Là cha mẹ, nếu ai có nhiều hơn một đứa con, sẽ biết rất rõ rằng trải nghiệm sinh nở mỗi lần đều khác nhau và mỗi đứa trẻ sẽ là một cá thể duy nhất. Mặc dù hai đứa trẻ có cùng cha mẹ, lớn lên trong cùng một gia đình, cùng khu phố, học cùng trường và chơi với cùng bạn bè nhưng chúng có thể trở nên rất khác nhau, mỗi đứa có một tính cách khác biệt, có thị hiếu, sở thích, tài năng riêng... Mỗi đứa trẻ là một cá thể duy nhất.
Chúng ta không ở đây để quyết định đứa trẻ nên trở thành người như thế nào. Chúng ta ở đây để tạo điều kiện tốt nhất có thể giúp đứa trẻ dần dần tìm thấy sứ mệnh và số phận của chính mình.
Cuốn sách Happy children - Hiểu về sự phát triển của trẻ để nuôi dạy con an lạc và hạnh phúc của GS. Hà Vĩnh Thọ chia làm ba phần.
Phần đầu tiên - Hiểu về sự phát triển của trẻ - trình bày ba giai đoạn phát triển chính, bao gồm: thời thơ ấu, tuổi tiểu học và thanh thiếu niên dựa theo những hiểu biết lấy từ nghiên cứu của Steiner, công trình của Remo Largo, kết luận của một số nghiên cứu khoa học gần đây. Bên cạnh đó, nó cũng dựa trên quan sát và trải nghiệm của chính tác giả. Phần này thiên về lý thuyết nhiều hơn, bởi người viết cho rằng để đồng hành với trẻ trong quá trình phát triển, điều quan trọng là chúng ta phải có hiểu biết đúng đắn.
Phần thứ hai - Nuôi dạy con với sự chú tâm - cung cấp ví dụ thực tiễn về việc áp dụng những hiểu biết chuyên sâu vào bối cảnh gia đình. Phần này dựa trên niềm tin rằng giáo dục bắt đầu với việc tự học. Do đó, có rất nhiều bài tập dành cho phụ huynh và nhà giáo để phát triển “kỹ năng hạnh phúc”, còn được gọi là kỹ năng chú tâm và các kỹ năng giáo dục cảm xúc - xã hội. Những bài tập thực hành này có thể áp dụng cho trẻ.
Phần thứ ba - Trường học hạnh phúc - giải thích những khía cạnh chính trong giáo trình và cách thức chương trình được triển khai tại Việt Nam cũng như các nước khác.
GS. Hà Vĩnh Thọ - người Pháp gốc Việt sinh sống tại Thụy Sĩ - từng làm việc cho Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế tại các vùng chiến sự ở châu Á, Trung Đông, châu Phi và châu Âu trước khi trở thành Giám đốc chương trình của Trung tâm Tổng hạnh phúc quốc gia ở Bhutan.
Ông là giáo sư thỉnh giảng một số trường đại học ở Bỉ, Đức và Thụy Sĩ; Chủ tịch Học viện Eurasia về Hạnh phúc và An sinh. Hơn 20 năm qua, ông và các cộng sự đã âm thầm đào tạo chuyên môn cho giáo viên về giáo dục đặc biệt tại quê nhà Thừa Thiên Huế, mới nhất là những khóa tập huấn “trường học hạnh phúc” vừa kết thúc thí điểm sau 4 năm lan tỏa ở các trường phổ thông.