Trung Quốc và Nga những ngày gần đây tuyên bố hàng loạt động thái nhằm củng cố quan hệ quân sự, tài chính và chính trị, gia tăng đồn đoán về một liên minh sâu sắc hơn giữa hai nước là đối thủ của Mỹ.


Giờ đây, Bắc Kinh và Moscow ngày càng tìm thấy nhiều điểm chung trong nỗ lực thách thức trật tự mà Mỹ và phương Tây thiết lập bấy lâu ở châu Âu, châu Á. Cả hai đều tìm cách hợp tác mang tính biểu tượng cũng như cụ thể để thách thức những gì mà họ coi là nỗ lực của Washington nhằm kiềm chế sự gia tăng của họ.

Động thái mới nhất là tuyên bố cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên tại Địa Trung Hải và Nga sẽ là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ngân hàng phát triển mà TQ đề xuất.
{keywords}
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: AP



“Nga và TQ giờ đây không chỉ là láng giềng mà còn là những quốc gia tương tác sâu sắc”, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin nói với báo giới trong chuyến thăm Hàng Châu tuần này.

Hai bên đã thảo luận về việc khiến TQ trở thành “đối tác chính” trong một chương trình của Nga để xây dựng trạm nghiên cứu khoa học trên mặt trăng vào năm 2024.

Tổng thống Obama và nhiều nhà lãnh đạo phương Tây đã từ chối lời mời của ông Putin tham dự lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít. Trong khi đó, ông Tập Cận Bình lại được coi là nhà lãnh đạo nước ngoài nổi bật xuất hiện ở đây.

Ông Putin và ông Tập Cận Bình đã mở đầu cho một thay đổi lớn trong quan hệ song phương vào tháng 4/2014 bằng tuyên bố thỏa thuận kéo dài 30 năm trị giá 400 tỉ USD lần đầu tiên bán khí tự nhiên của Nga sang TQ. Tiếp theo đó là tuyên bố về một thỏa thuận hồi tháng 11 về việc xây dựng hệ thống ống dẫn thứ hai mang dầu và khí của Nga tới khách hàng TQ.

Đã có lúc, một số nhà phân tích coi các thỏa thuận lớn nói trên chỉ là động thái tuyệt vọng của ông Putin - người phải đối mặt với sự cô lập quốc tế và các biện pháp trừng phạt kinh tế từ Mỹ và châu Âu xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraina và việc Nga sáp nhập bán đảo Crưm.

Tuy nhiên, năm nay, cả một chuỗi tín hiệu đã cho thấy hai bên đang hợp tác ngày một sâu hơn. Đó là:

Trong tháng 3, công ty chế tạo máy bay quốc doanh của Nga đã tuyên bố kế hoạch sản xuất cho một liên doanh với tập đoàn máy bay thương mại TQ máy bay thương mại đường dài, thân rộng vào năm 2025. Khoảng 13 tỉ USD trong dự án đến từ TQ.

Tháng 4, TQ trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên mua hệ thống tên lửa hiện đại S-400 trong hợp đồng trị giá 3 tỉ USD hoàn tất vào 2017. Hợp đồng tên lửa S-400 “một lần nữa nhấn mạnh tầm chiến lược trong mối quan hệ của chúng tôi”, Anatoly Isaikin, giám đốc điều hành hãng xuất khẩu vũ khí quốc gia Rosoboronexport nói với báo Nga Kommersant.

Nga đã trở thành thành viên sáng lập và nước ủng hộ chính cho đề xuất của TQ trong việc thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á. Ngân hàng với số vốn đề xuất 100 tỉ USD được coi là một thách thức với các thể chế tài chính mà Mỹ và phương Tây dẫn dắt. Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Nga Stanislav Voskresensky nói với báo giới tuần này rằng, Nga có thể là nước đóng góp lớn thứ ba trong số hàng chục quốc gia - không gồm Mỹ và Nhật Bản-– tham gia ngân hàng đầu tư, và Nga có thể có vị trí trong ban giám đốc.

Phó Thủ tướng Nga Rogozin và người đồng cấp TQ Uông Dương trong tuần này đã thảo luận kế hoạch hợp tác thăm dò không gian trong những thập kỷ tới.

Cuộc tập trận chung trên biển 2015 được công bố mới đây là động thái mới nhất thể hiện cho mối quan hệ quân sự ngày càng gia tăng giữa hai nước. Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng TQ Cảnh Nhạn Sinh, cuộc tập trận bắn đạn thật diễn ra vào giữa tháng 5 với sự tham gia của 9 tàu nổi.

Nhiều nhà phân tích đã cẩn trọng cho rằng, dự đoán về một liên minh Bắc Kinh - Moscow chỉ là phóng đại. Một số nhà chiến lược Nga thậm chí bày tỏ quan ngại Nga sẽ là “đối tác thứ cấp” trong liên minh bởi sự giàu có về kinh tế của TQ.

Tuy nhiên, nhà phân tích Trenin của Trung tâm Carnegie cho rằng, sự ấm lên trong quan hệ song phương hai nước là minh chứng cho thấy không bên nào vượt trội bên nào khi họ tìm kiếm mở rộng ảnh hưởng và thách thức trật tự toàn cầu mà Mỹ thiết lập ở châu Á, châu Âu. “Từ cấp độ mới được thiết lập năm 2014, quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh đang tiến về phía trước trong nhiều lĩnh vực quan trọng”, ông cho biết. “Thay vì một châu Âu rộng lớn từ Lisbon tới Vladivostok, một châu Á rộng lớn từ Thượng Hải đến St. Petersburg đang hình thành”.

Thái An
(theo Washingtontimes)