Ngân hàng Thương mại Cổ phẩn Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2019 với một kỷ lục mới được ghi nhận trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Theo đó, trong năm 2019, Vietcombank đạt lợi nhuận đạt 23.185 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD).

Như vậy, Vietcombank trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam cán mốc lợi nhuận tỷ USD và kết quả này sớm hơn 1 năm so với dự kiến của chính ngân hàng này. Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2020 tăng 15% lên mức 26,6 ngàn tỷ đồng, tương đương 1,15 tỷ USD.

Giá cổ phiếu VCB đã tăng khoảng 60% trong vòng 1 năm qua, từ mức 55.000 đồng/cp lên mức 88.000 đồng/cp như hiện tại.

Trên sàn chứng khoán, trong năm 2019, dự đoán sẽ có thêm 1 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tỷ USD khác là CTCP Vinhomes (VHM), một công ty của Tập đoàn Vingroup của tỷ phú số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng.

Trong 9 tháng 2019 VHM ghi nhận lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đạt 21 ngàn tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ và đứng vị trí số 1 trong top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất trong các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Nếu top tỷ USD mới chỉ có 1 cái tên thì nhóm tiếp theo trên 10 ngàn tỷ khá đông với sự góp mặt của hầu hết là ngân hàng.

VietinBank cho biết, 2019, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của ngân hàng đạt gần 11,5 nghìn tỷ đồng, tăng 83% so với năm 2019 và vượt 26% so với kế hoạch.

Trong khi đó, BIDV cũng đạt mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay là 10.768 tỷ đồng. Đến cuối năm 2019, BIDV là ngân hàng cổ phần có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam khi tổng tài sản đạt 1,45 triệu tỷ.

Ông Tiết Văn Thành – Tổng Giám đốc Agribank cũng cho biết, cập nhật đến 11 tháng đầu năm, Agribank cũng đã báo lãi lên tới 11.700 tỷ.

Ngoài nhóm 4 ngân hàng quốc doanh, thì khối cổ phần tư nhân ghi nhận thêm Techcombank (TCB) của tỷ phú USD Hồ Hùng Anh được dự báo có lợi nhuận trên 10 ngàn tỷ. Đại diện ngân hàng này trước đó khẳng định sẽ vượt mục tiêu lợi nhuận đặt ra cho 2019 (11,75 ngàn tỷ đồng). Trong 9 tháng đầu 2019, TCB ghi nhận lợi nhuận đạt gần 8,9 ngàn tỷ đồng.

Hai ngân hàng khác nhiều khả năng cũng sẽ đạt lợi nhuận trên 10 ngàn tỷ  là VPBank và MBBank. MBBank gần đây đã có thông tin cho biết trong năm 2019 lợi nhuận ngân hàng này tăng 30% so với 2018 và đạt trên 10 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, VPBank ghi nhận lợi nhuận 11 tháng đạt 9,4 ngàn tỷ đồng. Và mục tiêu vượt 10 ngàn tỷ là điều chắc chắn.

{keywords}
Lần đầu tiên trong lịch sử, đại gia ghi nhận lợi nhuận tỷ USD

Như vậy, so với năm 2018, số ngân hàng báo lãi trên 10 ngàn tỷ đã tăng thêm 5 ngân hàng lên tổng cộng 7 tổ chức tín dụng.

Trong năm 2020, nhiều ngân hàng lớn nhiều khả năng sẽ tăng vốn và qua đó tăng tín dụng và đẩy lợi nhuận lên cao.

Chủ tịch VietinBank vừa qua cũng đã đề xuất giữ lại lợi nhuận để tăng vốn giai đoạn 2021-2023 bên cạnh các giải pháp thực hiện thời gian qua như tìm kiếm cổ đông chiến lược, phát hành trái phiếu và khai thác thị trường thứ cấp...

{keywords}
Ngân hàng đang hoạt động tốt.

Trên thực tế, các ngân hàng Việt trong thời gian gần đây có dư địa gia tăng lợi nhuận khá lớn khi mà nợ xấu giảm mạnh và nhiều ngân hàng đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong việc xử lý nợ xấu và đáp ứng các tiêu chuẩn Basel 2 do Ngân hàng Nhà nước yêu cầu.

Bên cạnh đó, việc mở rộng các dịch vụ kết hợp với công nghệ cũng giúp các ngân hàng có thể mở rộng nguồn thu trong tương lai. Trong trường hợp Vietcombank, ngân hàng này trong năm 2019 đã hợp tác với đối tác bảo hiểm FWD của Hong Kong. Với thỏa thuận này, FWD phải trả cho VCB một khoản khoảng 400 triệu USD cho thỏa thuận bancassurance. 

VietinBank cũng là ngân hàng đẩy mạnh các kênh bán hàng số hoá và tiếp cận thẳng tới các doanh nghiệp bằng những dịch vụ mới.

Với Techcombank, lợi nhuận lớn trong 9 tháng không chỉ từ thu nhập lãi thuần mà còn từ dịch vụ. Thu nhập từ các hoạt động phi tín dụng của ngân hàng đóng góp 30% cho tổng thu nhập hoạt động. Ngoài ra ngân hàng này cũng thu nhập tốt với hoạt động cho vay với nhóm đối tượng khách hàng tầm trung cao.

Nhìn chung, hầu hết các chỉ tiêu các ngân hàng lớn đặt ra đều được hoàn thành. Việc huy động vốn, dư nợ tín dụng, chất lượng nợ… đều được thực hiện tốt và nó cho thấy các ngân hàng đang trở nên vững chắc hơn sau gần một thập kỷ tái cơ cấu.

Trong năm 2019, Vietcombank ghi nhận huy động vốn tăng hơn 14% lên hơn 1 triệu tỷ đòng, dư nợ tín dụng tăng 15,4% lên gần 950 ngàn tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 15,9% lên hơn 735 ngàn tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu xuống mức thấp 0,77%... BIDV cũng ghi nhận tăng trưởng tài sản, dư nợ tín dụng, huy động vốn… đều khoảng 13-15%. Vietinbank cũng ghi nhận các kết quả ấn tượng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này còn 1,2%. 

V. Hà