Trong đó, đáng kể nhất có lẽ là nhóm nghiên cứu thuộc Học viện Quân y không cần “nghiên cứu” gì mà dùng lại “phát minh” của vợ Phan Quốc Việt để cho ra lò những kit xét nghiệm với giá trên trời để chọc mũi nhiều người thời dịch bệnh.

Báo cáo thì hay…

Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ Khoa học - Công nghệ (KH&CN) về việc chủ động nghiên cứu, phục vụ công tác phòng, chống dịch, Học viện Quân y đã ra chủ trương giao Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự (đơn vị trực thuộc Học viện Quân y) tiến hành nghiên cứu, chế tạo bộ sinh phẩm phát hiện vi rút Corona.

Sau đó, ông Chu Ngọc Anh ký quyết định, giao nhiệm vụ “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng vi rút Corona mới 2019 (2019-nCoV)” cho Học viện Quân y chủ trì, Công ty Việt Á phối hợp.

Tháng 3-2020, sau khi đạt được những thành tựu bước đầu, Bộ KH&CN tổ chức họp báo công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ kit xét nghiệm nói trên.

phan quoc viet.jpeg
Bị cáo Phan Quốc Việt (ngoài cùng bên trái) cùng các bị cáo được đưa vào phòng xét xử sáng nay ngày 27/12/2023

Thượng tá Hồ Anh Sơn, khi ấy là chủ nhiệm đề tài, cho hay, bộ kit được sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn ISO 13485, phòng thí nghiệm (Labo) thực hiện nghiên cứu đạt tiêu chuẩn ISO Class 8. Bộ kit được kiểm định các tiêu chí độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác, độ lặp lại và tương đương bộ sinh phẩm do CDC của Mỹ và WHO sản xuất.

Để đạt được tiến độ, nhóm nghiên cứu 10 người được đào tạo bài bản do ông phụ trách làm việc quên cả thời gian, có hôm quên ngủ. Ông nói: “Anh em trong nhóm sinh hoạt tại chỗ. Chúng tôi có những hộp cơm “huyền thoại” mang đi hàng ngày từ nhà hoặc đặt hàng từ bên ngoài. Có ngày, 20-21h chúng tôi nhốt mình trong viện và thường nói vui với nhau vì yêu “cô Vy” quá nên phải ăn ngủ cùng cô Vy".

Ông Sơn nói thêm, thành công của việc nghiên cứu, chế tạo kit là nhờ sự hợp tác nhiều năm với các đơn vị nghiên cứu ở nước ngoài, với Công ty Việt Á, rằng giá thành mỗi bộ kít dự kiến bằng 1/4 giá thành một bộ kit tương tự của nước ngoài.

Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y khi ấy, nói đây là đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ độc lập cấp quốc gia. Thành công của đề tài đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lớn trong tình hình dịch COVID-19 đang lan tràn trên toàn cầu.

Ông Quyết tự hào rằng lần đầu tiên Việt Nam đã có bộ kit do chính Việt Nam sản xuất với số lượng lớn, chất lượng tốt tương đương với chất lượng bộ kit Việt Nam đang sử dụng của thế giới.

Ông nói, lượng sản xuất của Công ty Việt Á khoảng 10.000 bộ kit/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất gấp 3 lần. Năng lực sản xuất hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu hoặc hỗ trợ quốc tế trong tình trạng dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều nước trên thế giới…

Và những thành tựu ấy được tung hô, được coi là ý chí và trí tuệ Việt Nam, bao nhiêu nước đã muốn ký hợp đồng để mua sản phẩm.

Nhưng thực tế thì “ăn mày” người khác

Những “lời hay ý đẹp” trên đây hóa ra được tưởng tượng mà ra. Vụ án đến nay đã có kết luận điều tra thì mọi người mới ngã ngửa ra rằng, không có một kết quả nghiên cứu nào hết. Thay vào đó, kết quả ấy là từ sự “giỏi giang” của vợ ông giám đốc Phan Quốc Việt.

