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 900 ha với 61 dự án tổng vốn đăng ký trên 90.000 tỷ đồng. Nhiều thương hiệu uy tín, nổi tiếng trong và ngoài nước đã đến đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh góp phần lớn trong phát triển kinh tế xã hội tại Hậu Giang cũng như khởi sắc miền Tây. Có thể kể đến tập đoàn chế biến thủy sản xuất khẩu Minh Phú, Masan, Vingroup, công ty sản xuất giấy - bao bì Lee & Man Việt Nam, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu...

{keywords}
 Xưởng chế biến thủy sản xuất khẩu trong KCN Sông Hậu (huyện Châu Thành, Hậu Giang) - nơi có tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%

Do Hậu Giang là địa phương thuộc diện vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nên nhà đầu tư khi đầu tư vào Hậu Giang được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp (10%) cho 15 năm, trong đó 4 năm đầu miễn phí 0%; 9 năm tiếp theo giảm 50% và giảm 10 % trong 2 năm tiếp theo.

Ngoài ra, giá thuê đất trong các KCN ở Hậu Giang cũng thấp hơn các địa phương lân cận là lý do khiến ngày càng nhiều nhà đầu tư chọn Hậu Giang làm “bến đỗ” ngay trong dịch Covid-19.

Đổi mới tư duy: từ 'quản lý' sang 'hỗ trợ'

Để thu hút dòng vốn đầu tư mạnh ngay trong thời gian dịch bệnh Co-vid-19 diễn biến phức tạp, "điều quan trọng nhất là thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cũng như các cấp đã thay đổi kiểu tư duy 'quản lý' sang tư duy 'hỗ trợ', thay đổi trong phương thức làm việc và tiếp cận doanh nghiệp, nhà đầu tư để có giải pháp hiệu quả nhất", ông Trương Cảnh Tuyên - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang nói.

Đó là, tập trung tổ chức rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thành lập trung tâm hành chính công, tăng cường áp dụng dịch vụ công trực tuyến; công khai danh mục các dự án thu hút đầu tư; tăng cường đối thoại với nhà đầu tư, doanh nghiệp... Đồng thời, Hậu Giang triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thị, thành phố; lập các tổ chuyên môn giải quyết và hỗ trợ các vấn đề liên quan về xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại - xuất khẩu hàng hóa, vùng nguyên liệu...

Ông Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang khẳng định, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh trạnh cấp tỉnh, phấn đấu chỉ số PCI của tỉnh nằm trong nhóm có chất lượng điều hành tốt so với cả nước. Ngoài việc triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Hậu Giang tiếp thực hiện có hiệu quả các đề án, chính sách riêng của tỉnh trong thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh như: đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách khuyến công; khuyến khích đầu tư..., quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ kép, đặc biệt trong thu hút vốn đầu tư.

Minh Ngọc