Đạo đức trường học đã vượt lằn ranh đỏ

Có thể gọi vụ việc cô giáo dạy âm nhạc Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang bị hàng chục học sinh lớp 7 chốt cửa, hành hung là vụ việc rất đau lòng, gây choáng váng về nhân cách của học sinh thời nay.

Theo thông tin của chính quyền địa phương, cô giáo cũng có những khuyết điểm đến mức bị xử lý kỷ luật.

Nhưng bất luận cô giáo có khuyết điểm như thế nào thì hành động trái với luân thường đạo lý của nhóm học sinh là không thể chấp nhận.

Khách quan mà nói, ở đâu và thời nào cũng có bạo lực học đường, tuy nhiên chỉ là hạn hữu. Nhưng, vấn nạn bạo lực học đường ở nước ta không còn là hạn hữu mà càng ngày càng nhức nhối. 

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm học 2021 - 2022, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học. Theo thống kê của Bộ Công an, mỗi tháng có trên 1.000 thanh thiếu niên phạm tội.

Đau lòng hơn, bạo lực không chỉ xẩy ra giữa học sinh với học sinh mà có đủ các thang bậc quan hệ ở chốn trường học. Đó là các loại bạo lực thầy - trò; thầy - thầy; phụ huynh - thầy; trò - thầy... Bạo lực học đường không chỉ là “độc quyền” của học sinh.

Điều đáng nói nhất là tình trạng bạo lực học đường do chính phụ huynh gây ra cho các thầy cô giáo trong thời gian. Những tấm gương tệ hại như vậy tác động rất lớn đến hành xử bạo lực của học sinh.

Vụ việc ở Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là giọt nước tràn ly làm cho đạo đức học đường vượt qua lằn ranh đỏ.

Nguyên nhân do đâu?

“Mỗi hạt mưa đều góp phần tạo ra cơn lũ”. Không thể đổ mọi tội lỗi, yếu kém của nền giáo dục nước nhà cho ngành giáo dục; càng không thể đổ lỗi của vấn nạn bạo lực học đường cho các cháu học sinh tuổi đời còn non nớt.

Người viết bài mạo muội nêu ra một số hạn chế dưới đây:

Thứ nhất, quốc gia nào cũng vậy, triết lý giáo dục được xác định là kim chỉ nam cho sự phát triển của nền giáo dục. Nhưng đến nay, triết lý giáo dục của Việt Nam còn chung chung, ôm đồm quá mức, chưa toát lên được mục tiêu xây dựng đạo đức, nhân cách người học một cách cụ thể, thiết thực.

Thứ hai, từ Bộ giáo dục, nhà trường đến phụ huynh, học sinh đều coi nhẹ giáo dục đạo đức, nhân cách của người học.  

Mặc dù Điều 29 Luật Giáo dục 2019, quy định mục tiêu giáo dục phổ thông là: “phát triển toàn diện cho người học về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ (...); hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa và trách nhiệm công dân”. Như vậy, Luật Giáo dục đặt giáo dục đạo đức được lên hàng đầu.

Mặt khác, ở vị trí trung tâm nhất của các trường học đều có những khẩu hiệu mang tính triết lý rất ấn tượng như “Tiên học lễ, hậu học văn”; "Học để làm người"; “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”…

Nhưng trong chương trình (do Bộ GD& ĐT ban hành), số tiết môn đạo đức ở cấp tiểu học (THCS là môn Giáo dục công dân, THPT là môn Giáo dục kinh tế và pháp luật) mỗi tuần chỉ có một tiết.

Thử hỏi, với thời lượng ít ỏi như vậy thì làm sao các nhà giáo có thể hoàn thành được sứ mệnh “trồng người” ở góc độ bồi đắp đạo đức, nhân cách cho học sinh một cách căn cơ, bài bản.

Thời lượng dành cho giáo dục đạo đức rất rất ít ỏi, nhưng vì chạy theo thành tích, chạy theo thi cử cho nên từ nhà trường đến giáo viên lo dạy chữ hơn là dạy người. Ngay cả phụ phụ huynh cũng chỉ quan tâm tới kết quả học chữ, ít khi quan tâm tới tu dưỡng đạo đức, nhân cách của của con em mình.

Trong các phiên họp phụ huynh, các bậc phụ huynh chỉ quan tâm tới kết quả học tập của con em; năm học tới, kỳ học tới đóng bao nhiêu tiền, mấy ai quan tâm tới tu dưỡng đạo đức của con mình trong quá trình học tập.

Thứ ba, người viết bài rất chia sẻ những khó khăn của các nhà giáo, nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận, một bộ phận nhà giáo không xứng đáng đứng trên bục giảng cả về trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm cả về nhân cách đạo đức. Một bộ phận nhà giáo đã không quan tâm giữ gìn đạo đức, nhân cách, tác phong nghề nghiệp dẫn đến những việc làm, hành vi trái tư cách nhà giáo.

Thứ tư, mỗi khi ở đâu đó xảy ra các sự kiện động trời về bạo lực học đường, thì quy trình và công thức xưa cũ lại được đưa ra sử dụng. Đó khi xảy ra vụ việc, báo chí và công luận lên tiếng, Bộ chỉ đạo sở, sở chỉ đạo phòng...  xem xét thi hành kỷ luật những tổ chức, cá nhân gây ra hoặc liên đới tới vụ việc.

Hiếm có các cuộc trao đổi, tọa đàm giữa nhà trường với các bên liên quan trong các vụ bạo lực học đường để tìm ra nguyên nhân, ngọn ngành của vụ việc, qua đó có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn bạo học đường.

Thay cho lời kết

Có thể nói vụ việc ở Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã vượt lằn ranh đỏ đạo đức, nhân cách học sinh. Nên chăng ngoài công văn chỉ đạo xem xét thi hành kỷ luật những nhà giáo và học sinh liên quan, Bộ GD&ĐT đồng thời chỉ đạo các nhà trường tổ chức trao đổi, tọa đàm với học sinh, phụ huynh về vấn nạn bạo hành học đường. 

Trong đó, tiếng nói của những học sinh trong các các vụ bạo hành và phụ huynh của những học sinh này là rất cần thiết và rất có giá trị trong việc tìm ra cội nguồn, nguyên nhân của vấn đề.

Mặt khác, cần phải rà soát lại nội dung, chương trình, phương pháp, thời lượng, ý thức dạy - học, chất lượng dạy - học môn đạo đức và các môn học liên quan đến giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh để có sự điều chỉnh hợp lý; khắc phục triệt để nhận thức coi môn giáo dục đạo đức là môn phụ. Có như vậy mới có thể hy vọng ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất vấn nạn bạo lực học đường.

Nguyễn Huy Viện

Nghịch cảnh trò quỳ lạy cô, thầy bóp cằm tròVẫn biết, trong cuộc sống vẫn xảy ra những điều bất thường, nhưng khi vụ việc trò quỳ lạy cô giáo trước cửa lớp đến mức ngã sõng soài, thầy giáo bóp cằm trò và kèm theo cả tràng những lời chửi bới thô lỗ thì quả là nghịch cảnh.