Vợ ông Việt, bà Hồ Thị Thanh Thuỷ đọc được các tài liệu do Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ và một số nước khác công bố trên mạng internet. Bà Thuỷ đã nghiên cứu cơ sở quy trình, hóa chất tạo nên kit và đặt hàng mua các hoá chất để sản xuất thử nghiệm kit xét nghiệm. Thật kỳ lạ, chỉ cần học và làm theo đã có sản phẩm kit xét nghiệm!

Khi Phan Quốc Việt mang kit xét nghiệm do vợ “làm ra” ra Hà Nội để đánh giá chất lượng cùng với bộ kit mà Học viện “lao tâm khổ tứ sản xuất” thì thấy bộ kit của bà Thuỷ hơn hẳn về chất lượng.

Ngày 21.2.2020, Hồ Anh Sơn và Phan Quốc Việt thống nhất cho chạy thử bộ sinh phẩm do nhóm nghiên cứu Học viện Quân y chế tạo và bộ sinh phẩm do Công ty Việt Á mang đến trên máy real-time tại labo phòng thí nghiệm của đơn vị.

Khi biết kết quả bộ kit do Việt Á đưa đến có chất lượng tốt hơn bộ sinh phẩm Học viện Quân y thì Phan Quốc Việt đã báo kết quả này đến Trịnh Thanh Hùng - cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Ông Trịnh Thanh Hùng đã yêu cầu Hồ Anh Sơn làm văn bản gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị phối hợp thử nghiệm bộ kit do Việt Á đưa đến.

Như vậy không phải là Học viện Quân y nghiên cứu. Khi có kết luận điều tra mọi người mới té ngửa là do vợ ông Giám đốc Việt “đọc qua mạng” rồi chế ra.

Qua các khâu, cuối cùng ngày 2.3.2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra quyết định về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu kết quả giai đoạn 1. Hôm sau, Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả đã thông qua quy trình do Học viện Quân y nghiên cứu nhưng dựa trên kết quả đánh giá bộ kit Việt Á cung cấp và kiến nghị Bộ Y tế xem xét cấp phép để sử dụng phòng, chống dịch.

Ngày 4.3.2020, Bộ Y tế có quyết định cấp số đăng ký tạm thời để sử dụng trong xét nghiệm sàng lọc.

Một sự đánh tráo ngoạn mục đã xẩy ra. Hơn 18 tỷ đồng tiền thuế đã bị họ “đổ sông đổ biển” để lấy kết quả từ cách làm theo trên mạng. Mà hàng loạt bộ kit xét nghiệm do bà Thủy “phát minh” đã được chế tạo trong một cái phòng mà các nhà báo điều tra cho biết chỉ rộng khoảng 12 m2, không có máy móc gì đáng kề để sản xuất ra hàng vạn bộ kit và bán với giá “trên trời” thu về một nguồn lợi khổng lồ.

Với những bộ kit đó, liệu ai còn dám nghĩ kết quả những lần bị ngoáy mũi không thể quên trước đây là đúng?

Thật là một chuyện bi hài mà tích “Hồn Trương Ba da hàng thịt” còn lâu mới so sánh được.

Toà án Quân sự được mở hôm nay. Những hệ luỵ mà những người hầu toà lần này đã mang đến cho xã hội thật là to lớn. Nó là tâm bão, là nơi khởi nguồn cho một trận cuồng phong phá huỷ mọi chuẩn mực, kéo theo hệ luỵ khôn lường. Đó là sự xuống cấp về đạo đức, là thiệt hại về kinh tế và trên hết là sự băng hoại về niềm tin.

Đây mới chỉ là một nhánh quan trọng của vụ án. Những kẻ hầu toà chắc chắn sẽ phải ăn năn trước việc làm phi khoa học, vô đạo đức này khi biết bao người dân đã phải dùng kit xét nghiệm của họ.

Nguyễn Đăng Tấn