Rót lời đường mật

“Vì rất nhiều lý do mà bạn bị mắc phải nợ xấu, cả khách quan lẫn chủ quan. Chúng tôi thông cảm với hoàn cảnh của bạn, vì vậy sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để bạn có thể được hỗ trợ giải quyết nợ xấu, thông qua vay tiền nhanh” .

“Bạn đang gặp khó khăn, không có khả năng thanh toán những khoản nợ ngân hàng đã đến hạn. Nợ xấu có tác hại vô cùng to lớn, ảnh hưởng đến việc vay vốn của bạn trong tương lai. Chúng tôi có thể giúp bạn giải quyết vấn đề này nhanh chóng. Thủ tục vay tiền đơn giản, lãi suất thấp, đội ngũ nhân viên tư vấn nhiệt tình”.

“Bạn là giám đốc DN, nhân viên kinh doanh, nhân viên văn phòng, công nhân, nội trợ, lao động tự do, tiểu thương,... đang bị nợ xấu cần tiền gấp. Hãy cứ gọi cho chúng tôi, mọi thắc mắc của bạn sẽ được giải quyết ngay lập tức”,...

Những lời quảng cáo “đường mật” kiểu này đang xuất hiện trên nhiều trang mạng khi dịch Covid-19 diễn ra.

{keywords}
Những lời quảng cáo đường mật dụ người vay rơi vào bẫy

Thực chất đây chính là những đường dây cho vay nặng lãi, mượn cớ hỗ trợ giải quyết nợ xấu để tìm cách tiếp cận với những người gặp khó khăn về tài chính. Trong giai đoạn này, nhiều DN đang gặp khó khăn, doanh thu sụt giảm, mất cân đối tài chính; người lao động mất việc làm thu nhập không còn. Họ có những khoản vay ngân hàng cần trả nợ, nếu không muốn trở thành nợ xấu hoặc bị nợ xấu không thể vay được vốn, rất cần tiền. Các đường dây cho vay nặng lãi đã tận dụng cơ hội này để kiếm lợi.

Thủ tục cho vay rất đơn giản, chỉ cần chứng minh nhân dân, hộ khẩu, hoặc giấy đăng ký kết hôn,... là đã có thể vay được khoản tiền lớn. Số tiền cho vay nhỏ từ 500.000 đồng, lớn lên đến hàng tỷ đồng. Thời hạn vay từ 1 tuần đến hơn 1 năm. Lãi suất cho vay cũng rất hấp dẫn, từ 0% cho đến cao nhất là 18%/năm. Ở đâu cũng có thể vay được, thậm chí không cần gặp mặt chỉ cần tải App về điện thoại di động là xong. Điều này khiến nhiều người đang lúc khó khăn cảm thấy như “chết đuối vớ được cọc”.

Có trang mạng cho hay hàng ngày phải giải quyết hàng trăm hồ sơ, trong đó 30% là hỗ trợ liên quan đến nợ quá hạn và nợ xấu. “Đến với dịch vụ của chúng tôi bạn không những được vay nhanh mà còn được vay không giới hạn. Thời gian hoạt động cho vay là tất cả các ngày trong tuần từ thứ Hai đến Chủ Nhật, kể cả các ngày lễ. Làm việc từ 7 giờ 30 sáng đến 22 giờ tối, sẵn sàng đáp ứng hỗ trợ nợ xấu vay tiền gấp trong ngày”, một trang quảng cáo.

Cạm bẫy chết người

Tìm hiểu qua một trang mạng cam kết cho khách hàng vay lần đầu từ 4 triệu đồng trở xuống, hưởng lãi suất ưu đãi 0%, PV thấy rất nghi ngờ. Bởi các ngân hàng đòi hỏi nhiều thủ tục hơn nhiều cũng hiếm hoi cho vay với lãi suất như vậy. Nhân viên tư vấn khẳng định chắc như đinh đóng cột, nhưng thực chất vẫn là cho vay nặng lãi.

