“Tại sao con người lại trở nên cô đơn đến như vậy và chúng ta phải làm gì để xích lại gần nhau” chính là nội dung của cuốn sách này.
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra trong Thế kỷ cô đơn: Vì sao càng kết nối bằng công nghệ, người ta càng thấy cô đơn? Vì sao người trẻ ngày càng “lười” giao tiếp trực tiếp? Làm việc từ xa, liệu có tốt cho sức khỏe tâm thần?...
Nhưng trước hết, bạn hãy trả lời 20 câu hỏi trắc nghiệm theo Thang đo mức độ cô đơn của UCLA phát triển lần đầu tiên vào năm 1978 bởi bộ ba nhà nghiên cứu - đây là một công cụ định lượng đo lường những cảm giác chủ quan của sự cô đơn - để biết trạng thái cảm xúc của bản thân.
Đây là một tác phẩm khoa học xã hội được viết với số liệu, thông tin từ hàng trăm nguồn dữ liệu có giá trị, mang đến cho độc giả cái nhìn tổng quát về các mối quan hệ xã hội ở trên toàn cầu. Sách gồm 11 chương, bắt đầu từ khái quát chung về lý do vì sao thế kỷ 21 bị coi là “thế kỷ cô đơn”, cho đến ảnh hưởng của sự cô đơn đến sức khỏe của con người. Những thử nghiệm khoa học với động vật bị cô lập bắt buộc, lý giải nguyên nhân vì sao càng ở thành phố lớn và đông đúc, con người càng cô độc.
Ngay từ trước khi có đại dịch Covid 19, chúng ta đã tự cô lập vì nhiều lý do: tổ chức lại nơi làm việc, sự di cư ồ ạt từ thôn quê lên thành phố, quan điểm đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể... Sự cô đơn đã và đang trở thành một vấn nạn xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe, tiền tài và hạnh phúc của con người. Không ít người thường xuyên ăn cơm với… chiếc điện thoại, cuối tuần dành thời gian online hơn là ra ngoài hít thở không khí.
Chính những thống kê xã hội cụ thể trong cuốn sách đã khẳng định được thực tế: Chưa bao giờ "đại dịch cô đơn" lan rộng như lúc này.
Sarah Jane Blakemore, Giáo sư tâm lý học, Đại học Cambridge nhận xét: “Trong cuốn sách này, Noreena Hertz đã mô tả những tác động về thể chất, tinh thần, kinh tế và xã hội của sự cô đơn. Cuốn sách không chỉ cung cấp một khảo sát với nhiều bằng chứng hấp dẫn, mà còn là một lời kêu gọi hành động mạnh mẽ tới chính phủ các nước, các doanh nghiệp, xã hội và mỗi người chúng ta - để giải quyết và xoa dịu cuộc khủng hoảng cô đơn, xây dựng một thế giới đoàn kết và tử tế hơn”.
Nỗi cô đơn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn tác động đến cả thể chất, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư và sa sút trí tuệ. Theo thống kê, sự cô đơn có hại tương đương với việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày. Điểm đáng lưu ý là điều này không hề phụ thuộc vào mức lương, giới tính, tuổi tác hay quốc tịch.
Ngoài ra, sự cô đơn đem đến cuộc khủng hoảng kinh tế, gây ra thiệt hại trị giá hàng tỷ USD mỗi năm. Nó cũng góp phần gây ra khủng hoảng chính trị, bởi cảm giác bị bỏ rơi sẽ thúc đẩy sự chia rẽ và chủ nghĩa cực đoan.
Kết hợp một thập kỷ nghiên cứu kết hợp với nhiều thông tin chi tiết, tác giả Noreena Hertz đưa người đọc đi từ lớp học cách giao tiếp tại một trường đại học thuộc Khối Ivy nổi tiếng đến những người làm việc từ xa ở London bị cô lập trong đại dịch Covid-19; hay từ những người đi thuê bạn bè ở Mỹ đến các cụ ông, cụ bà sống trong một viện dưỡng lão ở Nhật Bản đan mũ len cho robot chăm sóc họ.
Thế kỷ cô đơn sẽ cung cấp các giải pháp táo bạo để giải quyết vấn nạn trên như AI nhân ái, các mô hình sáng tạo cho cuộc sống đô thị... Cuốn sách mang đến một tầm nhìn đầy hy vọng và cảm hứng về cách chữa lành những cộng đồng bị chia rẽ và giúp con người xích lại gần nhau hơn.
Noreena Herts là nhà tư tưởng, học giả và phát thanh viên nổi tiếng. Bà được tuần báo The Observer vinh danh là “Một trong những nhà tư tưởng hàng đầu thế giới” và được tạp chí Vogue chọn là “một trong những phụ nữ truyền cảm hứng nhất thế giới”. Sách của bà được xuất bản ở hơn 20 quốc gia.