Thử thách cam go

Theo NY Post, từ Nga, tới Ukraina hay chủ đề luận tội, thời gian của Tổng thống Donald Trump ở Nhà Trắng là vòng tàu lượn chạy liên tục giữa những nguy cơ. Và, ông Trump, giống như một ảo thuật gia chính trị, luôn thoát hiểm nguy rồi trở lại mạnh mẽ hơn trong chiến thắng.

{keywords}
Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: AP)

Nhưng giờ đây mới đến lượt thử thách cam go nhất. Ông đang nỗ lực tái tranh cử thì hỗn loạn công cộng bùng nổ và lan truyền khắp nước Mỹ, khiến nhiều người dân nước này cảm thấy bấp bênh và lo sợ cho tương lai.

Đối với đương kim Tổng thống, kết quả có thể phụ thuộc vào vấn đề hỗn loạn ở mức nào mới là quá nhiều, và liệu các cử tri độc lập có quay lưng lại với ông không?

Bầu cử vốn là cuộc trưng cầu dân ý về tổng thống đương nhiệm. Trước đại dịch Covid-19, ông Trump ngồi ở ghế điều khiển. Nền kinh tế tăng trưởng tốt, thất nghiệp thấp chưa từng có và ông dường như cũng cảm thấy thoải mái với đội ngũ của mình ở Nhà Trắng.  

Phía đảng Dân chủ không thể tìm thấy một vấn đề nào để có thể dựa vào hoặc tìm được một ứng viên nặng ký, cho đến khi ông Joe Biden là gương mặt sáng giá cuối cùng của họ.

Thế nhưng, bầu không khí ở nước Mỹ đã thay đổi chóng mặt chỉ trong 3 tháng qua, với đại dịch Covid-19 khuấy đảo khung cảnh kinh tế và chính trị, mang lại cho ông Biden một cơ hội chiến thắng mới.

Các thành viên Dân chủ và truyền thông của họ quyết “gắn vào cổ” ông Trump từng trường hợp trong tổng số hơn 100.000 ca tử vong vì virus corona chủng mới, và dùng nạn thất nghiệp như bản cáo trạng chống lại nhiệm kỳ của Tổng thống thứ 45.

Họa vô đơn chí

Khi dịch bệnh không còn là tin tức nóng hổi trên báo chí, thì những vấn đề bất ổn khác lại nảy sinh.

Khởi đầu là cái chết thảm của một người da đen ở Minneapolis trong tay các sĩ quan cảnh sát da trắng, và một trong số các sĩ quan này đã bị buộc tội giết người. Biểu tình phản đối cảnh sát và chống phân biệt chủng tộc nhanh chóng biến thành bạo loạn, cướp bóc và đốt phá.

Vệ binh quốc gia được điều động tuần tra trên đường phố, trong khi bạo lực chống cảnh sát cứ thế lan rộng. Một mùa hè nóng nực của bất ổn kéo dài đang phủ bóng.

Trong khi đó, cuộc chiến giữa Tổng thống và ông lớn công nghệ cũng nổ ra. Sau khi Twitter gắn nhãn cảnh báo kiểm chứng thông tin với 2 dòng tweet của Trump, ông đã ký sắc lệnh hành pháp nhằm xóa bỏ tấm chắn pháp lý bảo vệ các mạng xã hội ở Mỹ.

Chủ nhân Nhà Trắng cáo buộc mạng xã hội này đã kiểm duyệt bất công với ông và những người cùng quan điểm, đồng thời chỉ ra rằng các mạng xã hội được trao quá nhiều quyền, dẫn đến tình trạng kiểm soát và vi phạm tự do ngôn luận của người dùng nên cần phải chấn chỉnh.   

Những người mong đợi sự điều tiết chặt chẽ hơn của các công ty công nghệ đã lên tiếng kêu gọi hạn chế quyền truy cập của ông Trump. Việc Tổng thống Mỹ sử dụng quy định có thể sẽ khiến họ biến thành những người bênh vực các quyền miễn trừ pháp lý, từ đó có cơ hội để cáo buộc ông muốn bãi bỏ Tu chính án thứ nhất.

“Quả bom” tuần trước - tuyên bố của ông Trump cắt đứt quan hệ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - cũng có thể gây nhiều hệ lụy. Đó là chưa kể việc nhà lãnh đạo Mỹ lên án Trung Quốc về tình hình ở Hong Kong và nói sẽ chấm dứt đối xử ưu đãi cho đặc khu hành chính. 

Xuyên suốt thông báo ở Vườn Hồng, ngôn ngữ mà Tổng thống Mỹ sử dụng hướng tới Trung Quốc gay gắt hơn thường lệ. Ông cũng không có từ ngữ ấm áp nào dành cho tình bạn với Chủ tịch Tập Cận Bình, cũng không hề bày tỏ sự tin tưởng rằng phần 1 của thỏa thuận thương mại mà hai bên đàm phán vẫn còn nguyên vẹn.

Nhưng vượt qua những vấn đề trên, những hỗn loạn đang hoành hành những ngày qua ở Mỹ được nhận định sẽ là một yếu tố khó đoán nhưng lại mang tính quyết định kết quả bầu cử tổng thống tháng 11 tới. Khoảng 5 tháng nữa, tất cả sẽ ngã ngũ và mọi người sẽ biết được ông Trump có thoát nạn thành công một lần nữa hay không.

Thanh Hảo