{keywords}
Người vay nếu không trả nợ đúng hạn sẽ bị khủng bố

Chẳng hạn, khách hàng vay 2 triệu đồng trong thời hạn 1 tuần, được hưởng lãi suất 0%, nhưng chỉ nhận được số tiền 1,5 triệu đồng, sau một tuần vẫn phải trả đủ 2 triệu đồng. Số tiền 500.000 đồng bị trừ đi được gọi là phí dịch vụ, phí quản lý tài khoản, phí chuyển khoản... Như vậy, dùng chiêu lãi suất 0% nhưng thực chất các khoản phí mà người vay phải trả, tính theo lãi suất, tương đương 100%/tháng và 1.200%/năm. Đây là lãi suất “cắt cổ”. Hơn nữa, nếu không trả đúng hạn thì sẽ bị phạt với lãi suất từ 2-5%/ngày.

Không những thế, những đường dây này còn đang nhắm tới các DN có nợ xấu với khoản vay lớn. Họ có thể cho vay tới hàng tỷ đồng, lãi suất thấp, chỉ từ 4-6%/năm, thanh toán lãi và gốc tùy chọn. Tuy nhiên, lãi suất trên cũng chỉ là chiêu trò để dụ DN. Thực tế cho vay khi cầm cố giấy phép của công ty cũng vào khoảng từ 3.000-5.000 đồng/1 triệu/ngày, tính ra lên tới từ 9-15%/tháng và 108-180%/năm.Với những khoản vay lên tới hàng tỷ đồng thì khách hàng sẽ phải gánh chịu số tiền lãi rất lớn. Nếu không trả nổi thì nợ sẽ chồng nợ, có nguy cơ phá sản.

Kết cục sẽ đến với những khách không trả nợ đúng hẹn, là khó tránh khỏi bị khủng bố các kiểu. Một số đường dây còn nói rõ: “Nếu đến thời hạn mà anh, chị không thanh toán thì chúng tôi sẽ có nhân viên thu tiền hộ. Họ sẽ tìm các anh chị”. Đây có thể hiểu là một lời đe dọa dành cho các con nợ.

Thời gian qua, cơ quan công an đã triệt phá nhiều đường dây cho vay nặng lãi với lãi suất từ 700%-1.600%/năm. Nhiều nạn nhân kể rằng vì thấy thủ tục cho vay quá đơn giản, lại có tiền ngay, thậm chí người vay và cho vay không hề gặp nhau, đúng lúc đang khó khăn nên đã chấp nhận. Một số người có tâm lý nếu chậm trả nợ cũng không sao. Lúc thẩm định vay, nhân viên ăn nói lịch sự để dụ dỗ người vay chấp nhận, nhưng đến khi bị khủng bố mới thấy sợ. Thực tế, nhiều người khi vay nặng lãi không trả được nợ đã phải phải đi vay của nhóm cho vay nặng lãi khác để trả và cái vòng luẩn quẩn cứ tiếp diễn như vậy. Chỉ với số tiền vay nhỏ ban đầu đã trở thành khoản “nợ khủng” không bao giờ trả hết.

Trong tình hình hiện nay, các đường dây cho vay nặng lãi lại tăng cường hoạt động trở lại. Đánh vào tâm lý nhiều người đang bị nợ xấu và hỗ trợ cho vay lãi suất thấp, họ dụ khách hàng chui vào bẫy. Đây chính là “cạm bẫy chết người” được đặt ra để “săn” những người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính.

Trần Thủy

Vạn người mất việc, nỗi lo khoản nợ ngân hàng

Vạn người mất việc, nỗi lo khoản nợ ngân hàng

Số dư nợ của cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi Covid-19 tại các tổ chức tín dụng đang tăng nhanh. Nhiều lao động mất việc làm, kinh doanh gặp khó khiến rủi ro đối với các khoản vay ngân hàng vay rất lớn.